Mục tiêu 1,5 độ C: Từ góc nhìn an ninh phi truyền thống

Việt Nam luôn chủ động, tích cực thực hiện những cam kết quốc tế và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới việc 'đổi mới khí hậu toàn cầu'.

Từ nguy cơ “vượt ngưỡng”…

Chỉ trong vòng 15 ngày (26/9-10/10) đã diễn ra 2 hội nghị có nội dung về biến đổi khí hậu: Hội nghị cấp cao về Biến đổi khí hậu tại Mỹ và Hội nghị Đối thoại cấp cao về Biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị.

Hội nghị cấp cao tại Mỹ với chủ đề “Một hành tinh” lần thứ hai. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Guterres đã cảnh báo thế giới về nguy cơ cộng đồng quốc tế đi chệch hướng mục tiêu Hiệp định Paris. Ông nói: “Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa, hành động nhanh hơn nữa; chúng ta cần tham vọng hơn và một hành động tăng tốc cho đến năm 2020. Nếu không thể đảo ngược xu hướng khí phát thải hiện nay, chúng ta không thể thực hiện mục tiêu 1,5 độ C”.

Hàng loạt sự kiện thiên tai bất thường diễn ra với tần suất dày hơn, gây thiệt hại lớn là hồi chuông cảnh báo rằng thái độ chần chừ, thiếu nghiêm túc trong việc thực thi các cam kết của Hiệp định Paris sẽ dẫn tới những hậu quả thảm khốc.

Từ đầu năm đến nay đã có các thảm họa như: Mưa lũ, nắng nóng kỷ lục ở Nhật Bản; siêu bão, động đất ở Trung Quốc; nắng nóng bất thường ở Anh, Montreal, Canada; cháy rừng ở Thụy Điển, Hy Lạp; núi lửa phun trào ở Hawaii, Guatemala; vỡ đập thủy điện ở Lào; Động đất sóng thần gần đây nhất ở Indonesia…

Nồng độ CO2 trong khí quyển đang ở mức cao nhất trong 3 triệu năm qua và đang gia tăng. Đã có tới 18/20 năm ấm nhất toàn cầu kể từ năm 1850. Theo dự báo, đến năm 2100, những cơn siêu bão như Sandy xẩy ra ở Mỹ sẽ lặp lại với tần suất thường xuyên hơn (khoảng 17 lần).

Năm 2018, lần đầu tiên khối băng dày vĩnh cửu tại miền Bắc Greenland bắt đầu rạn nứt. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, tại Việt Nam thiên tai cũng đã làm 75 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế lên hơn 868,5 tỷ đồng.

Tại Hội nghị ở Hà Nội, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã có Báo cáo đặc biệt về tác động khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5o C và các vấn đề liên quan đến phát thải khí nhà kính toàn cầu. Chủ tịch IPCC, ông Lee nhận định: “Việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu lên 1,5o C sẽ đòi hỏi những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có trong tất cả các khía cạnh của xã hội.

Trong bối cảnh nêu trên, động lực thực thi Hiệp định Paris lại đang có dấu hiệu “suy yếu”, trước hết là xuất phát từ việc Mỹ, quốc gia đứng thứ hai thế giới về lượng khí thải nhà kính, ngừng tham gia Hiệp định Paris. Một số quốc gia đã chọn phương án tái sử dụng điện hạt nhân - năng lượng tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh không nhỏ.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Guterres nhấn mạnh, Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20), chịu trách nhiệm 80% về lượng khí thải nhà kính, cần thể hiện rõ vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu này.

Việc chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu trở nên “xa vời”, khi các nước phát triển mới chỉ đóng góp 10 tỷ USD, trong đó có 1 tỷ USD của Mỹ bằng 30% cam kết mà Tổng thống Obama đưa ra.

Đến những nỗ lực của cộng đồng quốc tế…

Theo thống kê, cho đến nay đã có 196 nước tham gia ký kết Hiệp định Paris, mới thực hiện cắt giảm 30% lượng khí thải carbon dioxide (CO2) cần thiết nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới ngưỡng 1,5o C đến năm 2020. Trung Quốc và EU hứa hẹn sẽ thành lập liên minh để đi đầu trong nỗ lực đối phó tình trạng biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, Hội nghị “Một hành tinh” lần thứ hai, đã có sáng kiến “tiếp sức” thêm cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo đó, chính phủ Pháp, Đức, Quỹ Hewlett đã cam kết đóng góp khoản tài chính cho Sáng kiến Đối tác tài chính khí hậu của Liên Hợp Quốc.

WB cũng cam kết khoản 1 tỷ USD cho phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng và bổ sung 4 tỷ USD từ nay đến năm 2025, để xây dựng nhà máy dự trữ năng lượng. Hãng Google cũng giới thiệu một công nghệ giúp thu thập dữ liệu về khí phát thải nhà kính từ giao thông và tính công suất năng lượng mặt trời ở các đô thị.

Hội nghị cấp cao tại Mỹ đã phát đi lời cảnh báo nghiêm khắc rằng, tiến độ thực hiện mục tiêu của Hiệp định Paris nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu đang quá chậm trễ, mà thời gian hành động không còn nhiều, cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm hành động nhanh chóng và quyết liệt hơn nữa.

Theo giới quan sát, Hội nghị “Một hành tinh” lần thứ nhất tại Paris (2017), là một “lời đáp” của cộng đồng quốc tế đối với quyết định của Tổng thống Mỹ Trump, thì Hội nghị lần thứ hai này là cơ hội để các bên rà soát việc thực thi những cam kết khí hậu đã đưa ra.

Các nước Anh, Pháp, Trung Quốc cũng thông báo ý định cấm bán ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch; Canada quyết định thực hiện đầy đủ các cam kết của mình thông qua một chiến lược kinh tế tăng trưởng sạch, tăng đầu tư vào các công nghệ năng lượng xanh; EC tuyên bố đang thúc đẩy những biện pháp nhằm giảm thiểu lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính 40% từ nay đến năm 2030.

Theo giới quan sát, những nỗ lực của Liên Hợp Quốc, một số nước lớn, cùng với những hoạt động tích cực của các tổ chức quốc tế trong thời gian vừa qua là thể hiện quyết tâm lớn nhằm thực hiện nghiệm túc Hiệp định Pari về Biến đổi khí hậu.

Và sự chủ động, tích cực của Việt Nam…

Phát biểu tại Hội nghị ở Hà Nội, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Vì thế, Việt nam luôn chủ động, tích cực thực hiện những cam kết quốc tế và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc Quốc gia của UNDP tại Việt Nam cũng nhận định, báo cáo của IPCC đã nhấn mạnh những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu mà có thể tránh được bằng cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu thêm 1,5o C, nhưng thời gian hành động lại không còn dài.

Bà Wiesen nhấn mạnh: “Đổi mới khí hậu là điều cần thiết, giống như cải cách kinh tế toàn diện Việt Nam đã triển khai từ 40 năm trước để giảm phát thải khí nhà kính và tạo công ăn việc làm xanh, hướng đến một xã hội có sức chống chịu và bền vững hơn”.

Trước đó, ngày 26/9, phát biểu tại Hội nghị ở Mỹ, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Phùng Quốc Hiển hoan nghênh chủ đề của phiên toàn thể Hội nghị ASEP 10 về “Biến đổi khí hậu và thách thức đối với chủ nghĩa đa phương”.

Việt Nam nhận thức được biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn, nên đã sớm tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto và cùng 175 quốc gia ký Hiệp định Paris năm 2015; phê chuẩn cam kết quan trọng này và đã xây dựng Kế hoạch thực thi Hiệp định Paris.

Theo đó, Việt Nam cũng đã có một số đề xuất quan trọng như: (1) Thiết lập mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin giữa các nhà hoạch định chính sách, các nghị sỹ, chuyên gia, doanh nghiệp; (2) Thúc đẩy giám sát việc thực hiện các cam kết quốc tế; (3) Ủng hộ đề xuất của EP ở Singapore.

Phó Chủ tịch EP Papadimoulis hoan nghênh sự phát triển mạnh mẽ hiện nay tại Việt Nam, ông hài lòng về việc Việt Nam dành ưu tiên cho công tác chống biến đổi khí hậu. Ông bày tỏ vui mừng trước việc Việt Nam đưa nền sản xuất nông nghiệp sang sản xuất xanh và hữu cơ.

Như vậy, Hiệp định Pari về biến đổi khí hậu nhằm phản ánh và giải quyết một thực trạng nguy hiểm mà nhân loại đang phải gánh chịu. Các quốc gia không thể hành động chậm trễ hơn được nữa. Vì thế, những nỗ lực của cộng đồng quốc tế đã phản ánh quyết tâm của nhân loại bảo đảm an ninh môi trường, không chịu khuất phục trước thiên tai và đang hướng tới “đổi mới khí hậu toàn cầu” trong bối cảnh Công nghiệp 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ./.

CTV Nguyễn Nhâm/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/muc-tieu-15-do-c-tu-goc-nhin-an-ninh-phi-truyen-thong-827399.vov