Mức sống tối thiểu chỉ là một yếu tố để tính lương tối thiểu vùng

Chiều ngày 11/7, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ 2 về mức tiền lương tối thiểu vùng năm 2020. Cuộc họp này nhằm để các bên tiếp tục thương thảo và đi đến thống nhất về mức lương tối thiểu vùng năm 2020.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, việc xác định mức sống tối thiểu luôn là không dễ dàng, ngay cả trong Luật tiền lương tối thiểu của các nước cũng ko giao cho cơ quan Thống kê tính toán mức sống tối thiểu. Việc thảo luận trong Hội đồng Tiền lương quốc gia về mức sống tối thiểu phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế -xã hội và nhu cầu vật giá từ đó Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ quyết định đâu là mức sống tối thiểu.

Tuy nhiên, mức sống tối thiểu cũng chỉ là một trong những yếu tố để cân nhắc khi xác định mức tiền lương tối thiểu bởi ngay cả trong Công ước Lao động quốc tế về tiền lương tối thiểu cũng nhấn mạnh yếu tố đầu tiên là mức sống tối thiểu, bên cạnh đó còn các yếu tố khác như mức tiền lương phổ biến trên thị trường, năng suất lao động…

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong thời gian vừa qua Hội đồng Tiền lương quốc gia đã nhận được đề xuất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam về các phương án nâng tối thiểu năm 2020, trong đó đã đề cập đến nhiều yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là Việt Nam cũng đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn khi gia nhập CPTPPP, FTA…

Tuy nhiên những vấn đề trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp trong năm 2020 hay trong tương lai thì chưa xác định được. Chính vì vậy, tuy các lý do mà VCCI và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã đề cập đến cũng rất đáng để cân nhắc nhưng cũng cần nhấn mạnh là chúng ta đang bàn đến mức tiền lương tối thiểu trong năm 2020 chứ không phải là bàn về các vấn đề sẽ tác động đến doanh nghiệp.

Quang cảnh buổi họp. Ảnh: Xuân Thảo.

Quang cảnh buổi họp. Ảnh: Xuân Thảo.

“Trong thời gian vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng được Chính phủ giao trả lời các kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị là không nâng lương tối thiểu hoặc không dùng tiền lương tối thiểu để tính lương và các thu nhập khác. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với trách nhiệm của mình đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cho rằng kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam chưa phải là phù hợp. Mức lương tối thiểu cũng là mức lương đã được các bên cân đối nhiều mặt và mức lương đó sẽ được áp dụng chung cho mọi ngành nghề, mọi doanh nghiệp, chứ không hẳn chỉ áp dụng cho riêng ngành dệt may. Việc kiến nghị không nâng lương tối thiểu riêng cho ngành dệt may sẽ ảnh hưởng đến các ngành nghề khác đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang muốn đổi mới nguồn lực tăng trưởng, muốn chuyển sang các ngành nghề có giá trị gia tăng cao hơn.

Trong quá trình xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Ban chỉ đạo cũng đã lắng nghe rất nhiều ý kiến đặc biệt là ý kiến từ ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cho rằng trong nhiều năm, các doanh nghiệp Việt Nam thường chú trọng nhiều hơn vào việc cố đem lại được nhiều hợp đồng nhưng vẫn không thương lượng nổi việc nâng giá trị sản phẩm, điều này đã ép lương của người lao động xuống. Chính vì vậy, các bên cần cân đối rất kĩ các phương án về mức lương tối thiểu vùng năm 2020”, ông Diệp nhấn mạnh.

Đáng chú ý, tại phiên họp hôm nay, đại diện cho chủ sử dụng lao động - VCCI cho rằng, để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng suất, chất lượng lao động, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững đồng thời ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài và xử lý rủi ro suy giả tăng trưởng có tính chu kỳ, VCCI kiến nghị giãn lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2020 ở mức tăng thêm 1-2% để có cải thiện tiền lương của người lao động theo tỷ lệ đóng góp từ nguồn lao động vào tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế.

Trước đó, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương quốc gia, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 của các bên vẫn ở mức cách xa nhau, chưa thể có sự thống nhất. Cụ thể, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng cao nhất 8,18%, trong khi phía đại diện người sử dụng lao động Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI) chỉ đề xuất tăng dưới 3%.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/muc-song-toi-thieu-chi-la-mot-yeu-to-de-tinh-luong-toi-thieu-vung-107915.html