'Mục sở thị' bột ninh xương, nấu chè... siêu tiết kiệm

Chỉ cần cho thứ bột ninh xương siêu nhừ này sẽ giúp thực phẩm nhanh mềm, tiết kiệm nhiên liệu hơn nhưng lại ẩn chứa những mối nguy hại không lường.

Bột ninh xương "trôi nổi" trên thị trường

Hiện nay, bột ninh xương nhừ đang được bán công khai trên thị trường. Sản phẩm được bán công khai tại các chợ đầu mối, các trang mạng internet, mạng xã hội, thậm chí rao bán trên các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, hầu hết những sản phẩm này đều không có nhãn mác rõ dàng, không có tem nhãn phụ... do đó rất khó kiểm soát về chất lượng.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Công Thương, những thứ bột ninh xương này được bán công khai tại một số chợ đầu mối thực phẩm lớn tại Hà Nội. Tại chợ Đồng Xuân, sản phẩm này bày bán công khai tại các quầy bán đồ khô, không khác gì những gia vị bình thường khác.

Khi được hỏi về sản phẩm, người bán hàng cũng chỉ biết đây là thứ bột để ninh mềm, ninh nhừ thực phẩm nhanh hơn chứ không biết thành phần đó là gì. Người bán cũng không biết rõ sản phẩm này của công ty nào sản xuất?

Bột ninh xương bán công khai tại một cửa hàng đồ khô tại chợ Đồng Xuân

Bột ninh xương bán công khai tại một cửa hàng đồ khô tại chợ Đồng Xuân

Theo tìm hiểu, thứ bột ninh xương này là "Bicarbonate of soda" và "Pure Baking Soda Arm & Hammer". Trong đó, sản phẩm "Bicarbonate of soda" là dạng lọ, trọng lượng 120gram. Sản phẩm này có ghi xuất xứ từ Malaysia, thông tin về sản phẩm bằng tiếng Anh, thậm chí có cả mã vạch. Tuy nhiên, trên vỏ sản phẩm không hề có tem nhãn phụ bằng Tiếng Việt.

Đối với sản phẩm "Pure Baking Soda Arm & Hammer" dạng hộp cũng tương tự. Trên nhãn mác cũng thể hiện sản phẩm này của hãng Baking Soda Arm & Hammer (một nhãn hiệu chuyên về bột Baking Soda). Điều đáng nói, sản phẩm này được bán tại Việt Nam nhưng không hề có tem nhãn phụ. Điều này sẽ gây khó khăn cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người không biết Tiếng Anh.

Hơn nữa, những sản phẩm này có dấu hiệu "thả nổi" chất lượng, có thể tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với sức khỏe người tiêu dùng nếu mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Hiện nay trên thị trường còn ngang nhiên rao bán rầm rộ trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Điều đó có nghĩa, người tiêu dùng ở khắp mọi miền đất nước đều có thể dễ dàng mua và sử dụng.

Trong vai một khách hàng mới mở quán phở, chúng tôi liên hệ với Bách hóa sỉ lẻ B.L.D ở trên Shopee. Nhân viên tư vấn cho biết, có 2 loại đang bán chủ yếu là bột ninh xương nhãn hiệu bột "Soda Con gà" và "Baking Soda".

Cũng theo nhân viên này, thứ bột trên sẽ giúp làm mềm tất cả các loại thực phẩm (đậu, thịt, xương...) nhanh hơn và đỡ tốn nhiên liệu. Đây là mặt hàng thực phẩm, có công ty đàng hoàng, không phải hàng trôi nổi. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi thứ bột này do công ty nào sản xuất thì nhân viên chỉ nói là có xuất xứ Việt Nam chứ không nêu được tên công ty.

"Giống như anh ăn phở ăn bún hằng ngày, người ta cũng dùng đủ loại bột ninh ấy chứ, chẳng qua là người ta khuyến cáo sử dụng bao nhiêu thì mình sử dụng bấy nhiêu thôi", tư vấn viên chia sẻ.

Theo khảo sát, hiện nay trên thị trường có bán loại bột này có đóng gói khá cẩn thận, ghi công dụng, xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, trên nhãn mác vẫn có dòng chữ Trung Quốc. Đặc biệt, phóng viên không tìm thấy sản phẩm do công ty nào sản xuất.

Để kiểm chứng công dụng của sản phẩm này, phóng viên đã sử dụng 2 thìa bột "Bicarbonate of soda" để ninh 0,5 kg xương. Trong khoảng thời gian ninh 30 phút, nồi xương đã mềm nhanh hơn ninh bình thường, có thể dùng tay bẻ dễ dàng. Tuy nhiên, nước xương có mùi ngây nồng và màu nước đục hơn so với cách ninh truyền thống.

Sử dụng bột ninh nhừ vào nồi xương sẽ nhanh mềm hơn

Bột ninh xương có độc hại hay không?

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, bản chất của bột ninh xương như vẫn là NaHCO3 (natri hydrocarbonat hay natri bicarbonat). Tuy nhiên, sản phẩm này có hai dạng, dạng tinh khiết dùng trong y tế, còn dạng khác là dùng trong công nghiệp.

Được biết, nếu bột ninh xương sử dụng sản phẩm tinh khiết và hàm lượng vừa đủ thì không có gì lo ngại. Tuy nhiên, đối với dạng sử dụng trong công nghiệp thì không được sử dụng trong thực phẩm, đó là quy định.

Điều bất cập ở chỗ, hiện nay công tác quản lý vẫn còn khá lỏng lẻo. Trên thị trường, các doanh nghiệp không đứng ra đóng gói, sản xuất, đăng ký và đóng nhãn mác chỉn chu để đưa ra thị trường thì người ta gọi là sản phẩm trôi nổi. Trách nhiệm này thuộc về phía cơ quan quản lý.

Theo tìm hiểu, NaHCO3 tinh khiết là chất không độc, các chất này có trong danh mục chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm với liều lượng khoảng 2g/Kg theo thông tư 27/2012/ TT-BYT do Bộ Y Tế ban hành. Người ta sử dụng NaHCO3 tinh khiết trong lĩnh vực y tế hay làm sạch bề mặt rau, củ, quả hoặc làm mềm xương, thịt, nấu chè. Nếu dùng NaHCO3 tinh khiết với liều lượng cho phép sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên giá của một hũ 500g NaHCO3 tinh khiết, sử dụng được trong thực phẩm có giá khoảng 1 triệu đồng.

Trong công nghiệp người ta dùng chất này để làm mềm nước nhiễm axit, làm sạch ghế sofa, cho vào tủ lạnh để khỏi bị ám mùi, tẩy đồ bạc bị đen, cọ toa lét, cọ vết dầu mỡ, tẩy rửa bồn cầu, tẩy rửa xác chết...

Trên thực tế, để có lợi nhuận cao người bán thường mua bột nhừ bán trên thị trường không nhãn mác chủ yếu là NaHCO3 dùng trong công nghiệp có chứa nhiều tạp chất. Các chuyên gia cho rằng, nếu NaHCO3 không đạt độ tinh khiết có thể lẫn tạp chất như asen, thủy ngân, chì có thể ẩn chứa nguy cơ gây ung thư…

Bột soda làm mềm thực phẩm 1kg có giá chỉ 59.000 đồng liệu có đảm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm?

Điều đáng nói ở đây, chưa cần nói đến việc các chất phụ gia này độc hại đến mức độ nào khi dùng trong thực phẩm. Tuy nhiên, về liều lượng khoảng 2g/kg thực phẩm theo thông tư 27/2012/TT-BYT do Bộ Y Tế ban hành thì việc kiểm soát vấn đề này như thế nào cũng không khả thi. Vậy ai giám sát được các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ sử dụng liều lượng ra sao? Quy trình giám sát và kiểm định hàm lượng này như thế nào? Đặc biệt, có đơn vị nào quản lý được các cơ sở bán hàng đã nhập nhèm bán sản phẩm bột ninh xương siêu nhừ là thứ bột công nghiệp?

Điều đáng nói, hiện nay bột ninh xương trôi nổi vẫn được nhiều chủ quán phở, quán nấu chè sử dụng vì giá trị kinh tế. Theo đó, chỉ cần một túi 0,5kg có thể sử dụng vài chục lần nấu, trong khi đó, thời gian ninh sẽ được rút ngắn, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và chi phí nguyên liệu. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn chưa lường những nguy hại về sức khỏe nếu sử dụng hàng giả, hàng pha trộn, kém chất lượng.

PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/muc-so-thi-bot-ninh-xuong-nau-che-sieu-tiet-kiem-240763.html