Mực nước hồ Sơn La gần chạm cao trình xả lũ, mưa lớn lại ập tới

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, từ nay đến hết ngày 23/8, miền Bắc sẽ gặp tình huống thời tiết vô cùng bất lợi.

 Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo cuộc họp phòng, chống bão số 4 trên biển Đông có khả năng gây mưa lớn. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo cuộc họp phòng, chống bão số 4 trên biển Đông có khả năng gây mưa lớn. Ảnh: Minh Phúc.

Thời kỳ cao điểm lũ chính vụ ở miền Bắc

Phát biểu tại cuộc họp phòng, chống bão số 4 có thể gây mưa lớn vào sáng 18/8, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, mặc dù bão số 4 chưa vào đất liền nhưng đã có mưa lớn. Có nơi tổng lượng mưa trong 5 ngày qua lên tới 500mm.

Mưa lớn kết hợp với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đã khiến 3 người thiệt mạng (trong đó 1 người ở xã Hồ Thầu (Lai Châu) và 2 người ở Vĩnh Phúc), 14 người bị thương. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, cơn bão số 4 được dự báo có thể đổ bộ vào khu vực biên giới Việt – Trung và chắc chắn sẽ có mưa rất to ở khu vực miền núi phía Bắc.

Dự báo hướng di chuyển của bão số 4. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia.

Tại một diễn biến khác, mực nước các hồ chứa thủy điện lớn thượng nguồn sông Hồng, sông Thái Bình như Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang đang ở mức cao.

Ông Trần Quang Hoài – Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng, chống thiên tai, cho biết: Đang thời kỳ lũ chính vụ ở miền Bắc. Hồ Sơn La chỉ được tích nước đến cao trình 197,3m, hiện mực nước hồ chỉ cách cao trình xả lũ dưới 1m.

Theo số liệu đo đạc, hiện nay mực nước đến hồ Sơn La khoảng 5.230m3/s và trong khi lưu lượng nước xả ra để phát điện khoảng 3.286m3/giây, như vậy hồ Sơn La sẽ giữ lại khoảng 2.000m3/giây.

Có 6 đơn vị đang phối hợp với Tổng cục Phòng, chống thiên tai đang tiếp tục tính toán và theo dõi diễn biến mực nước hồ Sơn La.

Ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 gây mưa lớn, đến ngày 21/8 lượng nước từ thượng nguồn đổ về hồ Sơn La có thể lên tới 8.000m3/giây. Theo kịch bản trên, mực nước hồ Sơn La sẽ nhanh chóng dâng lên ngưỡng tràn xả lũ theo quy trình vận hành.

Ông Trần Quang Hoài cho rằng, trong trường hợp hồ Sơn La xả lũ thì sẽ kéo theo mực nước hồ Hòa Bình dâng nhanh (hiện mực nước hồ Hòa Bình chỉ cách cao trình xả lũ khoảng 7m).

Tính phương án vận hành hồ thủy điện Sơn La

Chiều 18/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường – Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai sẽ có buổi làm việc với các chuyên gia, cơ quan, ban ngành để phân tích tình hình, làm cơ sở để xem xét phương án vận hành hồ Sơn La trên tinh thần vừa đảm bảo mục tiêu tích nước để phát điện phục vụ mùa khô, vừa đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du.

Cuộc họp về phòng, chống bão số 4 có khả năng gây mưa lớn diễn ra vào sáng 18/8. Ảnh: Minh Phúc.

Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện là thời điểm chuyển quy trình vận hành hồ chứa thủy điện từ thời kỳ lũ chính vụ sang thời kỳ lũ kết thúc sớm. Xuất phát từ kinh nghiệm vận hành cũng như thực tiễn từ năm 2019 đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam mong muốn Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai xem xét hết sức linh hoạt và chi tiết, để cho phép hồ Sơn La vận hành trữ nước ở cao trình trên 197,3m trong thời kỳ lũ chính vụ.

Bởi hồ Sơn La là công trình có vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh nguồn nước, vừa phát điện, vừa phục vụ tưới tiêu vào mùa khô ở các tỉnh Trung du và đồng bằng Bắc bộ.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, để có phương án tối ưu vận hành hồ Sơn La trong thời điểm này, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng thu thập dữ liệu về tình hình mưa cũng như thủy văn ở Trung Quốc trong những ngày tới, đồng thời tính toán và dự báo thời điểm lũ muộn.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, với thông tin dự báo mưa ở miền Bắc có thể lên tới 300mm trong 2 ngày, chắc chắn một loạt hồ chứa thủy lợi sẽ phải xả. Trong vùng nguy hiểm lần này có khoảng 50 hồ không an toàn, chưa an toàn hoặc đang thi công, Tổng cục Thủy lợi phải có trách nhiệm rà soát tổng thể và chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn.

Thông tin từ Bộ đội Biên phòng, hiện nay không còn tàu thuyền nào hoạt động trong vùng nguy hiểm. Còn ông Nguyễn Quang Hùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết thống kê trong hệ thống giám sát có gần 500 tàu cá trong khu vực Vịnh Bắc bộ, chúng tôi sẽ liên tục thông tin với các tàu để có biện pháp phòng, tránh. Với nuôi trồng thủy sản, số lượng lồng bè khoảng 35.000 lồng bè và 4.000 lều, chòi nuôi ngao, sò.

Minh Phúc

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/muc-nuoc-ho-son-la-gan-cham-cao-trinh-xa-lu-mua-lon-lai-ap-toi-d271305.html