Mức hưởng BHYT tăng bao nhiêu từ 1-7-2019?

Số tiền thanh toán trực tiếp BHYT từ ngày 1-7-2019 được điều chỉnh tăng cho phù hợp với mức lương cơ sở mới

Cụ thể, số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh của người lao động trong năm lớn hơn 8.940.000 đồng mới được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Quỹ BHYT sẽ chi trả nhiều hơn

Từ ngày 1-7-2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng, cao hơn 100.000 đồng so với trước đây. Căn cứ mức lương mới, số tiền thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh (KCB) cũng tăng lên. Theo đó, khi người bệnh KCB tại cơ sở không ký hợp đồng KCB BHYT (trừ trường hợp cấp cứu) tại cơ sở tuyến huyện và tương đương sẽ được thanh toán tối đa không quá 2,235 triệu đồng (hiện tại 2,085 triệu đồng với KCB ngoại trú và với KCB nội trú thanh toán tối đa không quá 745.000 đồng (hiện tại 695.000 đồng). Ngoài ra, tại cơ sở y tế tuyến tỉnh và tương đương, người bệnh được thanh toán tối đa không quá 1,49 triệu đồng tại thời điểm ra viện nếu KCB nội trú (hiện tại 1,39 triệu đồng). Tại cơ sở tuyến trung ương và tương đương, người bệnh được thanh toán tối đa không quá 3,725 triệu đồng tại thời điểm ra viện nếu KCB nội trú (hiện tại 3,475 triệu đồng). Ngoài ra, các trường hợp được hưởng BHYT với mức 100% gồm: người bệnh BHYT KCB ngoại trú một lần ít hơn 223.500 đồng (hiện tại 208.500 đồng); người bệnh KCB nội trú: tối đa không quá 745.000 đồng (hiện tại 695.000 đồng).

Quyền lợi của người tham gia BHYT được mở rộng hơn từ ngày 1-7

Quyền lợi của người tham gia BHYT được mở rộng hơn từ ngày 1-7

Theo quy định, người lao động (NLĐ) có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 8.340.000 đồng (trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến) sẽ được hưởng 100% chi phí KCB. Tuy nhiên, từ ngày 1-7-2019, số tiền cùng chi trả chi phí KCB của NLĐ trong năm lớn hơn 8.940.000 đồng mới được hưởng 100% chi phí KCB.

Mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT

Theo quy định tại Nghị định 146: Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, quyền lợi của người tham gia BHYT được mở rộng hơn rất nhiều. Theo đó, trường hợp người bệnh được cơ sở KCB tuyến trên chẩn đoán, chỉ định điều trị và chuyển về để quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc tại cơ sở KCB tuyến xã được hưởng quyền lợi theo quy định.

Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến, sau đó được cơ sở nơi tiếp nhận chuyển tuyến đến cơ sở KCB khác thì vẫn được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB theo như đi trái tuyến, trừ các trường hợp: cấp cứu, đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở KCB, tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở y tế. Trường hợp KCB theo yêu cầu, Quỹ BHYT không thanh toán các chi phí KCB mà người bệnh yêu cầu cơ sở KCB thực hiện. Đối với các trường hợp KCB tại các tỉnh giáp ranh: cơ quan BHXH chỉ thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT trong trường hợp người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế tuyến xã giáp ranh của tỉnh giáp ranh, khi đến KCB tại trạm y tế tuyến xã giáp ranh của tỉnh giáp ranh, Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT.

Về quyền lợi khi đi KCB tại cơ sở không ký hợp đồng KCB BHYT hoặc KCB không đúng thủ tục thì được thanh toán theo tỉ lệ mức lương cơ sở áp dụng cho từng tuyến bệnh viện nơi người bệnh đến KCB thay vì quy định số tiền cụ thể như hiện nay. Với quy định này, nếu bệnh nhân khám tại tuyến xã, phường, sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cơ bản thay vì chỉ khám "chay"như hiện nay. Về lâu dài, sẽ thành lập các trung tâm xét nghiệm, chẩn đoán có tập trung đầu tư phương tiện và sử dụng hiệu quả thay vì mỗi bệnh viện phải trang bị đầy đủ nhưng không sử dụng hết năng lực của thiết bị và cũng không đủ năng lực thực hiện dịch vụ cận lâm sàng mặc dù có đủ năng lực điều trị.

Bài và ảnh: hải anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/nhip-song/muc-huong-bhyt-tang-bao-nhieu-tu-1-7-2019-20190521184124652.htm