Mức hỗ trợ thấp so với nhu cầu của dự án

Theo đánh giá của ngành công thương, chương trình khuyến công quốc gia (KCQG) giai đoạn 2015-2020 đã góp phần đáng kể vào phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT). Tuy nhiên, chương trình này còn bộc lộ những hạn chế dẫn đến hiệu quả chưa được như kỳ vọng. Để chất lượng các đề án khuyến công ngày càng được nâng cao, đòi hỏi các cơ quan chức năng có giải pháp tháo gỡ các 'điểm nghẽn'.

Xẻ gỗ tại Cơ sở mộc Thanh Danh (huyện Đất Đỏ), một trong những cơ sở CNNT được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công.

Xẻ gỗ tại Cơ sở mộc Thanh Danh (huyện Đất Đỏ), một trong những cơ sở CNNT được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công.

CÁCH VÀ MỨC HỖ TRỢ CHƯA HẤP DẪN

Năm 2019, Công ty TNHH thương mại - dịch vụ Gia Tuấn (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) đầu tư gần 2 tỷ đồng mua nhiều loại máy móc để phục vụ sản xuất như: Máy cắt cửa nhôm 1 đầu, 2 đầu; máy cắt thanh nhôm tích hợp cắt ke, đo điện tử; máy cắt nhôm kính quay đa góc; máy dập nhôm… Công ty được chương trình KCQG hỗ trợ 200 triệu đồng.

“Với kinh phí đầu tư triển khai một đề án tiền tỷ thì mức hỗ trợ này chỉ mang tính chất động viên chứ chưa đủ lực để khuyến khích các DN nhỏ mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất”, ông Phan Hồng Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH thương mại - dịch vụ Gia Tuấn, cho hay.

Tương tự, để thực hiện một mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất thì DN, cơ sở sản xuất phải bỏ vốn đầu tư lớn, có khi lên tới 5-10 tỷ đồng, nhưng với mức hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng/mô hình quá nhỏ so với tổng mức đầu tư. Chưa kể, một số quy định từ chính sách khuyến công chưa phù hợp. Theo quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công, thì chỉ triển khai tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, một số xã có thời gian chuyển đổi lên phường không quá 5 năm mới được thụ hưởng và hạn chế hỗ trợ ở khu vực đô thị.

Quy định đối tượng thụ hưởng ở quy mô hẹp đã khiến nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp có nhu cầu không được hỗ trợ; đồng thời gây khó khi triển khai. Trong khi đó, tại các huyện, quy mô cũng như vốn của các cơ sở sản xuất nhỏ, rất khó mời gọi tham gia đầu tư, nhất là đầu tư công nghệ sản xuất mới.

Một bất cập nữa là theo quy định từ các chương trình KCQG, các cơ sở phải mua máy mới 100%, do vậy vốn đầu tư thường lớn, mà kinh phí hỗ trợ eo hẹp. Trong khi đó, theo các DN, một số loại máy nhập khẩu đã qua sử dụng giá thường rẻ hơn từ 30-40%, độ chính xác cao, bền, tiêu thụ ít điện năng phù hợp với khả năng tài chính và nhu cầu của cơ sở nhưng lại không được tính. Ông Cao Văn Cắt, chủ cơ sở mộc Thanh Danh (huyện Đất Đỏ) cho biết: Có nhiều loại máy móc phục vụ ngành mộc như: phay gỗ, điêu khắc, xẻ gỗ… Nếu mua máy cũ nhập khẩu từ Nhật Bản, Đức giá chỉ rẻ bằng 50-60% so với mua mới. Nhưng nếu muốn được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, DN buộc phải mua máy mới 100%.

XEM XÉT LẠI VỀ ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG

Trước những bất cập trên, nhiều ý kiến cho rằng, Cục Công nghiệp địa phương và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung hoạt động khuyến công theo hướng mở rộng và tăng định mức hỗ trợ cho một số đề án như: Xây dựng mô hình sản xuất sạch hơn; xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các cơ sở, CCN. Đồng thời, kiến nghị tăng nguồn kinh phí KCQG giao cho các địa phương hàng năm, nhằm tăng sức lan tỏa của chính sách khuyến công, tạo động lực khuyến khích DN đầu tư phát triển; Đề nghị xem xét điều chỉnh giảm thời gian thẩm định các đề án KCQG, cụ thể giảm từ 9 tháng xuống còn khoảng 5 tháng.

Theo ông Đinh Trọng Cường, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, để giải quyết “điểm nghẽn” về kinh phí, Cục Công thương địa phương cần kiến nghị Bộ Công thương xem xét trình Chính phủ đề xuất đổi mới các nội dung hoạt động của chương trình KCQG như: chú trọng lồng ghép các hoạt động khuyến công với các dự án, chương trình mục tiêu khác của Chính phủ để khuyến khích, thu hút nguồn vốn. Đồng thời, xem xét trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung theo hướng cho phép đầu tư, ứng dụng các loại máy móc thiết bị hiện đại đã qua sử dụng nhưng phù hợp với nhu cầu của cơ sở. Cũng như mở rộng đối tượng thụ hưởng là tất cả các DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, không hạn chế địa bàn đầu tư sản xuất.

“Trình độ quản lý cũng như tiềm lực về vốn của các cơ sở sản xuất tại khu vực thành thị cao hơn nhiều so với khu vực nông thôn. Do đó, nếu chương trình khuyến công được mở rộng thì nguồn vốn của khuyến công sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn”, ông Cường trao đổi thêm.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202006/chuong-trinh-khuyen-cong-muc-ho-tro-thap-so-voi-nhu-cau-cua-du-an-901347/