Mức giao dịch đáng ngờ phải báo cáo từ 300 triệu đồng

Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15/11/2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2023 có nhiều điểm mới được cho là sẽ tăng hiệu lực kiểm soát phòng, chống rửa tiền. Đáng chú ý, mức giao dịch đáng ngờ phải báo cáo vẫn là 300 triệu đồng.

Tại dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo liên quan đến công tác phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) soạn thảo là 300 triệu đồng- giữ nguyên theo Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg. Đối tượng áp dụng có trách nhiệm báo cáo NHNN khi một khách hàng thực hiện giao dịch bằng tiền mặt, hoặc ngoại tệ tiền mặt một hoặc nhiều lần trong một ngày có giá trị tương đương số tiền trên trở lên. NHNN cho biết, việc giữ nguyên mức giá trị này căn cứ vào quá trình triển khai Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg thời gian qua và tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Mặt khác, theo khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) thì ngưỡng giá trị giao dịch phải báo cáo được khuyến nghị là 15.000 USD (tương đương 375.000.000 đồng (ba trăm bảy lăm triệu đồng), cao hơn mức quy định tại dự thảo quyết định. Tuy nhiên, nếu tăng mức giao dịch phải báo cáo lên 400.000.000 (bốn trăm triệu đồng), thì sẽ cao hơn ngưỡng của giá trị giao dịch phải báo cáo của FATF.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nghị định quy định các tổ chức tài chính phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng liên quan đến hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố trong các trường hợp như khi khách hàng lần đầu mở tài khoản; khi khách hàng lần đầu thiết lập mối quan hệ với tổ chức tài chính; khi khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có tổng giá trị từ 300 triệu đồng trở lên trong một ngày.

Giao dịch không thường xuyên là giao dịch thực hiện bởi khách hàng không có tài khoản hoặc có tài khoản, ví điện tử giao dịch sau thời gian 6 tháng không thực hiện bất kỳ giao dịch nào; khi thực hiện chuyển tiền điện tử nhưng thiếu một trong số thông tin về tên, địa chỉ của người khởi tạo, số tài khoản của người khởi tạo hoặc mã giao dịch trong trường hợp người khởi tạo không có tài khoản; khi nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền…

Theo NHNN, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 đã có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung so với Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012. Trong đó, một trong những nội dung mới được đưa vào luật lần này là bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Đó là các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trò chơi có thưởng... Điều này nhằm phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và nội hàm khái niệm theo khuyến nghị của tổ chức quốc tế; bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên cơ sở luật hóa quy định về đối tượng này tại Nghị định số 116/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung).

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 được ban hành đúng thời điểm nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ, đặc biệt hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng cũng tăng tốc mạnh. Do đó, việc luật ra đời thời điểm này sau 10 năm áp dụng văn bản luật cũ được giới ngân hàng, doanh nghiệp và người dân đặt nhiều kỳ vọng sẽ giảm thiểu đáng kể các rủi ro đến từ các tội phạm công nghệ. Ngoài ra, luật cũng có những quy định mở để tạo sự linh hoạt trong việc đáp ứng các thay đổi nhanh chóng của tình hình thực tế…

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/muc-giao-dich-dang-ngo-phai-bao-cao-tu-300-trieu-dong-i676943/