Mức độ tham nhũng thế nào thì chuyển cơ quan điều tra?

Theo Dự án Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi, cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán có trách nhiệm chủ động phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị việc xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Về xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) của Chính phủ cho biết, nhiều ý kiến tán thành với phương án 2 của Điều 73 dự thảo Luật, nhưng đề nghị chỉ chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng sang CQĐT, còn những vụ việc mà hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì không cần phải chuyển sang CQĐT để phù hợp với Luật Thanh tra, Luật Kiểm toán nhà nước và Bộ luật Tố tụng hình sự.

Nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể chế tài xử lý trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán trong trường hợp các cơ quan này khi tiến hành thanh tra, kiểm toán không phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng hoặc phát hiện nhưng chỉ kiến nghị xử lý hành chính, kỷ luật nhưng sau đó cơ quan có thẩm quyền lại phát hiện ra tội phạm tham nhũng. Một số ý kiến tán thành với phương án 1 của dự thảo Luật.

Về vấn đề này, tán thành với đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã chỉnh lý quy định tại Điều 67 như trong Dự thảo Luật.

Thảo luận về Dự án luật này tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV vừa qua, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng, cần cân nhắc lại qui định tại khoản 1 Điều 67: "Trường hợp kết luận hành vi tham nhũng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người ra quyết định thanh tra, kiểm toán yêu cầu hoặc kiến nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý kỷ luật người có hành vi tham nhũng".

Đại biểu Mùa A Vàng đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử khi phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động của mình.

Đại biểu Mùa A Vàng đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử khi phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động của mình.

Vì, theo đại biểu, đây là nghiệp vụ chuyên sâu của các cơ quan tiến hành tố tụng, như CQĐT, cơ quan kiểm sát, tòa án, thanh tra, kiểm toán, khó có thể biết rõ khi nào là chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Mặt khác, quy định này sẽ dễ bị lợi dụng dẫn đến áp dụng tùy tiện hoặc né tránh trách nhiệm để không chuyển đến xử lý hình sự, đồng thời chưa phù hợp với khoản 5 Điều 5, khoản 3 Điều 144 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và quy định này cũng sẽ mâu thuẫn với khoản 3 Điều này (Điều 67), đại biểu nói.

Còn đại biểu Mùa A Vàng (Điện Biên) cho rằng, khoản 6 Điều 65 của Dự thảo luật có quy định trường hợp thanh tra, kiểm toán phát hiện hành vi vi phạm nhưng không có kết luận kiến nghị xử lý hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu phạm tội sang CQĐT thì người ra quyết định thanh tra, kiểm toán và cá nhân, tổ chức có liên quan phải bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Theo đại biểu, đối chiếu nội dung này với các hành vi tham nhũng quy định tại Điều 2 của Dự thảo luật có hành vi vi phạm có thể trong quá trình kiểm tra, kiểm toán phát hiện nhưng chưa đủ căn cứ để chuyển vụ việc sang CQĐT, điều này làm khó cho người thanh tra, kiểm toán. Sẽ không công bằng nếu thanh tra, kiểm toán bị xử lý theo quy định như trong dự thảo luật.

“Do đó, tôi đề nghị luật chỉ quy định xử lý trách nhiệm người ra quyết định thanh tra, kiểm toán và cá nhân, tổ chức liên quan trong trường hợp nội dung đó thuộc phạm vi thanh tra, kiểm toán. Đồng thời bổ sung xử lý trách nhiệm tạm đình chỉ công tác để làm rõ trách nhiệm”, đại biểu Mùa A Vàng nói.

Cụ thể, theo đại biểu, khoản 6 Điều 65 viết lại như sau: Trường hợp thanh tra, kiểm toán phát hiện hành vi vi phạm thuộc nội dung phạm vi thanh tra, kiểm toán nhưng không có kết luận kiến nghị xử lý hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu phạm tội sang CQĐT thì người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán và cá nhân, tổ chức liên quan bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật và tạm đình chỉ công tác để làm rõ trách nhiệm.

Đồng thời, đại biểu cho rằng, cũng cần làm rõ quy định trong trường hợp các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử thông qua hoạt động của mình, nếu thấy vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nhưng không chuyển đến CQĐT, kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước, VKS để tiến hành xác minh, làm rõ kết luận và xử lý thì cơ quan dân cử, đại biểu dân cử có bị xử lý không?

Xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán (mới)

1. Trường hợp kết luận hành vi tham nhũng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý kỷ luật người có hành vi tham nhũng.

2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền khi nhận được yêu cầu, kiến nghị thì phải xử lý kỷ luật đối với người có hành vi tham nhũng và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước đã có yêu cầu, kiến nghị biết.

3. Trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng thì người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán phải chỉ đạo xác minh, làm rõ tính chất, mức độ của hành vi tham nhũng; khi có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay nội dung, tài liệu, đồ vật có liên quan và kiến nghị CQĐT xem xét, khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo bằng văn bản cho VKS cùng cấp biết.

4. Trong những trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán về các nội dung khác theo kế hoạch tiến hành thanh tra, kế hoạch kiểm toán đã phê duyệt và ban hành Kết luận thanh tra, Báo cáo kiểm toán theo quy định của pháp luật về thanh tra, pháp luật về Kiểm toán Nhà nước. 5. Người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán, Trưởng đoàn thanh tra, Trưởng đoàn kiểm toán, thành viên đoàn thanh tra, thành viên đoàn kiểm toán và cá nhân, tổ chức có liên quan phải bị xem xét xử lý trách nhiệm trước pháp luật nếu sau khi kết thúc thanh tra, kiểm toán mà cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có vụ việc tham nhũng xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành thanh tra, kiểm toán về cùng một nội dung.

(Theo Điều 67 Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi)

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/muc-do-tham-nhung-the-nao-thi-chuyen-co-quan-dieu-tra-118076.html