Mức độ tập trung mới cho Cái Mép - Thị Vải

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành phần lớn thời gian, trong 43 phút nói chuyện với lãnh đạo tỉnh BR-VT, để đề cập đến tương lai của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải.

Người đứng đầu Chính phủ gọi chuyến công tác và làm việc tại BR-VT là cuộc làm việc “chuyên đề” về cảng biển. “Chúng ta đặt mục tiêu 2045, đất nước hùng cường, thì cảng biển phải hùng cường trước. BR-VT phải là một trong những địa phương dẫn đầu, quan trọng nhất để đưa đất nước đến mục tiêu hùng cường”.

Thủ tướng vui mừng vì thời gian qua, cán bộ lãnh đạo và nhân dân tỉnh BR-VT đã chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế - xã hội, có những lĩnh vực tiên phong cho cả nước, với quan điểm phát triển rõ ràng. “Như anh Phạm Viết Thanh đã nói, BR-VT đang phát triển một nền kinh tế dương - xanh”, Thủ tướng nhắc lại lời của Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh, và cho rằng đó là một ý mới. Dương - xanh là luôn luôn tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước, nộp ngân sách nhiều cho Nhà nước nhưng hàm chứa trong nó nội dung của sự phát triển. Không chỉ tăng trưởng đơn thuần, mà là phát triển bền vững, một nền kinh tế xanh. Dương - xanh, vừa là mục tiêu về tăng trưởng, vừa là mục tiêu về chất lượng tăng trưởng. Và nếu cứ coi đó là một cách nhìn mới, thì phát triển cảng biển ngang tầm cao nhất của hệ thống các cảng trên thế giới chính là việc làm quan trọng nhất của BR-VT.

Thủ tướng chia sẻ thân mật: “Cảng Tiên Sa ở gần quê tôi, chỉ làm theo mùa thôi, sóng giao thoa rất lớn, phải làm đê chắn sóng vô cùng tốn kém. Còn ở đây (Cái Mép - Thị Vải) có phải làm những cái đó đâu. Nói ra một ý nhỏ như vậy để thấy rằng, Cái Mép - Thị Vải hội đủ các điều kiện tuyệt vời để phát triển hệ thống cảng biển nước sâu”, Thủ tướng nhắc lại một lần nữa về việc phải xem xét tiềm năng hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải là lợi ích quốc gia: “Trong số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, có mấy nơi điều kiện tự nhiên như Cái Mép - Thị Vải”.

Thủ tướng đề cập đến một số yếu tố mà theo ông là “điều kiện đủ” để nâng tầm cảng biển, đó là giao thông kết nối đa phương thức, là hệ thống chân hàng, hệ thống logistics, nghiệp vụ hải quan, hệ thống tài chính, bảo hiểm hàng hải... Đó đều là những điểm đang còn hạn chế, “chưa tới nơi” so với quy mô, tính chất của hệ thống cảng biển.

Thực tế trong thời gian qua, từ thực tiễn, BR-VT đã đề xuất rất nhiều những nội dung liên quan đến phát triển cảng biển. Từ chuyện xem xét lại quy hoạch, tránh sự phân tán, nhỏ lẻ, hạn chế năng lực tiếp nhận tàu lớn của toàn hệ thống; từ việc thúc đẩy đầu tư giao thông kết nối, và gần đây nhất là kiến nghị về nạo vét luồng, đưa mớn nước đạt mức -15,5m, bảo đảm cho tàu lớn ra vào an toàn. Trong số rất nhiều những đề xuất, kiến nghị, có những việc đã được xử lý, nhưng nhìn chung, tốc độ giải quyết chưa như mong muốn, làm cản trở đà phát triển của cảng biển. Không thể so sánh một cách phiến diện, tại sao lại đầu tư cao tốc chỗ này, đầu tư đường sá quy mô ở chỗ khác, mà đến nay, Cái Mép - Thị Vải chưa có một con đường xứng đáng. Nhưng rõ ràng, tốc độ kết nối giao thông đã chậm một bước so với khả năng, tiềm năng, vai trò phát triển của hệ thống cảng. Và điều đó hoàn toàn không thể là câu chuyện riêng của tỉnh BR-VT, mà đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan Trung ương, đứng đầu là Bộ GT-VT và Bộ KH-ĐT.

Trong buổi làm việc, Thủ tướng khẳng định, hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải chưa phát triển xứng với tiềm năng, một số điểm còn hạn chế. Thủ tướng cũng hoan nghênh những kiến nghị từ phía địa phương, đều là những kiến nghị từ thực tiễn. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Những yếu kém nội tại của Cái Mép - Thị Vải “hoàn toàn không phải do tỉnh mà do cơ chế của Trung ương. Do chúng ta chưa nhận thức được những vấn đề quan trọng của việc phát triển hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải cho nên chưa tập trung sức”.

Đây không phải là lần đầu tiên Thủ tướng thị sát và làm việc về hệ thống cảng biển ở BR-VT. Nhưng là lần mà Thủ tướng coi là cuộc làm việc chuyên đề, chỉ đạo tháo gỡ nhiều nút thắt cho hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải. Thủ tướng xem xét toàn diện các đề xuất từ địa phương và từ các doanh nghiệp cảng biển, và cho rằng, các đề xuất đều trong “tầm giải quyết của Chính phủ”. Thủ tướng cũng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ GT-VT, Bộ KH-ĐT phải có những hoạch định chính xác, đề xuất đúng đắn để tạo sức bật cho cảng biển, khơi thông nguồn lực quốc gia.

Chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng, sau chuyến làm việc của Thủ tướng, mức độ “tập trung” cho Cái Mép - Thị Vải sẽ gia tăng, để hệ thống cảng quan trọng bậc nhất của cả nước sẽ có những không gian phát triển mới, và đô thị Phú Mỹ sẽ có những quần thể phát triển mới, như gợi ý của Thủ tướng: Vũng Tàu từng là thủ phủ của dầu khí, có cả những làng Nga, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sinh sống và làm việc, thì TX. Phú Mỹ trong tương lai cũng phải hướng đến như vậy, phải có nhiều hãng tàu, nhiều đại lý bảo hiểm, tài chính hàng hải đóng ở đây, tạo nên một không gian kinh tế cảng biển sầm uất.

HOÀNG NAM

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/thoi-su-binh-luan/202103/muc-do-tap-trung-moi-cho-cai-mep-thi-vai-922036/