Mục đích thực sự của Mỹ khi hủy bỏ Hiệp ước INF?

Sự 'ác cảm' của chính quyền Tổng thống Trump với các thỏa thuận quốc tế và quan điểm của Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã thúc đẩy Mỹ chấm dứt Hiệp ước hạt nhân với Nga sau hơn 3 thập kỷ.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mới đây đã chính thức tuyên bố rằng nước này quyết định hủy bỏ Hiệp ước hạn chế vũ khí tấn công hạt nhân tầm trung (INF) ký với Liên Xô vào năm 1987 với lý do Moskva vi phạm thỏa thuận. Song theo các “thuyết âm mưu” thì hành động này không nhằm vào Nga.

Một số nhà phân tích cho rằng, chính sự “ác cảm” của chính quyền Tổng thống Trump với các thỏa thuận quốc tế và quan điểm của Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton là những yếu tố thúc đẩy Mỹ chấm dứt thỏa thuận hạt nhân với Nga sau hơn 30 năm.

Theo đó, Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung INF được ký giữa Tổng thống Mỹ Ronald Regan và Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988.

Theo Hiệp ước INF, cả Liên Xô (nay là Nga) và Mỹ cam kết cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km). Hiệp ước được ký kết đã mở ra một nền tảng bạo vệ cho các đồng minh châu Âu của Mỹ và đánh dấu một thỏa thuận quan trọng giữa 2 nước là trung tâm của cuộc chạy đua vũ trang trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tuy nhiên, từ lâu chính quyền của Tổng thống Trump nhiều lần nói rằng, Nga vi phạm hiệp ước INF, và cũng chỉ ra rằng, chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama cũng không ít lần cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản của hiệp ước.

Năm 2014, CNN đưa tin Mỹ cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF, viện dẫn các vụ thử tên lửa hành trình từ năm 2008. Thời điểm đó (năm 2014), đã thông báo cho các đồng minh NATO về các hành động nghi là phá vỡ hiệp ước của phía Nga. Tuy nhiên, phải tới gần đây NATO mới chính thức xác nhận các hành động của Nga giống như vi phạm hiệp ước INF.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây cho biết, NATO vẫn lo ngại về việc Nga thiếu tôm trọng các cam kết quốc tế, trong đó có Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung.

Ông Stoltenberg nói trong cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO đầu tháng 10/2018 rằng, Hiệp ước INF đang gặp nguy hiểm vì các hành động của Nga. Sau nhiều năm phủ nhận, Nga mới đây đã thừa nhận sự tồn tại của hệ thống tên lửa mới, có tên là 9M729. Nga không cung cấp bất cứ câu trả lời đáng tin cậy nào về hệ thống tên lửa mới.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh, tất cả các thành viên NATO đều nhất trí rằng, Nga đang vi phạm hiệp ước INF. Do đó, điều cấp thiết là Nga phải giải quyết các mối lo ngại này một cách đầy đủ và minh bạch.

Việc Nga không tuân thủ Hiệp ước INF cũng được nêu trong Báo cáo tình hình hạt nhân gần đây nhất do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố tháng 2/2018, theo đó Nga tiếp tục vi phạm một loạt hiệp ước và cam kết về kiểm soát vũ khí.

Nhiều nhà phân tích lo ngại, việc hủy bỏ hiệp ước cam kết với Nga sẽ cho phép Mỹ phát triển chương trình tên lửa tương tự và điều đó có thể kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang.

Nhưng giới chức chính quyền Mỹ lại cho rằng, Hiệp ước INF đang đặt Mỹ ở thế bất lợi hơn vì Trung Quốc đang dự trữ tên lửa và họ không bị ràng buộc bởi các cam kết cắt giảm các tên lửa hạt nhân tầm trung ở Thái Bình Dương, trong khi các điều khoản của Hiệp ước không cho phép Mỹ phát triển vũ khí mới.

Trước đó, Tổng thống Trump cũng đề cập tới Trung Quốc khi giải thích về lý do ông muốn Mỹ rút khỏi INF. Ông Trump nói rằng, nếu Nga đang phát triển vũ khí, Trung Quốc cũng làm điều đó và Mỹ thì vẫn cứ tuân thủ các cam kết thì đó là điều không thể chấp nhận được.

Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris từng nhận định, khoảng 95% lực lượng tên lửa đạn đạo và hành trình của Trung Quốc sẽ vi phạm INF nếu Trung Quốc là một bên trong thỏa thuận. Đây là sự thật rất quan trọng, vì Mỹ không có năng lực tương đương do Mỹ tuân thủ INF với Nga.

Bộ phận các nhà phê bình của hiệp ước, bao gồm cả Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton của bang Arkansas cho rằng, Trung Quốc là lý do mà Mỹ nên cân nhắc khi chấm dứt thỏa thuận.

Một số nhà phân tích lại chỉ ra, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton mới là nhân tố ảnh hưởng lớn tới quyết định của Tổng thống Trump, nó phù hợp với quan điểm không thích các thỏa thuận và thỏa thuận đa phương của ông, đặc biệt là những thỏa thuận hạn chế quyền tự do hành động của Mỹ.

Trong khi đó, nhà phân tích John Kirby cho rằng phía Nga sẽ đồng ý với quyết định của Mỹ về việc rút khỏi INF. Vì điều này cho Nga cái cớ tiếp túc những gì họ đang làm và sẽ làm một cách công khai hơn.

Được biết, hiện Nga cũng tập trung phát triển tên lửa hành trình tương đối đáng kể. Điều này có nghĩa nếu như thỏa thuận giải trừ vũ khí giữa Mỹ và Nga chấm dứt, Moskva có thể bắt đầu triển khai chương trình hạt nhân rộng rãi hơn. Theo đó, Moskva sẽ được tự do triển khai tên lửa hành trình 9M729 và tên lửa đạn đạo tầm trung nếu muốn mà không có bất kỳ sự kiềm chế nào.

Mặc dù, chỉ trích Nga vi phạm các quy định trong hiệp ước song NATO cũng khẳng định INF đóng vai trò rất quan trọng đối với nền an ninh các nước xung quanh Đại Tây Dương. Việc Mỹ rút khỏi hiệp ước INF có thể dấy lên một cuộc chạy đua vũ trang trên khắp châu Âu, tương tự với cuộc chạy đua đã từng diễn ra trước khi hiệp ước được ký vào những năm 1980.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng trích quyết định của Trump, gọi nó là "đáng tiếc" và đặt Đức cũng như châu Âu vào thế khó.

Phản ứng về quyết định của Tổng thống Donald Trump, Thượng nghị sỹ Nga Alexey Pushkov cho biết, Mỹ đang đưa thế giới trở lại “Chiến tranh Lạnh” và đây là cú đòn nặng giáng vào toàn bộ hệ thống ổn định chiến lược trên thế giới.

Thượng nghị sỹ Nga Konstantin Kosachev cũng cảnh báo, hậu quả sẽ thực sự thảm khốc. Tuy nhiên, ông nói việc Mỹ rút khỏi INF vẫn chưa chính thức và có thể coi tuyên bố của ông Trump là một kiểu ra tối hậu thư hơn là một hành động pháp lý đã hoàn thành.

Hà Kim

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/the-gioi/tin-nhanh/muc-dich-thuc-su-cua-my-khi-huy-bo-hiep-uoc-inf-273930.html