Mục đích thực sự của Mỹ khi hủy bỏ Hiệp ước INF là nhằm vào... Trung Quốc?

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mới đây đã chính thức tuyên bố rằng nước này quyết định hủy bỏ Hiệp ước hạn chế vũ khí tấn công hạt nhân tầm trung (INF) ký với Liên Xô vào năm 1987. Song theo các 'thuyết âm mưu' thì hành động này không nhằm vào Nga.

Việc Mỹ tuyên bố dỡ bỏ "Hòn đá tảng" của quan hệ quốc tế là Hiệp ước INF ký với Liên Xô năm 1987 mà nước Nga trên vai trò người kế thừa, ban đầu được cho là động thái nhằm trực tiếp vào Moskva.

Tuy nhiên điều này chưa chắc đã chính xác nếu xét trên cục diện địa chính trị khu vực và quốc tế trong những năm vừa qua, mối đe dọa đối với Mỹ không chủ yếu đến từ nước Nga.

Sau khi Liên Xô tan rã, các căn cứ quân sự của họ đã không còn trên phạm vi toàn cầu, điều đó đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ không phải e sợ tên lửa hạt nhân tầm trung của nước Nga.

Trong chiều ngược lại, các căn cứ quân sự của Mỹ tại châu Âu vẫn còn nguyên, thậm chí họ còn lập thêm được nhiều điểm đóng quân mới sát biên giới nước Nga.

Điều này đồng nghĩa với việc lực lượng tấn công hạt nhân Mỹ giờ đây chỉ cần dùng tên lửa tầm ngắn cũng có thể oanh kích các mục tiêu trong lãnh thổ nước Nga.

Chính vì vậy mà việc Mỹ cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF bằng cách lắp thêm cần tiếp dầu cho máy bay ném bom Tu-22M3M hay âm thầm chế tạo tên lửa 9M729 chỉ là cái cớ mà thôi.

Nguyên nhân thực chất dẫn tới hành động của Mỹ có lẽ nằm ở việc Hiệp ước INF "trói chân" Hoa Kỳ và Nga, trong khi lại để các quốc gia khác rảnh tay phát triển tên lửa hạt nhân tầm trung.

Điển hình nhất và cũng là nước hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp ước INF giữa Mỹ và Nga không phải ai khác mà chính là Trung Quốc, khi Bắc Kinh liên tiếp cho ra đời các loại tên lửa có tầm bắn trong khoảng 500 - 5.500 km.

Những quả tên lửa đạn đạo DF-21 hay DF-26 là phương tiện chủ yếu giúp Trung Quốc gây áp lực lên các căn cứ quân sự Mỹ bố trí trong khu vực.

Để đáp trả lại hành động của Bắc Kinh, có lẽ người Mỹ cũng đã nhận thấy rằng tăng cường máy bay ném bom tàng hình hay tàu ngầm mang tên lửa hành trình là chưa đủ.

Có thể dự đoán rằng sau khi rút chân khỏi Hiệp ước INF thì Mỹ sẽ nhanh chóng tái trang bị nhiều loại tên lửa hạt nhân tầm trung, chỉ khác là địa điểm bố trí chúng giờ đây sẽ là quanh Trung Quốc thay vì Nga.

Việc hủy bỏ Hiệp ước INF chắc chắn sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang trên diện rộng, khiến cho lợi nhuận của các công ty vũ khí Mỹ gia tăng, đây là bước đi mang lại lợi ích kép cho Hoa Kỳ.

Ngoài ra khi Hiệp ước INF đã không còn thì rất dễ kéo theo hệ lụy là Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa - MTCR cũng sẽ bị "xé bỏ" theo.

Các quốc gia sẽ thoải mái xuất khẩu tên lửa có tầm bắn trên 300 km và mang theo đầu đạn lớn hơn 500 kg mà không còn phải e ngại nhiều như trước nữa.

Tóm lại, việc Mỹ tuyên bố rút chân khỏi Hiệp ước INF gần như chắc chắn sẽ tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang mới trên phạm vi toàn cầu, Chiến tranh Lạnh đang quay trở lại rõ nét hơn bao giờ hết.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-muc-dich-thuc-su-cua-my-khi-huy-bo-hiep-uoc-inf-la-nham-vao-trung-quoc/787215.antd