Mục đích thành lập phong trào kêu gọi công nhận Crimea của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ

Phong trào kêu gọi công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga được cho là bước đi mở ra cánh cổng cho Thổ Nhĩ Kỳ vào Nga mà hơn thế nữa nó còn mở ra cơ hội hồi sinh con đường tơ lụa, mang lại lợi ích kinh tế, xã hội cho các bên.

Thành lập phong trào kêu gọi công nhận Crimea là của Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ

Thành lập phong trào kêu gọi công nhận Crimea là của Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ

Hôm 8/10, đại biểu Duma quốc gia Nga từ bán đảo Crimea Ruslan Balbek cho biết, các doanh nhân, các nhà hoạt động xã hội và các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ đã thống nhất thành lập một phong trào với mục đích phát triển quan hệ với bán đảo Crimea và đấu tranh đòi công nhận tình trạng của bán đảo này như là một phần lãnh thổ của Nga.

Người đứng đầu phong trào "Nga - Crimea - Thổ Nhĩ Kỳ" Yazdan Kaya đã có chuyến thăm chính thức tới bán đảo Crimea kéo dài bốn ngày nhằm tăng cường quan hệ trong các lĩnh vực kinh tế và nhân đạo.

"Đây là lần đầu tiên ngay trong lòng Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện các phong trào xã hội ở cấp độ ngoại giao nhân dân, tham gia vào phong trào đó là các lực lượng chính trị cũng như các chính trị gia, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ. Công việc trong lĩnh vực chính trị là hướng tới mục đích biến bán đảo Crimea không chỉ là cánh cổng dành cho Thổ Nhĩ Kỳ vào Nga mà còn là cánh cổng hồi sinh con đường tơ lụa", ông Balbek nhấn mạnh.

Về phần mình, lãnh đạo phong trào Yazdan Kaya cũng tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ rất quan tâm đến việc thiết lập quan hệ chặt chẽ với bán đảo Crimea như một phần lãnh thổ của Liên bang Nga. Ông cũng nhấn mạnh đến tính hợp pháp của việc thống nhất bán đảo với Nga.

"Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2014, người dân Crimea đã thể hiện sự nhất trí và đã bỏ phiếu để bán đảo sáp nhập vào Liên bang Nga", nhà hoạt động xã hội Thổ Nhĩ Kỳ nhắc lại.

Ông này cũng tiết lộ, phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ tới thăm Crimea lần này bao gồm mười doanh nhân, đại diện cho các lĩnh vực nông nghiệp, các trung tâm hậu cần, các ngành công nghiệp hóa chất và xây dựng.

Nhà hoạt động xã hội lưu ý: "Có một công ty đang muốn xây dựng nhà máy sản xuất sơn ở Crimea. Hai hãng hàng không quốc tế cũng muốn vào Crimea, đây là các hãng muốn sử dụng hành lang Thổ Nhĩ Kỳ-Crimea. Các công ty xây dựng cũng sẵn sàng làm việc tại Crimea".

Theo ông, ngay cả khi giá trị của các hợp đồng đầu tiên không lớn, thì các công cụ kinh tế sẽ cho phép "phá vỡ các rào cản thông tin hiện có" liên quan đến Crimea.

Trí Đức (Lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/muc-dich-thanh-lap-phong-trao-keu-goi-cong-nhan-crimea-cua-nga-o-tho-nhi-ky-post278299.info