Mục đích Nga tăng chiến hạm mang Kalibr tại Biển Đen?

Nhà máy đóng tàu Yantar, Nga đã trình đề xuất lên Bộ Quốc phòng về các phương án hoàn thành việc đóng tàu khu trục nhỏ Đề án 11356 Đô đốc Kornilov.

Thông tin được Giám đốc điều hành nhà máy đóng tàu Ilya Samarin cho biết hôm 19/2: "Các đề xuất tương ứng đã được trình bày với Thứ trưởng Quốc phòng Alexei Krivoruchko trong chuyến thăm của ông tới Nhà máy đóng tàu Yantar vào cuối năm 2020. Một số ý tưởng đã được đưa ra để hoàn thành việc đóng tàu Đề án 11356 Đô đốc Kornilov".

Điều này đồng nghĩa với việc Hạm đội Biển Đen sẽ được tiếp nhận thêm chiến hạm mang tên lửa hành trình tầm xa Kalibr, Onyx hoặc tên lửa siêu thanh trong tương lai.

Nga tăng số tàu mang tên lửa tầm xa cho Biển Đen.

Nga tăng số tàu mang tên lửa tầm xa cho Biển Đen.

Việc Nga tăng thêm tàu chiến mang tên lửa hành trình tầm xa đang khiến phương Tây và Ukraine cảm thấy lo lắng khi mới đây, Tư lệnh Hải quân Ukraine Đô đốc Igor Voronchenko, phàn nàn rằng Nga đã tăng khả năng chiến đấu của Hạm đội Biển Đen bằng tên lửa Kalibr khiến những quốc gia trong khu vực gặp nguy hiểm.

Ông Voronchenko cho biết, kể từ khi sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ liên bang, Nga đã tăng cường mạnh tiềm lực của Hạm đội Biển Đen.

"Thực tế là trong sáu năm nay Nga đã tái vũ trang toàn bộ đội tàu chiến của Hạm đội Biển Đen.

Thay vì 29 tàu thì bây giờ đã có 42 tàu, trong đó 12 tàu mang vũ khí tên lửa. Tổng hỏa lực tên lửa hành trình, đáng kể nhất là Kalibr của Nga tăng lên rất đáng sợ, bao gồm các tổ hợp Bastion và Bal", ông Voronchenko nói.

Ông Voronchenko cho biết thêm, Nga đã triển khai 7 tàu ngầm trong khu vực, trong đó có 6 tàu hiện đại và hoạt động rất hiệu quả. Đồng thời, tại Crimea sau khi sáp nhập vào Nga xuất hiện các hệ thống chống hạm Bal và Bastion.

Nga đã tạo ra một hệ thống phòng thủ hàng đầu khu vực với những hệ thống phòng không S-400 liên tiếp được tăng cường. Cùng với đó, sức mạnh của biên đội tàu chiến và Không quân cũng không ngừng được tăng lên.

Việc Nga tăng cường sức mạnh quân sự toàn diện tại Crimea đang khiến Ukraine gặp nguy hiểm. "Ukraine cần khôi phục sức mạnh Hải quân, tăng cường hợp tác với các nước NATO mới hy vọng có thể kiềm chế Nga", ông Voronchenko nói.

Đến thời điểm hiện tại, chỉ tính riêng các tàu ngầm Kilo, tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ lớp Buyan-M và tàu hộ vệ tên lửa hạng nặng lớp Đô đốc Grigorovich thì Hạm đội Biển Đen đã sở hữu 18 tàu có khả năng tấn công tên lửa hành trình Kalibr.

Ngoài các tàu này, còn khá nhiều các lớp khác được trang bị hệ thống tên lửa hành trình Kalibr-NK cũng sẽ được biên chế về cho Hạm đội Biển Đen, ví dụ như 1 tàu hộ vệ hạng nặng Project 22350, lớp Đô đốc Gorshkov, 4-6 tàu hộ vệ hạng nhẹ Project 22800, lớp Karakurt.

Trong thời gian tới, Hạm đội Biển Đen sẽ nhận thêm hàng chục chiếc thuộc các dự án tàu hộ vệ đóng kiểu module Project 22160, hay Project 20385 lớp Gremyashchy, biến Hạm đội này trở thành một kho tên lửa Kalibr khổng lồ.

Nói về sức mạnh của Kalibr, một quan chức quân sự Mỹ giấu tên nói với tờ Defense News rằng: "Loại tên lửa này cho phép Nga khống chế gần như toàn bộ châu Âu từ các tàu chiến trên Biển Đen. Họ có thể đe dọa đến toàn bộ châu lục này, giống như việc họ từng triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung SS-20 ở gần châu Âu trước đây".

Được biết, tên lửa hành trình Kalibr-NK ra mắt đầu tiên vào năm 2012, nó có thể bay ở độ cao từ 50 đến 150 mét so với mặt đất và đánh trúng mục tiêu ở cự ly 2.500 km. Độ lệch tối đa từ các mục tiêu được chỉ định là ba mét.

Kalibr-NK có thể dễ dàng vượt qua hệ thống phòng không của đối phương với một hành trình bay phức tạp, nhiều lần chuyển hướng, ở độ cao rất thấp. Hành trình bay của Kalibr-NK có thể được điều chỉnh theo dữ liệu của hệ thống định vị vệ tinh. Ở giai đoạn cuối cùng, đầu tự dẫn radar chủ động sẽ kích hoạt tự động tìm kiếm và lao vào tấn công mục tiêu bằng đầu đạn nặng tới 450kg.

Ngày 7/10/2015, một tàu khu trục của Nga và ba tàu khu trục khác của Hải quân Nga đã phóng 26 tên lửa hành trình lớp Kalibr từ biển Caspia vào 11 mục tiêu IS ở Syria. Tên lửa này đã bay 1.500 km qua không phận Iran và Iraq và đánh vào các vị trí của các phần tử khủng bố ở tỉnh Raqqa, Aleppo và Idlib. Tất cả các mục tiêu đều bị tiêu diệt với độ chính xác gần như tuyệt đối.

Theo Hải quân Nga, việc Hạm đội Biển đen được tăng thêm số lượng tàu chiến và tàu ngầm mang tên lửa tầm xa để tăng cường khả năng đảm bảo an ninh cho Moscow từ các mối đe dọa tiềm tàng trong khu vực.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, việc Hạm đội Biển Đen của Nga trang bị lực lượng mạnh như vậy thực chất không chỉ thực hiện những nhiệm vụ tại vùng biển này mà chúng sẽ là cánh tay nối dài của hạm đội Nga đến những vùng biển xa hơn.

Đây chính là nguyên nhân Nga vừa trang bị cho Hạm đội Biển Đen của mình tàu hỗ trợ đa năng Vsevolod Bobrov, cho phép hỗ trợ cho các tàu chiến hoạt động trên biển dài ngày.

Chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky cho biết, thời Liên Xô, lực lượng hải quân ở Địa Trung Hải hoàn toàn không có căn cứ thường trực. Đạn dược, tên lửa, phụ tùng thay thế, thực phẩm… tất cả những thứ này cần được bổ sung và trong trường hợp này chỉ có tàu hỗ trợ mới có thể vận chuyển được chúng.

Nhưng với tàu hỗ trợ này, không chỉ cung cấp cho các tàu chiến của Hạm đội Biển Đen khả năng hoạt động dài ngày ở Địa Trung Hải, mà trong tương lai còn các khu vực khác trên thế giới. Ví dụ, Nga cần hoạt động ở Ấn Độ Dương nhưng Nga không có căn cứ ở đó.

Vì vậy, việc trang bị các tàu hỗ trợ là rất cần thiết, chúng giống như những căn cứ nổi để giúp Nga tiếp tục hoạt động trên biển.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/muc-dich-nga-tang-chien-ham-mang-kalibr-tai-bien-den-3427872/