Mục đích EU xới tung sân sau chiến lược của Nga?

EU khuyến khích Armenia phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn thì sao Azerbaijan có thể đảm bảo Dự án Hành lang khí đốt phía Nam vận hành trơn tru....

EU bị tố can thiệp vào cuộc xung đột giữa Armenia với Azerbaijan

Theo Kommersant, tại cuộc gặp Tổng thống Vladimir Putin ngày 20/5 trong chuyến thăm Nga, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã lên tiếng cáo buộc Liên minh châu Âu đang can thiệp và làm xáo trộn tình hình khu vực tại Nagorno-Karabakh.

Hành động của EU có nguy cơ sẽ làm gia tăng cuộc xung đột tại Nam Caucasus giữa Armenia với Azerbaijan, từ đó khiến Thỏa thuận ngừng bắn toàn diện Yerevan đã ký với Baku với sự trung gian của Moscow có thể sụp đổ.

Nhà lãnh đạo Azerbaijan cho rằng động thái của Brussels có thể được nhận diện là khuyến khích Yerevan tìm cách sửa đổi các điều khoản trong Thỏa thuận ngừng bắn toàn diện tại Nagorno-Karabakh, vốn bị cho là Moscow mang thắng lợi của Baku.

Khi Armenia vi phạm thỏa thuận, chắc chắn Azerbaijan sẽ kích hoạt các hoạt động quân sự, từ đó có thể gây ra các xung đột với lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga tại Nagorno-Karabakh, làm ảnh hưởng xấu tới quan hệ Nga-Azerbaijan.

Vì vậy, Tổng thống Aliyev phải có chuyến công du gấp tới Moscow để trao đổi với Tổng thống Putin nhằm đảm bảo Nga và Azerbaijan vẫn cùng chung một chiến tuyến trong thời điểm nhạy cảm này.

Trưởng phòng Phân tích chiến lược tại Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế Nga Sergey Utkin cho rằng EU đã đánh mất vai trò trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh, khi căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào mùa thu năm 2020.

Điều này gây thất vọng cho giới hoạch định chiến lược EU, lực lượng đang cố gắng tìm cách để Liên minh châu Âu từng bước chiếm lĩnh mặt bằng sân khấu chính trị thế giới, mà việc kiến tạo hòa bình cho Nagorno-Karabakh là một cơ hội.

Xin nhắc lại, sau 6 tuần giao tranh ác liệt, ngày 9/11/2020, tại Moscow, với sự trung của Nga, Armenia và Azerbaijan đã ký Thỏa thuận ngừng bắn toàn diện, lập lại hòa bình cho khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Việc ký Thỏa thuận ngừng bắn toàn diện, buộc các bên dừng lại để Nga triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình, chuyển việc quản lý trực tiếp Nagorno-Karabakh từ Armenia sang Nga, được xem là thành quả lớn nhất của Mosow. Trong khi đó :

Cộng hòa Azerbaijan mặc dù phải dừng lại trước chiến thắng, nhưng kết quả đạt được trong Thỏa thuận ngừng bắn toàn diện cũng đủ để chính quyền Tổng thống Aliyev hoan hỉ với chiến công lớn về quân sự và chính trị.

Thổ Nhĩ Kỳ, dù không thỏa mãn với Thỏa thuận ngừng bắn toàn diện ở Nagorno-Karabakh, vì bị Nga áp chế, song vẫn có kết quả quân sự, chính trị khả dĩ. Bởi lẽ Ankara chỉ đứng xem cũng “có phần”.

Cộng hòa Armenia dù thất bại nhưng không phải thảm bại, vì vẫn còn giữ được một phần của Nagorno-Karabakh. Nói chung, Thỏa thuận ngừng bắn toàn diện cho khu vực Nagorno-Karabakh là nước cờ đa tác hiệu của Tổng thống Putin.

Song thắng lợi của Nga lại đồng nghĩa với thất bại của phương Tây, vì vậy Mỹ và các phương Tây bị cho là ngay lập tức đã tìm cách khuấy động nhằm phá vỡ Thỏa thuận ngừng bắn toàn diện ở Nagorno-Karabakh.

Dù có nhiều thay đổi sau Cách mang Nhung, song Armenia chưa thể quay lưng với Nga

Dù có nhiều thay đổi sau Cách mang Nhung, song Armenia chưa thể quay lưng với Nga

Ngày 18/11/2020, Cục trưởng Cục Tình báo Đối ngoại Nga, ông Sergei Naryshkin, từng cáo buộc Mỹ và một số nước phương Tây tìm cách khơi lại xung đột ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.

"Theo thông tin chúng tôi có được, Mỹ và một số nước phương Tây đang kích động những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Armenia và Azerbaijan nhằm làm mất uy tín của các chính quyền, từ đó phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn.

Họ cố gắng thuyết phục người Armenia rằng hòa bình ở Nagorno-Karabakh là thất bại với Yerevan. Mặt khác, họ gieo vào đầu người Azerbaijan rằng Điện Kremlin đã đánh cắp chiến thắng của họ khi Azerbaijan chỉ cách Stepanakert một bước chân".

Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên trước thực trạng Liên minh Châu Âu đang tìm cách can thiệp và làm xáo trộn tình hình tại Nagorno-Karabakh, khiến Tổng thống Azerbaijan phải tức tốc tới Moscow để gặp người đồng cấp Nga.

Mục đích EU xới tung sân sau chiến lược của Nga?

Theo Cục trưởng Cục Tình báo Đối ngoại Nga Naryshkin, có thể nhận diện Mỹ và phương Tây không hề vui mừng khi Nagorno-Karabakh im tiếng súng và Thỏa thuận ngừng bắn toàn diện ở Nagorno-Karabakh do Nga kiến tạo là nỗi đau với họ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Mỹ và các nước phương Tây tìm cách phá vỡ Thỏa thuận ngừng bắn toàn diện Azerbaijan-Armenia, lập lại hòa bình ở Nagorno-Karabakh chỉ là cú đánh nguội với Nga nên khó có thể điều khiển ván cờ theo ý họ.

Vậy EU hướng tới mục đích gì khi can thiệp và làm xáo trộn tình hình tại Nagorno-Karabakh, có nguy cơ làm gia tăng xung đột tại Nam Caucasus, rồi từ đó có thể xới tung sân sau chiến lược của Nga?

Theo giới phân tích, thực ra Brussels đang "mượn gió của Armenia" để "bẻ măng ở Gruzia", khi những căng thẳng trong đời sống chính trị và chia rẽ trong đời sống xã hội Gruzia sau "Sự kiện ngày 5/7" đã khiến Tbilisi tỉnh mộng.

Để tối thiểu hóa ảnh hưởng của yếu tố Nga tới tình hình tại Gruzia, rõ ràng biến yếu tố Nga thành yếu tố gây hại với Armenia là nhất cử lưỡng tiện. Vừa có thể giật được Yerevan khỏi tay Moscow, vừa giữ không để Tbilisi ngả dần vào tay Moscow.

Khi Armenia cảm thấy bị thua thiệt với các điều khoản trong Thỏa thuận ngừng bắn toàn diện ở Nagorno-Karabakh thì việc khuyến khích Yerevan vi phạm thỏa thuận là cách làm hiệu quả nhất để kéo đồng minh của Nga ra khỏi tay Nga.

Bởi ngay cả trong trường hợp Thỏa thuận ngừng bắn toàn diện được sửa đổi theo ý của Armenia thì EU vẫn có thể kéo Yerevan ra xa tầm tay Moscow, vì nó chứng tỏ Nga đã chủ động kiến tạo một thỏa thuận ngừng bắn bất lợi cho đồng minh.

Khi Yerevan quay lưng với Moscow thì lúc đó Brussels có thể yên tâm xử Tbilisi vì đã để biểu tượng giá trị EU bị xúc phạm trong "Sự kiện ngày 5/7" và có biểu hiện ngày càng lệch chuẩn EU-NATO, mà không lo Tbilisi ám ảnh vì ác mộng.

Không những vậy, từ việc Armenia vi phạm Thỏa thuận ngừng bắn toàn diện sẽ đưa Nga vào thế có nguy cơ đối đầu với Azerbaijan và là cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ phá vỡ thỏa thuận vốn đã gây ức chế cho Ankara.

Tuy nhiên, Brussels có nguy cơ dính đòn "gậy ông đập lưng ông" trong nước cờ của mình mà chưa cần Moscow trả đũa. Điều đó xuất phát từ ảnh hưởng bởi địa chính trị-địa chiến lược của Nam Caucasus tới chính sách của Nga và phương Tây.

Quan hệ Armenia-Nga thời hậu Cách mạng Nhung đã thay đổi nhiều, song Yerevan không dễ dàng quay lưng với Moscow. Vì ngay trong cuộc chiến với Azerbaijan năm 2020, nếu Nga không can thiệp thì Armenia đã mất hoàn toàn Nagorno-Karabakh.

Khi đó, cả Washington và Brussels gần như khoanh tay đứng nhìn Yerevan chịu trận. Thực tế phũ phàng đó là sự chứng minh rõ ràng nhất việc phương Tây chỉ theo đuổi mục tiêu của họ, chứ không hề quan tâm đến lợi ích của Armenia.

Rõ ràng, nước cờ mà Brussels đang thực hiện tại Nam Caucasus với việc can thiệp vào tình hình tại Nagorno-Karabakh đã có nguy cơ tự vô hiệu. Tuy nhiên, Brussels còn có thể phải trả giá cho chính nước cờ của mình.

Bởi hành động của EU sẽ ảnh hưởng đến Dự án Hành lang khí đốt phía Nam, khi nguồn tài nguyên chính yếu đảm bảo cho SGC vận hành là mỏ khí ngưng tụ Shakh Deniz của Azerbaijan trên thềm lục địa biển Caspi.

Dự án Hành lang khí đốt phía Nam khó có thể vận hàng trơn tru bởi hậu quả từ hành động của EU tại Nagorno-Karabakh

Khi Brussels khuyến khích Yerevan tìm cách phá vỡ Thỏa thuận ngừng bắn toàn diện tại Nagorno-Karabakh, thì làm sao Baku có thể đảm bảo để SGC vận hành trơn tru, trong khi đây là dự án phục vụ chính sách đa dạng hóa nguồn năng lượng của EU.

Chiến lược của EU nhằm sử dụng Dự án Hành lang khí đốt phía Nam như một công cụ để tiến sâu hơn vào không gian hậu Xô Viết, từ đó sử dụng khí đốt làm vũ khí để tạo thế tại sân sau chiến lược của Nga, có nguy cơ phá sản.

Đáng nói là trong khi chưa thể khiến Armenia hạ tầm quan hệ với Nga, thì hành động của EU đã giúp nâng tầm cho quan hệ Nga-Azerbaijan. Hiệu ứng này làm sao khiến Gruzia hết ám ảnh vì ác mộng khi luôn phải đứng ngoài cửa nhìn vào ngôi nhà chung Châu Âu-Đại Tây Dương!

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/muc-dich-eu-xoi-tung-san-sau-chien-luoc-cua-nga-3436050/