Mục đích của các quốc gia vùng Vịnh tại khu vực Sừng châu Phi

Trang mạng economist.com có bài phân tích sự cạnh tranh giữa các nước vùng Vịnh trong khu vực Sừng châu Phi khi các nước này tăng cường cả quan hệ chính trị và kinh tế tại khu vực Đông Bắc Phi.

Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed (trái) và Tổng thống Eritrea Isaias Afwerki tại buổi lễ mở lại Đại sứ quán Eritrea tại Addis Ababa, Ethiopia ngày 16/7. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhiều bằng chứng ở khắp khu vực Sừng châu Phi cho thấy các nước vùng Vịnh đang tăng cường mối quan hệ với các quốc gia tại khu vực đầy bất ổn này. Tháng trước, đại diện của Djibouti, Sudan và Somalia đã nhóm họp tại Riyadh (Saudi Arabia) để thảo luận về việc thành lập một liên minh an ninh mới ở Biển Đỏ.

Ba tháng trước đó, dưới sự bảo trợ của Saudi Arabia, Thủ tướng Ethiopia và Thủ tướng Eritrea đã ký một thỏa thuận hòa bình. Tại Addis Ababa, nhà thầu từ Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đang thực hiện dự án lớn nhất với tổng mức đầu tư cao nhất từ trước tới nay ở thủ đô của Ethiopia.

UAE đã đưa vào hoạt động căn cứ quân sự đầu tiên của nước này ở Eritrea từ năm 2015 và đang xây dựng một căn cứ khác ở Somaliland - khu vực ly khai ở phía Bắc Somalia. Saudi Arabia có kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự ở Djibouti. Trong khi đó, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đang sửa chữa một cảng ở Sudan. Lý giải thế nào cho tất cả những động thái trên?

Giống như vùng Vịnh, Hồi giáo là tôn giáo chính ở khu vực Sừng châu Phi và vấn đề di cư cũng gắn kết hai khu vực này với nhau. Trong suốt những năm 1990, quan hệ kinh tế giữa hai khu vực này không có gì đáng kể. Tuy nhiên, sau khi giá lương thực tăng vọt vào năm 2008, các quốc gia vùng Vịnh giàu có đã đổ xô đi mua đất nông nghiệp ở Sudan và Ethiopia nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong tương lai.

Theo nghiên cứu của Viện Clingendael, Hà Lan, từ năm 2000 đến năm 2017, các quốc gia vùng Vịnh đã đầu tư 13 tỷ USD vào khu vực Sừng châu Phi, chủ yếu ở Sudan và Ethiopia. Đối với các nước khu vực Sừng châu Phi nghèo tài nguyên, lợi ích kinh tế do đầu tư của các nước vùng Vịnh mang lại là rất rõ ràng.

Cả Sudan và Ethiopia đều thiếu hụt nghiêm trọng nguồn dự trữ các loại ngoại tệ mạnh. Một trong những động thái đầu tiên của Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed khi nhậm chức vào tháng 4/2018 là bảo đảm 3 tỷ USD viện trợ và đầu tư từ UAE, trong đó có khoản tiền gửi 1 tỷ USD vào Ngân hàng trung ương Ethiopia. Tháng 3/2018, UAE cũng đã gửi 1,4 tỷ USD vào Ngân hàng trung ương Sudan.

Tại các quốc gia vùng Vịnh, nguồn vốn ít khi thực sự là của tư nhân và doanh nghiệp có xu hướng phục vụ các mục tiêu chính sách đối ngoại. Đối với Saudi Arabia, sự quan tâm trở lại đối với khu vực Sừng châu Phi chủ yếu xuất phát từ sự cạnh tranh với Iran. Năm 2014, Saudi Arabia buộc cả Sudan và Eritrea phải cắt đứt quan hệ với Iran, trục xuất các nhà ngoại giao Iran.

Đối với UAE, một cường quốc về hậu cần, vận chuyển và trung chuyển, trọng tâm mới về an ninh hàng hải xuất phát từ mối đe dọa ngày càng tăng của cướp biển Somalia vào những năm 2000, cũng như tình hình chiến sự ở Yemen năm 2015.

Chuỗi cảng và căn cứ của UAE dọc theo vành đai phía Nam của bán đảo Arập và kéo dài tới Biển Đỏ là một phần trong chiến lược nhằm gây ảnh hưởng trên toàn khu vực Sừng châu Phi (UAE sử dụng căn cứ ở Eritrea để tiến hành các cuộc tấn công ở Yemen).

Sự thù địch giữa một bên là Saudi Arabia, UAE và bên kia là Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã lan tới khu vực Sừng châu Phi. Khi Thổ Nhĩ Kỳ thâm nhập vào khu vực thông qua thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ với Chính phủ Somalia và giành được các hợp đồng cho các công ty Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia vùng Vịnh đã cố gắng đẩy lùi ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Saudi Arabia và UAE cũng cảm thấy bắt buộc phải thể hiện đường lối đối ngoại cứng rắn hơn trong bối cảnh ảnh hưởng của Mỹ ở "sân sau" của hai nước này đã suy yếu.

Quan hệ chặt chẽ hơn trên Biển Đỏ cũng có thể cải thiện các mối quan hệ nội bộ châu Phi. Cùng với việc bảo trợ đàm phán hòa bình giữa Ethiopia và Eritrea, các quốc gia vùng Vịnh đang cố gắng giảm bớt căng thẳng giữa Ethiopia và Ai Cập liên quan đến đập nước đang được Ethiopia xây dựng trên sông Nile.

Tuy nhiên, sự yếu kém của các quốc gia khu vực Sừng châu Phi đang gây ra nhiều vấn đề rắc rối. Tại Somalia, nguồn tài chính của UAE đã làm trầm trọng thêm sự tranh giành giữa chính phủ liên bang được quốc tế công nhận ở Mogadishu và các khu vực ly khai.

Nhiều người dân Ethiopia đặt câu hỏi liệu có phải Thủ tướng Abiy Ahmed đã đánh đổi chủ quyền đất nước để có được đầu tư từ vùng Vịnh. Dù Ethiopia đã cố gắng giữ trung lập trong các mối quan hệ thù địch ở vùng Vịnh, nhưng giờ đây, có vẻ như nước này đang đứng về phía Saudi Arabia và UAE. Mặt khác, quan hệ của Ethiopia với Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar có thể đang nguội lạnh hơn./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/muc-dich-cua-cac-quoc-gia-vung-vinh-tai-khu-vuc-sung-chau-phi/111510.html