Mục đích chuyến thăm châu Phi của Thủ tướng Đức Angela Merkel

Trong khuôn khổ chuyến thăm đến 3 nước khu vực Tây Phi gồm Senegal, Ghana và Nigeria từ ngày 29 đến 31/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel đặt trọng tâm vào thúc đẩy hợp tác kinh tế, bên cạnh việc giải quyết những vấn đề xã hội như ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp, chống khủng bố và trục xuất những người đã bị phía Đức bác đơn xin tị nạn.

Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến công du các nước Đông Phi năm 2016.

Bà Merkel dành sự quan tâm đáng kể đến khu vực châu Phi kể từ nhiệm kỳ thứ ba trên cương vị Thủ tướng Đức, trong bối cảnh các quốc gia hàng đầu thế giới khác như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc đã có sự hợp tác sâu rộng ở khu vực này. Bà thực hiện chuyến thăm đến khu vực Đông Phi vào tháng 10/2016, mang theo khá nhiều lãnh đạo doanh nghiệp để thúc đẩy hợp tác kinh tế với Mali, Niger và Ethiopia.

Chiến lược hướng đến châu Phi của Thủ tướng Merkel được cho là nhằm mở rộng quyền lực mềm của nước Đức ở châu lục này. Các công ty hàng đầu của Đức đã hoạt động lâu năm tại châu Phi, song vẫn chưa đạt được nhiều thành công như các doanh nghiệp của Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc. Do đó, người Đức cần phải hành động nhiều hơn, thông qua việc tích cực tham gia vào thị trường ở châu Phi.

Trong năm 2017, kim ngạch hai chiều giữa Đức và các nước châu Phi đạt 26,1 tỷ euro - tăng nhẹ so với mức 25,4 tỷ euro của năm 2014 và 21,9 tỷ euro của năm 2010. Tuy nhiên, cán cân thương mại vẫn nghiêng về phía Đức, khi nước này xuất khẩu sang châu Phi 13,7 tỷ euro và chỉ nhập lại 12,4 tỷ euro. Châu Phi chỉ chiếm 1,1% trong tỷ trọng trao đổi thương mại của Đức trong năm 2017.

Lý giải cho việc xuất khẩu của Đức sang các nước châu Phi đều tăng nhẹ trong khi nhập khẩu từ các nước châu Phi đều giảm nhẹ, Giáo sư Robert Kappel của Đại học Leipzig nhận định nguyên nhân chủ yếu do giá dầu thô và các sản phẩm nông nghiệp, những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của châu Phi sang Đức, đều giảm trong những năm qua. Điều này khiến cán cân thương mại giữa châu Phi và Đức trở nên tiêu cực hơn.

Theo tính toán của Cơ quan Thống kê châu Âu Eurostat, dự kiến đến năm 2050, 1/4 dân số thế giới sẽ sống ở châu Phi. Đức cũng như Liên minh châu Âu (EU) đã xác định châu lục này là một thị trường bán hàng lớn và được coi là "người khổng lồ đang ngủ của nền kinh tế thế giới".

Hiện tại châu Âu đã đàm phán với châu Phi về Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA), theo đó các nước châu Phi sẽ gần như mở cửa hoàn toàn cho hàng hóa châu Âu. Mặt tích cực là các loại hàng hóa chất lượng, giá cạnh tranh từ châu Âu sẽ xuất hiện nhiều hơn ở châu Phi. Nhưng mặt tiêu cực là các sản phẩm của châu Phi sẽ dần bị thay thế ngay trên sân nhà, làm tăng sự mất cân đối trong cán cân thương mại giữa hai bên, cũng như đẩy các nhà sản xuất và nông dân châu Phi lâm vào thế khó khăn.

Ở chiều ngược lại, hàng hóa châu Phi vẫn khó tiếp cận thị trường châu Âu do rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn và sức khỏe. Chính trị gia Elmar Brok của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) gọi đây là "hàng rào phi thuế quan", tức là các biện pháp bảo hộ ẩn không thông qua các hình thức phổ biến như thuế và trợ cấp.

Bên cạnh đó, Đức và châu Âu vẫn duy trì chế độ trợ cấp cho nông nghiệp khá cao, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Giáo sư Robert Kappel cho rằng Chính phủ các nước châu Phi cũng có thể trợ cấp nông nghiệp cho nông dân của mình, nhưng rõ ràng không thể nào cạnh tranh được với châu Âu trong vấn đề này.

Tín hiệu rõ ràng nhất hiện nay là đầu tư trực tiếp của Đức sang châu Phi trong nửa đầu năm nay đã đạt 1,09 tỷ euro, so với tổng cộng 1,07 tỷ euro của cả năm 2017. Nhưng rõ ràng châu Phi còn kỳ vọng nhiều hơn thế, và chuyến thăm của bà Merkel đến ba nước Tây Phi sẽ cho câu trả lời rõ ràng và cụ thể hơn hơn.

M.Châu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/muc-dich-chuyen-tham-chau-phi-cua-thu-tuong-duc-angela-merkel.aspx