Mức án cho cựu nhân viên Hỗ trợ Xã hội dâm ô nhiều trẻ em có 'đúng người, đúng tội'?

Hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Tiến Dũng - nhân viên Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM dâm ô trẻ em - mức án 4 năm 6 tháng tù và cấm hành nghề trong thời hạn 4 năm đối với các công việc liên quan đến cơ sở giáo dục, đào tạo.

Sáng 15/5, TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) xét xử kín vụ án Nguyễn Tiến Dũng, 49 tuổi - cựu nhân viên Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM về tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi".

Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Tiến Dũng mức án 4 năm 6 tháng tù và cấm hành nghề trong thời hạn 4 năm đối với các công việc liên quan đến cơ sở giáo dục, đào tạo.

Trao đổi sau khi phiên tòa kết thúc, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM - người bảo vệ quyền lợi cho 3 trẻ bị Nguyễn Tiến Dũng dâm ô - cho biết, Viện kiểm sát đề nghị mức án cho Nguyễn Tiến Dũng là 4-5 năm tù, Hội đồng xét xử tuyên 4 năm 6 tháng là "đúng người, đúng tội, đúng pháp luật".

Vì theo Điều 146, khoản 2, điểm b,c, d, của Bộ luật Hình sự, bị cáo phạm tội nhiều lần đối với người mình có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng các bé. "Chúng tôi thấy Hội đồng xét xử cân nhắc, có mức án 4 năm 6 tháng là đúng người đúng tội, có sức răn đe. Xem xét về các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo thì chúng tôi thấy trong phiên tòa hôm nay, Viện kiểm sát đề nghị là 4-5 năm tù cho bị cáo, tòa tuyên 4 năm 6 tháng là hợp lý", luật sư Nữ nói.

Theo Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM - mức án dành cho Nguyễn Tiến Dũng là thích đáng, có sức răn đe. Ảnh: Kim Vân

Theo Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM - mức án dành cho Nguyễn Tiến Dũng là thích đáng, có sức răn đe. Ảnh: Kim Vân

Về phần bồi thường cho các bị hại, luật sư Trần Ngọc Nữ cho biết, bà đã đề nghị cho mỗi bị hại là 10 tháng lương.

Theo điều 592 của Bộ luật Dân sự, mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở. Hiện nay mức lương cơ bản là 1.490.000, tức là tiền bồi thường cho mỗi em là 14.900.000. Nhưng xét thấy hoàn cảnh bị cáo khó khăn, tòa ghi nhận sự thỏa thuận giữa bị cáo và gia đình bị hại, bị cáo bồi thường thêm cho mỗi bị hại 10 triệu (trước khi phiên tòa diễn ra, bị cáo Nguyễn Tiến Dũng đã bồi thường thiệt hại tinh thần 10 triệu đồng cho mỗi gia đình bị hại).

"Qua phiên tòa hôm nay, chúng tôi thấy là thẩm phán, chủ tọa phiên tòa cũng cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để xử cho bị cáo mức án đúng người, đúng tội" - luật sư Ngọc Nữ nhận định.

Chị Lê Thị Lan (góc phải) - mẹ của bị hại K.A tại phiên xét xử sáng 15/5. Ảnh: Kim Vân

Được biết, trước buổi xét xử ngày hôm nay, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đã đề nghị Hội đồng Xét xử đưa ra mức án cao nhất cho bị cáo vì cho rằng hành vi của bị cáo là ảnh hưởng đến tâm sinh lý các em và gây ảnh hưởng xấu đến Trung tâm Hỗ trợ xã hội tại TP.HCM nói chung.

Bên lề hành lang tòa án trưa nay, chị Lê Thị Lan - mẹ ruột của bị hại Đ.T.K.A cho biết - chị rất thương và đau xót cho con gái khi biết cháu bị Nguyễn Tiễn Dũng dâm ô. Tuy nhiên, chị hài lòng với bản án mà Hội đồng xét xử đã tuyên vào trưa nay.

Cũng theo chị Lan, chị sẽ đưa cho K.A về quê Nghệ An để cháu học nghề uốn tóc và dần quên đi những ám ảnh không hay trong thời gian ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM.

Kim Vân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/muc-an-cho-cuu-nhan-vien-ho-tro-xa-hoi-dam-o-nhieu-tre-em-co-dung-nguoi-dung-toi-2020051515151093.htm