Mùa xuân tựa tình nhân thoáng hiện

Mùa xuân trong mỹ cảm Tagore thoáng hiện, hư ảo như người tình nhưng tuyệt đẹp.

Tập thơ Người thoáng hiện của Rabindranath Tagore thuộc thể loại thơ văn xuôi, đan xen những câu chuyện dài, những câu chuyện kịch đặc sắc, triết lý, tạo nên nhiều tầng ý suy tư. Năm 2018, tập thơ Người thoáng hiện của Tagore đã được tái bản, với bản chuyển ngữ tiếng Việt của dịch giả Bùi Xuân.

Giữa những kịch tích, bi ai của những câu chuyện về tình yêu, mâu thuẫn tôn giáo, bi kịch vua tôi, gia đình… là ý thơ tràn đầy rung cảm của Tagore về mùa xuân. Mùa xuân trong mỹ cảm Tagore thoáng hiện, hư ảo như người tình tuyệt đẹp.

Tập thơ Người thoáng hiện, bản chuyển ngữ của dịch giả Bùi Xuân, xuất bản năm 2018.

Tập thơ Người thoáng hiện, bản chuyển ngữ của dịch giả Bùi Xuân, xuất bản năm 2018.

Trong bài thơ mở đầu của Người thoáng hiện III, Tagore đã viết bài thơ về mùa xuân, dùng mùa xuân và tình yêu để dẫn dắt ý tứ nối dài cho câu chuyện phía sau.

“Hãy đến, mùa xuân, người tình lơ đãng của đất, làm cho trái tim rừng thổn thức!

Hãy đến trong cơn gió xôn xao, nơi những bông hoa vừa mở cánh và lá mới chen nhau

Hãy bừng nở, giống như sự quật khởi của ánh sáng, xuyên qua lễ vọng đêm thâu, xuyên qua mặt hồ u tối, xuyên qua các tháp canh phủ bụi đất, tuyên bố tự do cho những hạt giống bị xích xiềng!

Như tiếng cười của sấm chớp, như tiếng gào của bão tố, hãy hiện ra giữa phố xá ồn ào; giải phóng những lời nói tắc nghẹn và nỗ lực vô tình, hãy tiếp thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh đang mệt mỏi của chúng tôi, và chế ngự cái chết!”

Mùa xuân, hiện diện không chỉ trong cái rung cảm của hình hài, với những “cơn gió xôn xao”, “bông hóa vừa mở cánh”, mà mùa xuân ở đây còn là ánh sáng rực rỡ, khỏa lấp đi bóng đêm, soi roi những nơi u tối, buồn bã, những mệt mỏi, hay những chết chóc.

Mùa xuân ngắn ngủi, đến với nhân gian như người tình lơ đãng, lại khiến trái tim nhân gian bừng sáng.

Ngôn ngữ thơ Tagore đượm chất trữ tình, nhưng cũng đầy chất triết lý sâu sắc. Đọc những câu thơ trong phần mở đầu Người thoáng hiện III, vừa bâng khuâng trước cảnh xuân, lại vừa lần giở bóc tách những ý tứ về đời sống mà thi nhân muốn truyền tải.

Như trong bài thơ số 33 ông viết: “Suy nghĩ dâng trong tâm trí tôi, như hơi thở ấm áp của cỏ dưới ánh mặt trời; nó trộn lẫn với tiếng ùng ục của mặt nước vỗ nhẹ và tiếng thở dài của cơn gió mệt mỏi trong con đường làng, suy nghĩ của tôi đã sống cùng toàn bộ đời sống của cuộc đời này và có được tình yêu và nỗi buồn của tôi”.

Mùa xuân ngắn ngủi, đến với nhân gian như người tình lơ đãng, lại khiến trái tim nhân gian bừng sáng.

Ý thơ như khái quát mối liên kết chặt chẽ giữa đời người và tự nhiên, không gian suy tư của con người, hay những run rẩy của tự nhiên đều bồi đắp cho nhau, nuôi dưỡng và gắn kết với nhau.

Ở đây, trong bối cảnh kịch tính của của những tranh đoạt. Đứa con riêng bị người mẹ - hoàng hậu, bỏ rơi lúc mới sinh, giờ đã trở thành một vị tướng, thì hoàng hậu lại đến dụ dỗ chàng dấy binh chiếm đoạt ngai vàng.

Trước những mưu chước xảo quyệt của người mẹ, chàng đã đấu tranh chống lại, để bi kịch không xảy ra. Chàng lánh khỏi những xấu xa ấy, mà ru mình trong người tình đẹp đẽ, người tình ấy là cô gái đẹp, hay là mùa xuân, hay chỉ là một giấc mộng hư ảo. Suy nghĩ của chàng được hòa trộn trong những chuyển động của tự nhiên.

Dưới bút pháp của Tagore, điều đẹp đẽ ấy chỉ “thoáng hiện” vừa thực vừa hư, vừa gần gũi vừa xa lại. “Không phải ở đây, nhưng ở nơi khác, trong lồng ngực của Xa Xôi” (Người thoáng hiện III).

Trong tập thơ Người thoáng hiện, Tagore vẫn sử dụng bút pháp thơ quen thuộc của ông là bút pháp ly kỳ, biến hóa, sử dụng các biện pháp tu từ, tạo dựng không khí mênh mông, vô cùng huyền ảo. Chất thơ ấy cũng khiến cho ý tứ ngữ nghĩa trở nên sắc bén, lắng đọng.

Tagore là nhà văn châu Á đầu tiên được trao giải Nobel văn học, năm 1913, với tập Thơ dâng. Tagore là một nhân vật có tài năng đa dạng với những cống hiến vô cùng to lớn cho nền văn hóa dân tộc và nhân loại.

Không chỉ sáng tạo hàng nghìn tác phẩm văn chương nghệ thuật, ông còn là người chiến sĩ tiên phong trong công cuộc đấu tranh bảo vệ quyền dân tộc và quyền con người, như thánh Gandhi từng nói: “Tagore là người lính canh vĩ đại của nhân gian”.

Thủy Nguyệt

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/mua-xuan-tua-tinh-nhan-thoang-hien-post915090.html