Mùa xuân mới của đồng bào Rục

Xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa xưa kia từng được ví như 'đỉnh trời' của dãy Trường Sơn phía Tây Quảng Bình. Con đường từ trung tâm xã dẫn vào bản người Rục xa ngái, âm u như đi vào màn đêm thế kỷ. Trước khi đến đây, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện kể vừa hư, vừa thực, vừa trần trụi, vừa như huyền thoại về bà con đồng bào Rục nơi đây. Rằng họ được BĐBP Quảng Bình phát hiện trong rừng sâu và đưa về như một kỳ tích.

Bà con người Mày hồ hởi đưa máy kéo về kho chuẩn bị cho "chiến dịch" trồng lúa nước.

Một ngày nọ, tổ tuần tra biên giới Đồn Công an nhân dân vũ trang Óc Sách (nay là Đồn BP Cà Xèng) đã phát hiện ra họ trong tình trạng "ăn lông, ở lỗ" như người nguyên thủy. Sau 5 tháng "nằm vùng", ăn ngủ với rừng, đến ngày 12-9-1959, họ đã tìm được tung tích của những "người nguyên thủy". Nhưng cứ đến gần là họ cắm đầu cắm cổ chạy vào rừng sâu. Sau này, nhờ sự giúp đỡ của các già làng, trưởng bản của dân tộc Chứt, BĐBP đã tiếp cận được họ trong một hang sâu tối thuộc rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Tìm thấy họ đã khó, nhưng để họ trở lại cuộc sống hòa nhập với cộng đồng càng khó hơn. Do người Rục quen sống luồn lách trong hang đá, khe núi, cái đầu không nghĩ gì nhưng cái chân cứ muốn bước quay về chốn cũ. Nhưng vào rừng chẳng được bao lâu, người Rục lại thấy nhớ gương mặt, tiếng nói của bộ đội. Rồi, như có phép màu, dấu chân của họ đã được BĐBP tìm thấy. Và họ lại trở về, định cư tại 2 bản Ón và Mò Ô Ố Ồ, xã Thượng Hóa.
Nhưng rồi lại một biến cố nữa đến với đồng bào Rục. Những năm 1972-1973, Mỹ - ngụy điên cuồng dội bom đạn xuống vùng đất này. Việc chăm chút cho người Rục không còn được như trước. Năm 1989, trận dịch sởi quét qua khiến cho 20 người Rục bị chết. Quá kinh hãi, những người Rục còn lại tìm cách quay về rừng sâu ẩn náu. Đã không dưới 3 lần, người Rục rời bỏ bản làng trở lại rừng sâu, sống đời sống nguyên thủy, lấy hang đá làm nhà, lấy cây dại, rau rừng làm thức ăn, bỏ lại những ngôi nhà lá do BĐBP xây dựng giúp bà con ổn định cuộc sống, sinh cơ lập nghiệp. Nhưng rồi, nhờ sự kiên trì, tình cảm yêu thương hết lòng của BĐBP, những người con của rừng đã quyết tâm đoạn tuyệt với quá khứ, yên tâm ở lại bám đất, bám làng để viết nên những trang mới cho chính cuộc đời mình.

Bây giờ, đồng bào Rục xã Thượng Hóa đã có 101 hộ với gần 400 nhân khẩu. 50 năm trôi qua, trải qua biết bao sóng gió, họ đã tự làm một cuộc cách mạng đổi đời cho chính mình. Thượng tá Trần Xuân Hường, Chính trị viên Đồn BP Cà Xèng hồi tưởng lại những ngày đã qua với niềm vui khôn kể: "BĐBP đưa được bà con về định cư ở vùng đất này mừng lắm, nhưng cũng phải tính kế lo cho bà con có kinh tế ổn định thì mới yên lòng. Năm 2009, đơn vị bàn bạc, đưa ra nhiều phương án và quyết định trồng thử 2ha lúa nước để giải quyết lương thực tại chỗ cho bà con. Cuối vụ, lúa thu về cho năng suất cao, anh em hết sức phấn khởi. Có người cầm bông lúa trĩu hạt trên tay mà nghẹn ngào ứa nước mắt. Không ngờ lần đầu thử nghiệm mà kết quả đem lại khả quan như vậy. Năm 2010, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình kiến nghị lên UBND tỉnh thực hiện dự án lúa nước Rục Làn gieo cấy trên 10ha ruộng".

Người đầu tiên của bản Rục Làn được BĐBP dạy cách làm lúa nước là ông Trần Trung Trực, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ. Ngồi bên bếp lửa, ông phấn chấn: "Khi BĐBP họp dân để làm lúa nước, dân bản không ai hiểu chi hết. Bộ đội lại tiếp tục mời 3 Trưởng bản Ón, Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ cùng bộ đội làm trước để dân bản coi. Nhưng 2 Trưởng bản nớ không dám làm, vì sợ trồng lúa nước sẽ bị dân làng trách phạt là làm trái với tập tục "chặt, đốt, cốt, trỉa" của người Rục ta. Họ nói, cán bộ mần đi, miềng coi cái đã. Bộ đội giải thích làm lúa là có gạo, khó mà đói cái bụng, mần đi, BĐBP sẽ giúp đỡ. Miềng nghe vậy thì ưng cái bụng lắm, rứa là mần, chừ thì thắng lợi to rồi đó".

Ngày đầu làm 1.400m2 lúa nước, người Rục Làn cả vùng được mời về bản Yên Hợp xem bộ đội vỡ đất, be bờ giữ nước. Ông Trần Trung Trực đi theo máy cày để cán bộ Biên phòng hướng dẫn cách cày đất, rồi lên đồn xem cách ngâm ủ giống. Ngày gieo lúa, người dân ùn ùn kéo đến nhưng vẫn chưa ai hiểu bộ đội trồng cây gì giữa vùng đất bập bõm nước ấy. Gieo xong, vài ngày, bộ đội ra thăm lúa một lần, ông Trực cũng đi theo để được hướng dẫn thêm. Khi lúa chín vàng óng, bộ đội lại đến các bản thông báo cho bà con đến xem. Nhìn bộ đội hướng dẫn ông Trực gặt lúa rồi phơi lúa, người Rục cười khúc khích vì thấy lạ. Sau những bữa cơm mới, ông Trực cười vui: "Sau 50 năm rời hang đá, sống đời tăm tối, hôm nay, người Rục miềng mới có bữa cơm trắng dẻo thơm. Nhờ bộ đội dạy thêm cho con cháu miềng trồng lúa nước có gạo mà ăn, cho đất thung lũng bớt hoang vắng!".

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Cà Xèng khẩn trương giúp dân làm ruộng để kịp ngày xuống giống.

Với phương châm "4 cùng" và cầm tay chỉ việc cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Cà Xèng đã bám dân, hướng dẫn bà con biết cách cày đất, biết cách ngâm ủ hạt giống, chăm bón để cây lúa tốt tươi. Từng chiến sĩ đến bên từng người, từng đám ruộng, cầm tay tận tình chỉ bảo, hướng dẫn bà con từ cách làm đất đến gieo cấy. Với dự án xây dựng đập nước Rục Làn, BĐBP đã làm được 10ha lúa nước cho bà con. 10ha lúa nước được chia theo đầu người, sau đó giao cho từng tổ, mỗi tổ khoảng 10 hộ cùng BĐBP sản xuất. Trong năm 2011, người Rục đã có 2 vụ "mùa vàng" rộn ràng ở các bản khi năng suất lúa đạt từ 30-40 tạ/ha/vụ. Người Rục ở Thượng Hóa giờ đây đã thông thạo với công việc cày bừa, cấy cây lúa thẳng hàng, cầm liềm hái gặt và sạ lúa đem về chất đầy bồ.

Nhờ sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, Dự án phát triển và bảo tồn đồng bào Rục với tổng số vốn lên đến hàng chục tỷ đồng đã được triển khai tại đây. Lần đầu tiên, người Rục được cấp nhà ở, được làm đường đến tận thôn bản, được dùng điện lưới quốc gia, nghe thông tin từ vô tuyến, truyền hình. Từ nay, những cánh đồng lúa Rục Làn sẽ xanh non mơn mởn với đầy đủ hệ thống tưới tiêu, bờ vùng, bờ thửa, giúp đồng bào Rục sản xuất mỗi năm 2 vụ lúa. Thượng tá Bùi Văn Tiến, Đồn trưởng Đồn BP Cà Xèng không giấu được niềm tự hào: "Đồng bào Rục ở Thượng Hóa có gần 100% hộ nghèo, sống đời sống khó khăn đã lâu, do trình độ dân trí, kỹ thuật sản xuất thấp, chủ yếu sống nhờ nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Chính vì vậy, dự án đưa cây lúa nước đến với đồng bào Rục của Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình được đánh giá là một thành công vượt bậc nhằm thay đổi lối sống, tập quán lạc hậu lâu đời của đồng bào Rục". Còn bà Hồ Thị Khun, 60 tuổi, ở bản Mò O Ồ Ồ không giấu được niềm vui: "Mệ sống gần trọn cuộc đời, chừ mới chộ (thấy) ruộng lúa nước, cái tay khô cứng của mệ lần đầu tiên biết trồng cây lúa. Từ trước đến nay, nhà mệ, nhà của nhiều người trong bản chỉ có rẫy sắn, rẫy ngô thôi! Người Rục sắp tới rứa là không lo đói nữa rồi!".

Thu Hà - Hương Mai

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mua-xuan-moi-cua-dong-bao-ruc/