'Mùa xuân hòa bình' làm thay đổi tương quan lực lượng chính trị ở Syria?

Chiến dịch quân sự 'Mùa xuân hòa bình' mà Thổ Nhĩ Kỳ đang phát động ở Syria liệu có mang lại hòa bình đúng như tên gọi hay sẽ thúc đẩy sự thay đổi tương quan lực lượng chính trị ở Syria, khiến khủng hoảng ở nước này và cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông càng trở nên phức tạp và khó lường hơn?

Sau hai Chiến dịch “Lá chắn Euphrates” năm 2016 và “Cành ô liu” năm 2018, ngày 9-10, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn với tên gọi “Mùa xuân hòa bình”, sang lãnh thổ Syria nhằm chống lại các tay súng người Kurd ở vùng Đông Bắc nước này.

Từ lâu, vấn đề người Kurd vẫn luôn là một trong những mâu thuẫn địa chính trị chủ yếu ở Trung Đông. Người Kurd là dân tộc lớn thứ tư ở Trung Đông, những năm gần đây do những diễn biến của tình hình Trung Đông, khiến người Kurd trở thành quân cờ hữu dụng trên bàn cờ địa chính trị của các cường quốc. Người Kurd ở phía bắc Iraq giành được quyền tự trị cao hơn, trong khi người Kurd ở Syria được sự hậu thuẫn của Mỹ, trở thành một trong những lực lượng chủ yếu chống lại các tổ chức cực đoan và ở một mức độ nhất định đã kiểm soát khu vực Đông Bắc Syria.

 Thổ Nhĩ Kỳ quyết thực hiện đến cùng chiến dịch tại Syria. Ảnh: Reuters

Thổ Nhĩ Kỳ quyết thực hiện đến cùng chiến dịch tại Syria. Ảnh: Reuters

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, những ân oán giữa Ankara với người Kurd đã bùng phát từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước dẫn tới một cuộc xung đột vũ trang kéo dài suốt 3 thập niên khiến hơn 40.000 người thiệt mạng. Đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố vì đã phát động cuộc đấu tranh bạo lực năm 1984 nhằm thiết lập nhà nước riêng của người Kurd ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đó đến nay, tiến trình hòa đàm giữa hai bên liên tục bị đổ vỡ, khiến Ankara càng quyết tâm hơn trong việc truy quét lực lượng người Kurd.

Điều khiến Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có số người Kurd sinh sống nhiều nhất không khỏi lo lắng là một khi lực lượng người Kurd ở Syria vẫn bị Ankara coi là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK), phát triển mạnh lên và thành lập được “nhà nước” của riêng mình sẽ là nguồn “cổ vũ” cho các thế lực ly chủ nghĩa ly khai trong nước trỗi dậy. Vì vậy, khi người Kurd tại Syria bị đồng minh Washington “bỏ rơi” bằng quyết định rút quân khỏi Syria, thì Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan Thổ Nhĩ Kỳ lập tức phát động cuộc tấn công và tuyên bố sẽ không ngừng chiến dịch tấn công này, với lập luận rằng chiến dịch này nhằm "quét sạch khủng bố" và "đem lại hòa bình cho khu vực".

Tuy nhiên, kể từ khi chiến dịch quân sự này bắt đầu, hòa bình chưa thấy đâu nhưng đã có ít nhất 29 thành viên của lực lượng người Kurd và 10 dân thường đã thiệt mạng. Trong khi đó, Ủy ban Cứu trợ quốc tế cho biết, 64.000 người ở Syria đã phải đi sơ tán. Và, điều đáng quan ngại nhất là cho dù hành động quân sự này đạt được thành công theo đúng ý định của Thổ Nhĩ Kỳ, giúp Ankara thiết lập một vùng đệm sâu 32km và dài 480km bên trong lãnh thổ Syria ở khu vực biên giới phía Bắc để bảo vệ an ninh cho mình, khi đó tương quan lực lượng chính trị ở Syria liệu có thay đổi, cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông có trở nên phức tạp hơn?

Được coi là một lực lượng chống các tổ chức cực đoan ở Syria, nhóm vũ trang người Kurd hiện đang giam giữ hơn 10.000 tù binh IS. Trước đó, nhóm vũ trang này đã từng đe dọa nếu bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công, họ sẽ phải điều động các tay súng chống trả và khi đó việc quản thúc các tù binh IS sẽ bị buông lỏng, một khi những phần tử khủng bố này trốn thoát thì hậu quả sẽ vô cùng tai hại. Bên cạnh đó, Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) không còn, nhưng Liên hợp quốc và giới tình báo Mỹ đều nhận định lực lượng ngầm của tổ chức khủng bố này vẫn đang nắm giữ số lượng lớn tài nguyên và tiền bạc. Với tình hình hỗn loạn hiện nay, các tay súng IS có thể sẽ ngóc đầu trở lại khiến những nỗ lực và thành quả chống khủng bố trước đó “đổ xuống sông xuống biển”.

Một hệ quả khác từ hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ là tương quan lực lượng chính trị tại Syria có thể bị thay đổi. Một khi Ankara đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch quân sự, nhóm vũ trang người Kurd ở vào tình thế bị người Mỹ bỏ rơi và với thực lực quân sự yếu hơn đối phương, có thể sẽ quay sang cầu cứu sự giúp đỡ của chính phủ Syria và Nga. Một khi liên minh này được hình thành, quân đội Syria sẽ có điều kiện tập trung lực lượng đối phó với nhóm vũ trang đối lập đang phải co cụm ở phía Bắc. Còn với người Kurd, về chính trị đã kết minh với chính phủ Syria, về quân sự phải chịu tổn thất nặng nề trước các đòn tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, thì mục tiêu thành lập nhà nước tự trị cũng khó thành hiện thực.

Với tình hình hiện nay, sẽ không có hành động quân sự nào có thể giúp khôi phục hòa bình ở Syria, chỉ có đối thoại hóa giải bất đồng, thúc đẩy hòa giải dân tộc mới là con đường để giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này.

THANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/mua-xuan-hoa-binh-lam-thay-doi-tuong-quan-luc-luong-chinh-tri-o-syria-593334