Mùa xuân 'đếm tiền mỏi tay' của các tỷ phú cam Cao Phong

Cái thị trấn nhỏ heo hút của xứ Mường (Hòa Bình) ngày nào, giờ nổi danh sau liên tiếp những vụ cam được mùa. Cứ mỗi năm qua đi, thị trấn này lại xuất hiện thêm cả chục tỷ phú với sự nghiệp làm nông.

Những ngày cận tết, thị trấn Cao Phong như rộn ràng và bận bịu hơn thường ngày, thương lái ở khắp nơi đổ về “ăn hàng”. Người ta thì đủng đỉnh sắm tết sau cả năm bận rộn, riêng người dân ở thị trấn Cao Phong những ngày này mới là khoảng thời gian “đếm tiền mỏi tay”. Dân các nơi vui đón tết, đón xuân, các chủ vườn cam vẫn căng mình ra chăm sóc vườn và thu hoạch - một sự bận bịu hạnh phúc.

Kiếm tiền tỷ từ cam

Trời xứ Mường lất phất mưa bụi, hương cam, hương bưởi đã thoang thoảng đưa. Anh Dương Văn Mừng – một tỷ phú cam ở xóm Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, vẫn ngày ngày ở vườn.

Ông Tạ Đình Đào - một trong những người đầu tiên trồng cam ở Cao Phong. ảnh: Xuân Tuấn

Mùa xuân cũng là mùa của cây cam đơm hoa, kết trái, nhưng ở Cao Phong còn có cả giống cam vừa đơm hoa mà vẫn đeo quả đó là giống cam Valencia (cam V2). Màu trắng tinh khôi của hoa cam hòa với màu vàng rực của cam chín tạo nên bức tranh lộng lẫy, trữ tình. Anh Mừng trồng được 11ha cam, cả mấy nghìn cây cam, cây nào cấy nấy sai trĩu quả. Đủ loại: cam lòng vàng, cam Canh, cam V2… Vụ thu hoạch cam kéo dài tới 8 tháng ròng (từ tháng 10 cho đến tháng 5) khiến anh mệt bở hơi tai.

Anh Mừng (SN 1979), nhà ở TP.Hòa Bình, nhưng vườn của anh lại ở sâu trong núi. Nhà đẹp, xe hơi đề huề giữa phố thị, nhưng anh lại ở trong vườn là chính. Trò chuyện, anh Mừng bảo điều mà anh thấy ưng nhất là đánh thức được tiềm năng của đất Mường. Suốt nhiều năm ròng gắn bó với cây cam, với đất Mường nên anh hiểu được nỗi lòng của người trồng cam.

Anh Mừng chia sẻ: Những năm 2009 và 2010, giá cam còn ở mức thấp 5.000-6.000 đồng/kg, người làm cam có lãi chút ít. Khi đó rất ít người trồng, chỉ có những gia đình nào là con em của nông trường mới tham gia trồng cam. Mấy năm sau đó, giá cam đội lên gấp 5-6 lần, nhà nhà bắt đầu đổ xô vào trồng cam. Từ đây, đất Mường mới xuất hiện nhiều tỷ phú và anh Mừng là một trong số đó.

Cây cam rất hợp với đất Mường, và có lẽ cộng với lòng nhiệt huyết của người trồng, nên nó phát triển rất tốt. Vùng đất xưa chỉ trồng mía, trồng ngô với hiệu quả thấp, nay nhờ bàn tay chăm sóc tận tình của anh Mừng và nhiều người khác đã biến thành những “cỗ máy in tiền” đều đều. So với mọi năm, giá cam năm 2018 có giảm đôi chút, nhưng anh Mừng vẫn bán được trung bình 20.000 đồng/kg cam lòng vàng. Một cây cam cho thu vài triệu đồng không còn là chuyện lạ ở đất này.

“Cây cam không khó tính, chỉ cần mình chịu khó chăm chút là thu hoạch được thành quả. Nay tôi đang chuyển sang hướng sản xuất hữu cơ toàn bộ. Tự thân mỗi cây cam sẽ nâng được giá trị lên. Làm cam mà làm tốt là có tiền” - anh Mừng cho hay.

Qua cơn bĩ cực, tới hồi thái lai

Chúng tôi gặp lại chị Đặng Thị Thu - Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016, và cùng chị đến khu vườn ở đội 6, thị trấn Cao Phong chuẩn bị thức ăn, gạo nước cho lao động nấu cơm trưa. Ngồi trong hiên nhà sàn rợp bóng cam Canh, gọt những quả cam mọng nước đầu vụ mời khách tại vườn, chị Thu khoe: Được Chủ tịch nước trao Cúp nông dân xuất sắc, rồi được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vinh danh nông dân hội nhập, vui lắm, tự hào lắm, và nhớ mãi. Vui nhất là về Hà Nội dự hội nghị, tôi đánh cả xe cam Cao Phong xuống mời mọi người thưởng thức, ai cũng khen ngọt, thơm.

Quê ở Hưng Yên, chị Thu lên thị trấn Cao Phong mưu sinh bằng nghề buôn bán. Bắt đầu trồng cam từ năm 2007, qua nhiều gian khó, đến nay, chị đã sở hữu 10ha cam với các giống chủ lực là cam Canh, cam lòng vàng trồng xen đã cho thu hoạch. Mà ở vùng đất này, ai có khoảng 1ha cam, sản lượng từ 25-30 tấn/vụ thì thu nhập hàng trăm triệu trong tầm tay.

Chị Thu một tay lo việc trồng và bán cam, gia nhập “hội tỷ phú cam” ở thị trấn từ nhiều năm nay. Hàng năm, doanh thu từ bán cam của chị cỡ vài tỷ đồng. Năm nay, năng suất, sản lượng cam tiếp tục được cải thiện, dự tính vườn của chị cho thu hàng trăm tấn. Thương lái đã đến đặt hàng tại vườn nên giá chỉ cần tương đương mọi năm thì doanh thu chắc chắn từ 5-7 tỷ đồng trở lên.

Chị tâm sự: “Mình đi lên từ cuộc sống cơ hàn, hiểu và chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, éo le”. Có lẽ vì thế, tâm thức, hành động của chị luôn hướng tới người nghèo, giúp đỡ người nghèo vươn lên. Bà chủ nông dân chân đất này luôn coi người lao động là người thân, chăm lo cho họ từng bữa ăn, chỉ bảo cách thức trồng, chăm sóc cam. Người làm công cho chị phần nhiều ở các xóm khó khăn của xã Văn Sơn, Tuân Đạo (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình).

Gặp ông Tạ Đình Đào - “vua cam” đất Mường (khu 5B, thị trấn Cao Phong), hỏi về chuyện nông dân nơi đây đếm tiền mỏi tay, ông cười tủm và nói đầy ẩn ý: Quả là người trồng cam không thiếu tiền, nhưng để có được nông trường cam mở rộng như ngày nay, chúng tôi đã trải qua bao gian nan.

Thế hệ ông Đào là những công dân miền xuôi đầu tiên đặt chân lên khai phá nông trường cam này vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX. Khi đó cả vùng đất rộng lớn này là rừng lau, rừng luồng. Các công nhân nông trường đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình mới góp phần làm nên được một nông trường đẹp và giàu có như ngày nay.

Sau hơn 40 năm vượt khó, vật lộn với từng gốc cam trên đồi cao nắng khét, mưa chan, đến nay gia đình ông Tạ Đình Đào đã xây dựng được 1 cơ ngơi khang trang, có hơn 6ha trồng cam đang trong thời kỳ kinh doanh. Ông từng 2 lần vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những thành tích trong lao động sản xuất, là 1 trong những điển hình trong Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Hòa Bình lần thứ IV.

Các gia đình ở Cao Phong giờ coi trồng cam là nghề chính, là nghề “đẻ” ra tiền. Với họ, mùa đẹp nhất trong năm cũng chính là mùa xuân, đơn giản vì đó là mùa cam nở hoa. Khi ấy, hoa cam nở trắng trời, trắng đất. Cạnh đó là những vạt chanh đào có hoa màu tím, tô điểm thêm cho vẻ đẹp của núi rừng xứ Mường - nơi bây giờ được mệnh danh “vùng đất tỷ phú”.

Theo Dân Việt

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/mua-xuan-dem-tien-moi-tay-cua-cac-ty-phu-cam-cao-phong-527483.htm