Mùa xuân Crimea: Ukraine không thể chặn 'đường về đất mẹ' Nga

Giới lãnh đạo Crưm khẳng định, việc cư dân bán đảo trưng cầu dân ý rời bỏ Ukraine để sáp nhập vào Nga là điều tất yếu, không thể tránh khỏi.

Poroshenko không thể ngăn chặn Crimea rời khỏi Ukraine

Hôm 24/02, Nghị sĩ Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine) than vãn rằng, chính quyền Kiev từng có cơ hội tước đi ý nghĩa cuộc trưng cầu dân ý tại Crưm tháng 3/2014, qua đó ngăn chặn việc bán đảo này ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào lãnh thổ Nga.

Nghị sĩ Verkhovna Rada Sergey Kunitsyn - người khi đó là thủ tướng của nước cộng hòa Crưm trong thành phần Ukraine, trên kênh truyền hình "112" đã mô tả một biện pháp mà theo ông, vào năm 2014 Kiev sẽ có cơ hội "đập tan ý nghĩa" cuộc trưng cầu dân ý ở Crưm.

Theo ông Kunitsyn, vào giữa cuộc khủng hoảng (hồi cuối tháng 2/2014) ông ta đã đề nghị các cơ quan chức năng của chính quyền Kiev cung cấp ngay cho Crưm "tất cả các quyền hạn" (trừ quyền tự quyết) để họ từ bỏ ham muốn bỏ phiếu thống nhất với Nga.

"Nhẽ ra phải cho Crưm mọi quyền hạn, làm cho cuộc trưng cầu dân ý trở nên vô nghĩa" - ông này kể lại và lưu ý rằng, nếu thực hiện đúng theo cách này, chính quyền mới có thể giành thêm được thời gian và tìm được biện pháp kiểm soát cơ cấu quyền lực của đất nước.

Theo những nguồn tin khác, khi đó, các chính khách diều hâu của chính quyền thân phương Tây mới được dựng lên ở Kiev sau khi ông Viktor Yanukovych bỏ trốn sang Nga đã không để ý đến yêu cầu này và định sử dụng ‘bàn tay sắt’ để đưa Crưm vào khuôn khổ.

Sau cuộc đảo chính ở Quảng trường Maidan, vào ngày 28/02/2014, Tổng thống Ukraine hiện nay là ông Petro Poroshenko (khi đó là một trong những lãnh tụ đối lập, tổ chức cuộc đảo chính ở Kiev) đã đến Crưm để tìm cách thiết lập lại trật tự ở bán đảo này. Tuy nhiên, ông ta đã không thể bắt được liên lạc với chính quyền thân Kiev (khi đó đang bị người biểu tình vây chặt ở trong Tòa nhà Hội đồng tối cao).

Khi đoàn xe của ông Poroshenko đến gần hàng rào cảnh sát cách nhà quốc hội vài chục mét, ông này ra khỏi xe và cố gắng đi bộ tới tòa nhà của Hội đồng Tối cao. Nhưng ông đã bị hàng ngàn người dân Crưm vây chặt và hô vang khẩu hiệu "Banderovesh hãy cút khỏi đây!".

Số cảnh sát ít ỏi trung thành với Ukraine đang làm nhiệm vụ tại lối vào nghị viện, đã bao bọc Poroshenko để bảo vệ ông ta khỏi đám đông. Vị Tổng thống Ukraine hiện nay đã cố gắng giao tiếp với những người biểu tình, nhưng họ không muốn nghe và đẩy ông ta cùng với vòng vây của cảnh sát ra bên ngoài đường phố cạnh nhà quốc hội. Sau đó, Poroshenko vào xe và bỏ đi không quay lại.

Và sau đó, Crưm đã trở thành một khu vực hành chính của Nga, theo kết quả cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức trên bán đảo vào ngày 16 tháng 3 năm 2014.

Tranh biếm họa về việc Ukraine không thể ngăn cản bán đảo Crưm sáp nhập vào Nga

Crưm về với Nga là điều không thể ngăn chặn

Vừa qua, người đứng đầu nước cộng hòa Sergey Aksenov phát biểu rằng, cuộc trưng cầu dân ý về việc thống nhất Crưm với Nga ngày 16/03/2014 là không thể tránh khỏi, còn cuộc biểu tình cạnh tòa nhà Quốc hội bốn năm trước (bắt đầu từ ngày 26/02/2014) chỉ đóng vai trò như một chất xúc tác của các quá trình lịch sử.

Dưới các bức tường của Hội đồng Nhà nước của nước Cộng hòa (tại thời điểm đó là Hội đồng tối cao Cộng hòa tự trị Crưm, thuộc Ukraine) vào ngày 26/2/2014, đã xuất hiện một cuộc biểu tình đông hàng ngàn người dân, khởi đầu "Mùa xuân Crưm" lịch sử.

Đã xuất hiện các cuộc đụng độ giữa những người thuộc phong trào ủng hộ Nga và các phần tử cực đoan như "Pravyi Sektor", trong thời gian đó đang cố gắng kích động xung đột sắc tộc, khiến 2 người đã thiệt mạng và 79 người bị thương vì bạo động.

Tuy nhiên, vào đêm 27/02, những lá cờ của Liên bang Nga đã được nhân dân cắm trên các tòa nhà của Chính phủ và Quốc hội Crimea. Những sự kiện này là khởi đầu của "Mùa xuân Crưm", dẫn đến cuộc trưng cầu dân ý khiến Crưm trở lại thành một phần của nước Nga.

Theo ông, hành động của những kẻ cướp chính quyền Kiev bằng vũ lực quân sự vào thời điểm đó là không đúng mực, và rõ ràng rằng họ có ý muốn đàn áp Crưm, hơn nữa xung đột tiếp tục lan rộng ở khu vực đông nam của Ukraine, do đó quyết định trưng cầu dân ý vẫn sẽ xảy ra.

Chỉ đơn giản là ngày 26/2 đóng vai trò như một chất xúc tác để các cơ quan của chính phủ, chính bản thân Tổng thống (Putin) tăng tốc thực hiện một số bước quyết định (giành chính quyền ở Crimea) - ông Aksenov nói với các phóng viên.

Tuy nhiên, nhân dịp Ngày “Người bảo vệ Tổ quốc”, đồng thời cũng là ngày kỷ niệm 4 năm ra đời Lực lượng Dân quân Crưm (ngày 23/02/2014), nhà lãnh đạo này đã tuyên dương công trạng của Lực lượng Dân quân Crưm bởi “đã giúp người dân bảo vệ nước cộng hòa Crưm trong những ngày ‘Mùa Xuân Crưm’ năm 2014”.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/mua-xuan-crimea-ukraine-khong-the-chan-duong-ve-dat-me-nga-3353455/