Mùa xuân Arab 'đến muộn' ở Sudan và Algeria

Sudan dường như đang theo mô hình Ai Cập, ít nhất là cho đến bây giờ, sau khi nhà lãnh đạo nắm quyền lâu năm Omar al-Bashir bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự vào tuần trước sau các cuộc biểu tình kéo dài.

Sudan dường như đang theo mô hình Ai Cập, ít nhất là cho đến bây giờ, sau khi nhà lãnh đạo nắm quyền lâu năm Omar al-Bashir bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự vào tuần trước sau các cuộc biểu tình kéo dài.

Dòng người xuống đường biểu tình ở Sudan. Ảnh: Reuters

Dòng người xuống đường biểu tình ở Sudan. Ảnh: Reuters

Algeria và Sudan hiện đang làm dậy sóng Châu Phi với những cuộc biểu tình rầm rộ, đã giúp đẩy lùi những gương mặt nắm quyền lâu năm. Động thái này cho thấy cả hai đang đi theo một kịch bản Mùa xuân Arab, vốn lật đổ nhiều chính phủ cầm quyền lâu năm kể từ cuộc nổi dậy năm 2011 ở Tunisia sau đó đến Ai Cập và Libya.

Từ Ai Cập đến Sudan

Những biến động của Mùa xuân Arab đã làm dấy lên hy vọng cải cách chính trị và kinh tế ở các quốc gia như Ai Cập, nơi quân đội muốn mở rộng ảnh hưởng chính trị. Người đứng đầu lực lượng vũ trang Ai Cập đã loại bỏ Tổng thống Hosni Mubarak rất hiệu quả khi lực lượng an ninh không thể ngăn chặn các cuộc biểu tình trên đường phố chống lại nhà lãnh đạo kỳ cựu.

Một hội đồng quân sự đã chịu trách nhiệm, giám sát một quá trình chuyển đổi hỗn loạn và đôi khi dữ dội trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của Ai Cập. 2 năm sau, tướng quân đội Abdel Fattah al-Sisi lãnh đạo lật đổ tổng thống được bầu chọn tự do đầu tiên của Ai Cập, Mohamed Morsi. Ông Sisi sau đó giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2014 và 2018, trong cả hai lần với 97% phiếu bầu. Hiện nay, nghị viện đề xuất cải cách hiến pháp có thể cho phép ông tiếp tục nắm quyền đến năm 2034.

Sudan dường như đang theo mô hình Ai Cập, ít nhất là cho đến bây giờ, sau khi nhà lãnh đạo nắm quyền lâu năm Omar al-Bashir bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự sau các cuộc biểu tình kéo dài. Đám đông tập trung bên ngoài Bộ Quốc phòng để yêu cầu quân đội giúp họ lật đổ ông Bashir. Người đứng đầu Ủy ban Quân sự Chuyển đổi (TMC) cầm quyền mới của Sudan Abdel Fattah al-Burhan Abdelrahman hồi cuối tuần cho biết, một chính phủ dân sự sẽ được thành lập sau khi tham khảo ý kiến của phe đối lập và hứa hẹn thời gian chuyển tiếp không quá 2 năm.

Áp lực thay đổi

Tuy nhiên, những người biểu tình tiếp tục gây áp lực thay đổi, giống như họ đã làm ở Ai Cập khi đại nguyên soái Hussein Tantawi - người giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong 2 thập kỷ - điều hành đất nước sau khi Tổng thống Mubarak thất thủ.

Một câu ca tụng quen thuộc và chung cho những người Sudan xuống đường biểu tình là “chiến thắng hoặc Ai Cập”, ám chỉ sự phản đối đi theo kịch bản đó. Các phương tiện truyền thông xã hội ở cả hai quốc gia đã bám vào những cái tên giống hệt nhau của ông Sisi và Burhan để cảnh báo một cách hài hước về một số phận tương tự. “Sai lầm lớn nhất là hy vọng quân đội sẽ là đồng minh. Tôi hiểu những cảm xúc xung quanh quân đội nhưng hiểu sai về quân đội là gì và họ sẽ làm gì”, nhà bình luận người Sudan Magdi El Gizouli nói và nhấn mạnh: “Nếu bạn kêu gọi quân đội can thiệp để giải quyết khủng hoảng, đây là những gì họ có thể làm, họ có thể làm tốt hơn”.

Tổng tư lệnh quân đội Algeria, tướng Ahmed Gaed Salah, có một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn. Ông tuyên bố, Tổng thống Abdelaziz Bouteflika, 82 tuổi, không phù hợp với chức vụ khi muốn kéo dài nhiệm kỳ thứ 4, làm bùng nổ nguy cơ biểu tình bạo lực kéo dài. Trong một vài ngày, Quốc hội đã chỉ định một nhà lãnh đạo lâm thời mới, quân đội ủng hộ cho một quá trình chuyển đổi và sau đó ngày bầu cử tổng thống được ấn định.

Hy vọng và thất vọng

Tất nhiên, bất kỳ nhà lãnh đạo dân sự tương lai nào ở Sudan hay Algeria đều cần sự hỗ trợ của quân đội - một sự sắp xếp chung trong thế giới Arab - đồng thời phải đối mặt với những thách thức lớn về kinh tế và chính trị. Nhưng rồi các nhà lãnh đạo thay thế các nhân vật chuyên quyền cũng thất bại trong việc tạo ra việc làm và xóa đói nghèo và tham nhũng.

Khi người Algeria và Sudan tìm kiếm tự do hơn và triển vọng tốt hơn, tình trạng hỗn loạn ở những nơi khác trong khu vực cho thấy hy vọng của họ về một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng họ có thể nhanh chóng thất vọng. Tunisia đã được ca ngợi như một câu chuyện thành công cho sự phát triển dân chủ, mặc dù một cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm xói mòn mức sống. Nhưng vấn đề của họ xem ra vẫn không là gì so với các quốc gia Mùa xuân Aab khác. Tại Libya, tướng Khalifa Haftar, nhân vật được mệnh danh là “Muammar Gaddafi mới” đang mở cuộc chiến dữ đội để chiếm lấy một đất nước đã rơi vào cảnh đổ máu kể từ năm 2011.

Hàng trăm ngàn người đã bị giết trong cuộc nội chiến ở Syria. 4 năm xung đột đã đẩy Yemen, vốn là một trong những quốc gia Arab nghèo nhất, đến bờ vực của nạn đói. Trong khi đó, ở Sudan và Algeria, họ đang thiếu một con đường rõ ràng phía trước.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_204919_mua-xuan-arab-den-muon-o-sudan-va-algeria.aspx