Mùa xuân 1979: Kể chuyện chiến tuyến bằng hình ảnh

Đôi mắt đượm buồn, đôi bàn tay nắm chặt, giọng nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường đôi lúc nghẹn lại khi nhớ lại những giây phút ở ranh giới mong manh giữa sự sống-cái chết trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.

Trong ký ức của người phóng viên chiến trường năm xưa, hình ảnh lửa cháy, máu đổ trên khắp dải biên cương và khung cảnh tang thương, hoang lạnh sau khi địch rút quân chẵn bốn mươi năm không bao giờ phai nhạt...

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường đượm buồn khi nhắc lại những tháng ngày tác nghiệp năm 1979.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường đượm buồn khi nhắc lại những tháng ngày tác nghiệp năm 1979.

Sợ phim hỏng hơn phải nằm lại nơi biên viễn

Ngày 17/2/1979, nhà cầm quyền Trung Quốc đã phát động cuộc tiến công quy mô lớn xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh).

Trước tình cảnh Tổ quốc lâm nguy, thực hiện quyền tự vệ chính đáng, quân và dân Việt Nam đã buộc phải cầm súng chiến đấu bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Trong thời gian đó, nghệ sỹ nhiếp ảnh Mạnh Thường đang công tác tại Nhà xuất bản Văn hóa. Tháng 10/1978, ông có mặt trong đoàn văn nghệ sỹ, cán bộ đi thực tế tại Cao Bằng (cùng nhạc sỹ Thái Cơ, nhạc sỹ Phó Đức Phương, họa sỹ Doãn Chung…) để ghi nhận tình hình, sáng tác động viên tinh thần chiến sỹ, đồng bào.

Từ thực tế xung đột trong thời gian từ cuối năm 1978, những dự liệu về một cuộc giao tranh đã hình thành. “Sau chuyến đi thực tế, tôi trở về Hà Nội mà luôn cảm thấy ‘nóng ruột,’ cảm giác bồn chồn, không yên. Sáng 16/2/1979, tôi mua vé máy bay khứ hồi Hà Nội-Cao Bằng-Hà Nội nhưng nhân viên phục vụ cho biết, khi đó, chỉ có vé lượt đi Cao Bằng, chưa có vé lượt về Hà Nội và cũng chưa biết khi nào sẽ có… Linh tính mách bảo tôi rằng, chiến tranh đang rất gần,” ông Trần Mạnh Thường nhớ lại.

Nỗi sợ lớn nhất khi ấy không phải là việc có thể sẽ nằm lại nơi biên viễn mà là sợ phim bị hỏng, tài liệu không thể chuyển về hậu cứ.

Ký ức ùa về như thước phim quay chậm, mở ra trước mắt người nghệ sỹ nhiếp ảnh lão làng câu chuyện của bốn thập kỷ trước. Tối 16/2/1979, ông có mặt tại huyện Hòa An (Cao Bằng).

Ông bảo, cán bộ, chiến sỹ không quá bất ngờ về cuộc đổ bộ sáng 17/2/1979 của địch nhưng đồng bào không tránh khỏi sự bàng hoàng. Trên đường sơ tán, cùng với vẻ sợ hãi trước sức tàn phá của súng đạn, nhiều người vẫn ngỡ ngàng không hiểu tại sao lại có cảnh bắn phá ác liệt, tàn khốc đến như vậy! Mới đây thôi, họ còn qua lại biên giới, mua bán, trao đổi hàng hóa… Thậm chí, nhiều gia đình hai bên biên giới còn là thông gia, họ hàng với nhau.

Trước khi ra trận địa, ông Thường chọn một chiếc áo có thật nhiều túi để đựng phim. Phim với phóng viên ảnh không khác gì súng đạn với chiến sỹ. Trong bảy ngày (từ 17/2/1979), ông di chuyển liên tục trên các trận địa: Hòa An, Trùng Khánh, Trà Lỵ, Thông Nâu… Đến 24/2/1979, ông về tới Ngân Sơn và từ đây mới có thể gửi ảnh về Hà Nội.

Khung cảnh hoang tàn tại thị xã vùng biên do nhiếp ảnh gia Mạnh Thường ghi lại vào năm 1979.

Nói rồi, gương mặt ông rạng lên: “Tới lúc phim được chuyển đi rồi, tôi mới thấy nhẹ lòng hơn một chút! Trên đường hành quân, di chuyển, tinh thần chiến đấu sục sôi của chiến sỹ, đồng bào cuốn mình đi. Nỗi sợ lớn nhất khi ấy không phải là việc có thể sẽ nằm lại nơi biên viễn mà là sợ phim bị hỏng, tài liệu không thể chuyển về hậu cứ. Trong khi đó, tôi là một trong số ít phóng viên ảnh có mặt tại chiến trường ác liệt. Khí thế quật cường của quân dân trong cuộc chiến đấu ấy cần phải được phản ánh chân thực, sinh động để đồng bào cả nước, cộng đồng quốc tế biết và có nhận thức đúng...”

Bốn sắc thái của kẻ bên kia chiến tuyến

Cẩn thận lật giở những bức ảnh đen trắng cũ kỹ, nghệ sỹ Mạnh Thường bảo: “Bây giờ, khi xem lại nhiều bức ảnh, chính tôi cũng không tin rằng, mình có thể chụp được khoảnh khắc ấy. Tôi không đặt ra mục đích cụ thể để chủ động theo dõi, quan sát và chụp theo ý đồ nhưng sau này, khi sắp xếp, phân loại tư liệu, tôi nhận thấy có mối liên hệ đặc biệt giữa nhiều bức ảnh. Ví dụ như bốn bức ảnh thể hiện bốn sắc thái tâm lý của một tên địch bị bắt làm tù binh: từ sự đau đớn cho thân phận, hắn kêu trời vì bị bắt, rồi khóc than cho thực tại và cuối cùng là cúi đầu suy ngẫm.”

Bốn sắc thái tâm lý của một tên địch bị bắt làm tù binh do nhiếp ảnh gia Mạnh Thường ghi lại.

Với kinh nghiệm phóng viên chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ, tác giả Mạnh Thường nhanh chóng thu vào tầm mắt những hình ảnh, khung cảnh đặc biệt.

“Biên viễn năm ấy lạnh lắm! Nhiều đồng bào đau đớn, rên xiết trước những đòn độc của quân thù”

“Trên những mặt trận, chiến hào, cung đường đã qua, tôi thường hướng ống kính vào những cảnh phản ánh tinh thần chiến đấu quật cường của quân dân ta, tội ác của địch cùng sự thất bại thảm hại của chúng. Cứ giơ máy tôi là tôi bấm, áng chừng với khẩu độ, ánh sáng như vậy thì sẽ thành công. Sự gấp gáp, sục sôi của chiến trận khiến người phóng viên chiến trường không còn nhiều thời gian để suy ngẫm, lựa chọn góc chụp,” ông Thường nhớ lại.

Với 20 cuốn phim, ông ghi lại được chừng 600 bức ảnh về cuộc chiến đấu kiên cường từ Thông Nông qua đèo Mã Quỷ đến Trà Lĩnh, từ Trùng Khánh qua đèo Mã Phục đến Hòa An… của quân và dân ta trong mùa Xuân 1979.

Khi ấy, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường chừng 42 tuổi. Dẫu chưa phải cao niên nhưng tuổi đời cứng cáp, kinh nghiệm làm phóng viên chiến trường đã giúp ông vững vàng hơn trong cuộc chiến nơi biên giới phía Bắc. “Nếu là một bạn trẻ lần đầu chứng kiến cảnh đồng bào bị giết, quê hương bị phá hoại thì có thể sẽ khó chắc tay máy,” tác giả Mạnh Thường chia sẻ.

Với 20 cuốn phim, ông ghi lại được chừng 600 bức ảnh về cuộc chiến đấu kiên cường từ Thông Nông qua đèo Mã Quỷ đến Trà Lĩnh, từ Trùng Khánh qua đèo Mã Phục đến Hòa An… của quân và dân ta trong mùa Xuân 1979.

Ông hướng ánh nhìn về phía xa xăm, đôi mắt ầng ậc nước. Lặng đi chừng vài phút, ông bảo: “Biên viễn năm ấy lạnh lắm! Nhiều đồng bào đau đớn, rên xiết trước những đòn độc của quân thù; xác trâu bò, lợn gà ngổn ngang; nhà cửa cháy rụi, chỉ còn lại nền đất; đến cái cối xay vô tri vô giác cũng bị chúng phá nát, tan tành… Có gia đình, xác người mẹ và ba đứa con thơ được đặt cạnh nhau… Còn gì đau xót hơn!”

“Nước uống chỉ có thể tìm thấy, múc lên từ những khe suối cạn tanh nồng. Thức ăn chỉ là cơm trộn lương khô. Quần áo không thể mặc lại sau khi trở về từ những khu vực chôn cất người ngã xuống vì ám mùi xác người phân hủy. Thế nhưng, chiến sỹ, đồng bào luôn đoàn kết một lòng, đùm bọc, nương vào nhau để vượt qua khó khăn, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng bào biên giới thương quý chiến sỹ lắm. Họ nắm cơm mang ra tận chiến hào, bất chấp hiểm nguy,” ông Mạnh Thường nhớ lại.

Nhìn lại để bước tiếp

Sau 10 ngày đầu tiên của cuộc chiến đấu, các lực lượng vũ trang Quân khu 1, Quân khu 2 và nhân dân Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc đã tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều phương tiên chiến tranh, làm chậm ý định “đánh nhanh, chiếm nhanh” của quân địch.

Miên man trong câu chuyện, ông nhớ về một kỷ niệm đẹp của thời oanh liệt. Ngày 17/2/1979, trên đường tác nghiệp, đi qua cầu Tài Hồ Sìn (Hòa An, Cao Bằng), phóng viên Mạnh Thường nhìn thấy một bé gái chừng ba tuổi ngồi khóc nức nở bên cạnh người mẹ bị thương, máu chảy ướt đầm vai áo, nằm bất động bên vệ đường. Đúng lúc đó, có một chiếc xe com-măng-ca chạy đến. Chiếc xe dừng lại, một cô bộ đội vai đeo súng vội vã lao xuống, ôm cô bé vào lòng, đưa lên xe để về tuyến sau. Người mẹ cũng được đưa đến cấp cứu tại một đơn vị quân y dã chiến gần đó.

Bức ảnh chụp cô bộ đội bế bé gái năm ấy của phóng viên Mạnh Thường sau đó được đăng tải trên một số tờ báo; trở thành một trong những biểu tượng của tình quân dân.

Bức ảnh chụp cô bộ đội bế bé gái năm ấy của phóng viên Mạnh Thường sau đó được đăng tải trên một số tờ báo; trở thành một trong những biểu tượng của tình quân dân. 37 năm sau đó, cô bộ đội (Bùi Thị Mùi) và em bé (Hoàng Thị Hiền) đã có cuộc hội ngộ cùng tác giả Trần Mạnh Thường. Ông bảo, đó là mối duyên đặc biệt của cuộc sống, số phận. Trong suốt thời gian làm phóng viên chiến trường nói chung và trong thời gian của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nói riêng, ông đã chụp rất nhiều nhân vật nhưng sau này, hầu như không có điều kiện gặp lại. họ.

“Giờ đây, cuộc sống nơi biên viễn đã yên tiếng súng, cuộc sống đã đổi khác nhưng nỗi đau của cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ tấc đất quê hương đâu đó vẫn còn. Bao gia đình đã đóng góp cho cuộc chiến đấu nhưng những hy sinh của họ chưa được ghi nhận đầy đủ. Những người bước ra từ cuộc chiến như tôi vẫn tự hỏi, 40 năm qua, những chiến công khác trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẫn được nhắc nhở nhưng tại sao âm hưởng bản hòa ca bi hùng mùa Xuân 1979 có vẻ còn nhạt trong cuộc sống hôm nay đến vậy?”, ông Trần Mạnh Thường day dứt.

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc - 40 năm nhìn lại” (do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức sáng 15/2 tại Hà Nội), trong phát biểu đề dẫn, phó giáo sư-tiến sỹ Trần Đức Cường - Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhấn mạnh: Nhắc lại quá khứ không phải nhằm khoét sâu hận thù mà chỉ nhắc lại một sự thật không thể chối bỏ về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân và dân Việt Nam.

Có cùng quan điểm trên, giáo sư Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Những người Việt Nam từng đổ xương máu để gìn giữ từng tấc đất của Việt Nam đều xứng đáng được vinh danh và được tri ân của nhiều thế hệ con cháu. Các sách giáo khoa về lịch sử, văn học và nhiều môn khoa học xã hội khác cần quan tâm đầy đủ công việc này như chúng ta từng viết về hai cuộc kháng chiến trước. Không khơi gợi hận thù song nhắc lại quá khứ để có cách ứng xử đúng đắn trong hôm nay và phòng bị cho ngày mai là điều rất cần thiết, thậm chí cấp thiết đối với sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước nhà.”./.

Theo TTXVN

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/mua-xuan-1979-ke-chuyen-chien-tuyen-bang-hinh-anh-n12356.html