Mua vũ khí trên Facebook nhận về ống cát, cây sắt

Mua vũ khí trên Facebook, nhiều người bị lừa nhận ống sắt, cát với giá hàng trăm nghìn đồng.

Cuối tháng 7, nhiều người dùng Facebook phản ánh việc họ bị một shop online có tên Peter Tran lừa đảo khi mua hàng online. Tuy vậy, những phản ánh này chỉ được đăng tải trên trang cá nhân hoặc trong các hội nhóm bởi mặt hàng trang này bán là vi phạm pháp luật.

Mua vũ khí nhận ống cát, cây sắt

Cụ thể, trang này bán cây ba trắc với giá 200.000-300.000 đồng, mức giá được cho là rất rẻ so với thị trường chợ đen. Bản chất là mặt hàng cấm nên shop Peter Tran quy định không cho kiểm hàng khi giao. Người mua chỉ có thể trả tiền sau đó mới được mở hàng.

“Tâm lý người mua sẽ không kiểm hàng trước mặt shipper vì đây là loại hàng cấm. Dựa vào tâm lý này shop Peter Tran đã giao cho người mua những sản phẩm không đúng như lời quảng cáo”, H. Hoàng, một người mua yêu cầu giấu tên nói với Zing.vn.

Mua vũ khí nhưng nhận lại cây sắt với giá 300.000 đồng.

Mua vũ khí nhưng nhận lại cây sắt với giá 300.000 đồng.

Sau khi thanh toán và nhận hàng, người mua tá hỏa khi bên không chiếc hộp dán băng keo chằng chịt với tên người gửi “Peter Tran” chỉ là một ống nhựa chứa đầy cát. Một số trường hợp khác người dùng phản ánh bên trong là một đoạn sắt 30 cm.

Chính sách quảng cáo Facebook nêu rõ, mạng xã hội này không chấp nhận hiển thị quảng cáo vũ khí... Tuy vậy, những quảng cáo này vẫn nhan nhản xuất hiện trong thời gian qua.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Zing.vn ghi nhận liên tiếp nhiều trường hợp quảng cáo vũ khí, quân trang và phản ánh với Facebook. Tuy vậy, mạng xã hội này không có biện pháp giải quyết triệt để mà chỉ xóa, gỡ đơn lẻ từng trường hợp.

Mua vũ khí và bị lừa là một trong nhiều trường hợp "kẻ cắp gặp bà già" tại Việt Nam.

Căn cứ điểm d, Khoản 9, Điều 3 của Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 quy định công cụ hỗ trợ là các loại dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai, áo giáp, găng tay điện, găng tay bắt dao, lá chắn, mũ chống đạn. Do đó gậy ba khúc hay còn gọi là dùi cui kim loại là công cụ hỗ trợ.

Căn cứ Điểm c, Khoản 5 và Điểm a, Khoản 8 , Điều 10 của Nghị định 167/2013/nđ-cp quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép và hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm.

"Trong trường hợp này, cả người mua và người bán đều vi phạm pháp luật. Đồng thời, Facebook đang vi phạm pháp luật khi để hoạt động mua bán này xuất hiện trên lãnh thổ và ảnh hưởng người dùng Việt Nam", Phan Vũ Tuấn, người đứng đầu công ty luật Phan Law Vietnam cho biết.

Không phân biệt được đâu là hàng cấm?

Thực tế, Facebook vẫn đang "bất lực" trước các mặt hàng vi phạm chính sách của mạng xã hội này. Từ các "khóa học làm giàu", thuốc Đông y, cờ bạc bịp, thuốc kích dục đến vũ khí... "giới chạy ads" (cụm từ chỉ những người làm quảng cáo trên Facebook) đều có cách lách luật, vượt qua lớp kiểm duyệt quảng cáo của mạng xã hội này.

Dùi cui kim loại được quảng cáo công khai trên Facebook.

“Tất cả sản phẩm mà nếu rao bán ngoài đời thực có thể nhận án tù thì Facebook lại cho phép quảng cáo tràn lan”, lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cho biết tại buổi họp báo về các hoạt động vi phạm pháp luật của Facebook tại Việt Nam.

Theo Facebook, mạng xã hội này đã sử dụng cả máy học và người để kiểm duyệt nội dung. Tuy vậy, những nỗ lực này chưa thật sự đem lại kết quả bởi mạng xã hội này chưa cập nhật đầy đủ những mặt hàng bị cấm theo từng quốc gia. Vì vậy, hàng cấm vẫn được rao bán tràn lan theo nhiều cách khác nhau.

Ngoài bán quảng cáo cho các trang này, Facebook cũng chưa có biện pháp can thiệp hiệu quả với công cụ tìm kiếm để ngăn chặn người dùng tiếp cận những nội dung rao bán sản phẩm. Với từ khóa "bán súng", "baton", công cụ tìm kiếm của Facebook cho ra hàng loạt kết quả liên quan đến các tài khoản bán những mặt hàng cấm này.

Chiêu thức quảng cáo hàng cấm mới

Không chỉ có quân phục và công cụ hỗ trợ, những nhà quảng cáo còn sử dụng những hình ảnh có tính biểu tượng để quảng cáo súng ống. Một số trang còn có thể chạy quảng cáo súng hơi thể thao.

Facebook vẫn chưa thể kiểm soát tình trạng súng ống rao bán tràn lan trên mạng xã hội.

"Họ sử dụng những hình ảnh, biểu tượng, liên quan đến sản phẩm. Ví dụ người quan tâm súng hơi airsoft sẽ biết loại vũ khí này sử dụng đạn bi sắt, bình gas CO2 để hoạt động. Người bán sẽ sử dụng hình ảnh liên quan đến bi sắt và bình CO2 để chạy quảng cáo sau đó kêu gọi người quan tâm ghé trang để xem các sản phẩm khác. Cách làm này cũng hiệu quả với các sản phẩm như cần sa, tiền giả...", ông Khải nói thêm.

Theo ông Khải, với cách làm này, Facebook rất khó tìm được điểm liên quan, tiếng lóng, hình ảnh biểu tượng để xét duyệt quảng cáo bằng máy. Tiếng lóng, tiếng địa phương, hình ảnh biểu tượng... thay đổi liên tục. "Nếu không cập nhật liên tục hoặc sử dụng người duyệt quảng cáo, tình trạng này sẽ vẫn còn tiếp tục", ông Khải nhận định.

Hiện Facebook vẫn chưa lên tiếng về lý do để lọt những quảng cáo hàng cấm này.

Trọng Hưng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/mua-vu-khi-tren-facebook-nhan-ve-ong-cat-cay-sat-post974197.html