'Mùa viết tình ca': Nhạc điệu của tuổi trẻ sôi nổi, đầy phóng khoáng

'Mùa viết tình ca' dù có một số đáng tiếc nhưng những người làm bộ phim này đã đem được lên màn ảnh một tuổi trẻ tràn đầy năng lượng và màu sắc tươi sáng.

Phim Việt Nam năm 2018 khá đa dạng về thể loại và đề tài, trong đó, bộ phim ca nhạc Mùa viết tình ca đã góp thêm vào bức tranh ấy một mảng màu tươi tắn. Phim khai thác về thời tuổi trẻ đầy sôi nổi và cũng không ít lỗi lầm, có nhắc đến vấn đề “đạo nhạc” trong showbiz nhưng đây chỉ là cái cớ, không phải là câu chuyện mà đạo diễn và nhà sản xuất bộ phim muốn khai thác sâu.

Chuyện phim bắt đầu từ chàng ca sĩ - nhạc sĩ nổi tiếng Bảo Trung (Issac đóng) miệt mài “cày” đơn đặt hàng, không kịp thời gian và sự sáng tạo nên đã ăn cắp ý tưởng từ người trợ lý của mình. Để tránh dư luận bủa vây ném đá, Bảo Trung về một vùng biển vắng để tìm lại Hải Mèo (Hoàng Phi) - người bạn thuở mới vào trường nhạc. Tại đây, anh lại được sống trong tìm bạn năm xưa và tìm thấy tình yêu của mình. Đến với biển vừa là hành trình mà Bảo Trung có được những cảm hứng, cảm xúc mới mẻ trong tâm hồn, vừa là dịp để anh dừng lại để suy nghĩ về những ngày tháng đã qua của mình.

Bảo Trung (Issac, bên trái) và Hải Mèo (Hoàng Phi) - hai người bạn "nối khố" năm xưa

Mùa viết tình ca thành công ở chỗ ê kíp biết rất rõ mình muốn nói điều gì và đã thể hiện được điều đó: tươi tắn, rực rỡ, nhiều năng lượng và rộn ràng âm nhạc. Bối cảnh biển xanh, thật nhiều ca khúc và ra rạp vào mùa hè… cũng là ý đồ của đạo diễn và nhà sản xuất đặt ra với bộ phim này.

Với một bộ phim âm nhạc, giám đốc sản xuất Lý Minh Thắng chia sẻ: “Chúng tôi tập trung nhất và cũng bị áp lực nhiều nhất là phần âm nhạc”. Trong vai trò sản xuất, Lý Minh Thắng nói rằng kế hoạch làm phim này là đặt viết nhạc, tìm nhạc sĩ, phòng thu, ca sĩ, làm bản thu demo… trước khi bấm máy, đi ngược hoàn toàn với các phim trước anh đã làm là quay phim xong mới tính tới nhạc phim.

15 ca khúc trong phim gồm các bài hát nổi tiếng được phối mới như Vào hạ, Con đường màu xanh, Huyền thoại người con gái và các ca khúc nhạc trẻ như Lối thoát, Mùa viết tình ca… được đặt đúng chỗ, đúng lúc và đúng nhân vật đã tạo nên nhiều cảm xúc cho khán giả.

Mùa viết tình ca có lời thoại khá tốt: đơn giản, trực tiếp, của tuổi trẻ hiện đại. Thật thích thú ở tình huống bạn trai cũ của Lam tình cờ xuất hiện đúng lúc Bảo Trung và cô ấy hôn nhau. Sau hồi cự cãi, anh chàng người yêu cũ: “Thật không ngờ em diễn một màn kịch quá hay”, Lam: “Vậy thì vỗ tay đi!”.

Hay lúc bà mẹ Hải Mèo sau một hồi kể lể thì kết luận: “Tao không biết chừng nào mầy mới nên người?” Anh chàng thốt lên: “Mà con thấy cũng không cần nên người đâu má”. Nếu bỏ một thằng bạn mà mình muốn chơi cùng để nên người thì với anh chàng chọn không cần nên người và chơi với bạn. Lựa chọn này cho ta thấy tư duy của hai thế hệ khác nhau như thế nào.

Phan Ngân (vai Lam) và Issac (vai Bảo Trung) trong một cảnh phim

Hoặc một đối đáp khá dễ thương của Bảo Trung và Lam, cô nàng: “Em đang ở trong phòng tắm đó nha”. Anh chàng: “Vậy là vô hay không vô?”.

Trừ Hoàng Phi có đài từ khá tốt khi thể hiện Hải Mèo, Issac tàm tạm và Phan Ngân (vai Lam) thì gần như chưa biết cách thoại, rất bản năng. Tuy nhiên, ngọn lửa các diễn viên thắp lên cho nhân vật mình đủ lớn nên cách họ thoại dù không tròn trịa “đúng chuẩn” vẫn đem đến cảm xúc cho khán giả chứ không đến nỗi phá nát nhân vật.

Phan Ngân - cô gái trẻ được biết đến qua chương trình truyền hình thực tế Gương mặt thương hiệu - chưa có kinh nghiệm diễn xuất nhưng nét mặt và vóc dáng cô rất hợp với nhân vật Lam. Cô đã thể hiện được cốt cách của một cô gái hoang dã, bất cần nhưng lại mềm yếu… Ngân làm cho người xem dễ chịu bởi nét diễn mộc mạc, chân phương của người chưa biết diễn chứ không cố gồng lên để diễn với những kỹ thuật diễn xuất bập bẹ học được.

Issac luôn thể hiện những phân đoạn tình cảm và hơi “hụt hơi” một chút ở những nhân vật nội tâm. Không phải anh diễn dở hơn bạn diễn của mình mà bởi vì nhân vật của anh đòi hỏi phần diễn ra nội tâm nhiều hơn.

Hoàng Phi rất hợp vai và thể hiện rất tốt Hải Mèo - anh chàng rất ngầu, rất rap, sống bản năng, tôn trọng cảm xúc của mình. Các nhân vật phụ trong phim như: mẹ Hải Mèo, ba Lam… đều khá nhạt nhòa vì không có nhiều đất diễn.

Khai thác tốt khả năng đàn hát của diễn viên Chí Tài (vai ba Lam) thì không khí âm nhạc của phim sẽ hấp dẫn hơn và khả năng diễn xuất của Chí Tài có thể cũng tốt hơn.

Người đẹp Phan Ngân của The Face 2017 đảm nhiệm vai Lam - cô gái miền biển có cá tính mạnh mẽ

Nhiều chỗ có thể xử lý tốt hơn về mặt kịch bản và kỹ thuật. Lẽ ra nên dành đất nhiều hơn để thể hiện sự mất phương hướng, những cơn stress của nhân vật Bảo Trung, khi có một khoảng thời gian lắng lại để hiểu mình hơn thì cũng là lúc anh sẵn sàng đối mặt với những sai lầm của mình và biết cách xử lý. Đó cũng là cách đánh dấu sự trưởng thành ở Bảo Trung.

Về xử lý kỹ xảo ở những cảnh chơi dù lượn của bộ phim khá phô cũng như ở phần tiếng khẩu hình của nhân vật và âm nhạc chưa khớp với nhau.

Trao đổi điều này, giám đốc sản xuất Lý Minh Thắng thẳng thắn thừa nhận: “Những thiếu sót của phim nằm ở lỗi của nhà sản xuất, đạo diễn Thắng Vũ hoàn toàn không có lỗi gì. Chúng tôi nhận kịch bản phim từ tháng 3 và ra rạp vào cuối tháng 8, Thắng Vũ đối mặt với deadline rất khắc nghiệt và gói kinh phí an toàn cho nhà sản xuất”.

Mùa viết tình ca là bộ phim điện ảnh đầu tay của Thắng Vũ. Trước đó Thắng Vũ làm đạo diễn cho các show ca nhạc, MV, dựng phim chính cho một số bộ phim của Victor Vũ, Charlie Nguyễn… và là một tay chơi nhạc, mê nhạc nên anh phần nào tự tin khi bấm máy bộ phim này.

Mùa viết tình ca có vài điều không hoàn hảo nhưng vẫn là bộ phim đáng xem vì đem đến cho khán giả sự dễ chịu bởi cảm xúc mà nó lan tỏa, bởi được làm từ nhiệt huyết của những người trẻ mà khán giả dễ dàng nhận thấy khi xem… Ở đó, khán giả lớn tuổi thấy lại được phần nào tuổi trẻ của mình và khán giả trẻ thì sẽ sống dấn thân hơn cả trong công việc và tình yêu, cho phép mình sai lầm và học cách khắc phục, đứng lên từ sai lầm.

LÂM HẠNH

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/mua-viet-tinh-ca-nhac-dieu-cua-tuoi-tre-soi-noi-day-phong-khoang-11950.html