Mùa vàng trên bản Rục

Ở giữa lưng chừng núi đá của đại ngàn Trường Sơn bỗng xuất hiện một cánh đồng lúa nước chín vàng rộm. Quang cảnh thu hoạch mùa ở vùng đồng bào Rục (Quảng Bình) mà cứ như ở đồng bằng. Mỗi người một việc để nhanh đưa lúa về nhà, tránh mưa rừng tháng 10 chực sầm sập đổ xuống. Mấy năm nay, cây lúa nước từng bước giúp người Rục biết tạo lập cuộc sống và vươn lên.

Bản Rục vào mùa lúa mới.

Bản Rục vào mùa lúa mới.

Ở giữa lưng chừng núi đá của đại ngàn Trường Sơn bỗng xuất hiện một cánh đồng lúa nước chín vàng rộm. Quang cảnh thu hoạch mùa ở vùng đồng bào Rục (Quảng Bình) mà cứ như ở đồng bằng. Mỗi người một việc để nhanh đưa lúa về nhà, tránh mưa rừng tháng 10 chực sầm sập đổ xuống. Mấy năm nay, cây lúa nước từng bước giúp người Rục biết tạo lập cuộc sống và vươn lên.

Hồi sinh một tộc người

Nhận lời lên thăm lại đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa của Ðại úy, Ðội trưởng Ðội tuyên truyền Bộ đội Biên phòng Quảng Bình Lê Ðức Trí nhưng tôi vẫn chưa yên tâm lắm. Tôi hỏi anh cặn kẽ, đường vào bản Rục xe thấp có đi được không, Hung Trâu đã bị ngập chưa, lúa bản Rục thế nào… Không phải tôi quá kỹ tính, mà bởi mùa này Quảng Bình là mùa mưa lũ, chỉ cần một trận mưa rừng là Hung Trâu trên con đường độc đạo vào vùng đồng bào Rục ngập sâu, không chỉ vài ba ngày mà có khi kéo dài hàng tháng. Ðường thành sông, Bộ đội Biên phòng phải đưa thuyền và cử tiểu đội trực ở đó giúp dân qua lại. Ðại úy Trí cười tươi: "Nhà báo yên tâm, mình hỏi anh em trên Ðồn kỹ rồi, đường rất tốt, lúa rất đẹp, được mùa nhất so với nhiều năm qua. Lên ngay đi, bà con bản Rục vui lắm".

Qua hết đèo Ðá Ðẽo trên nhánh đông đường Hồ Chí Minh chừng dăm cây số, chúng tôi rẽ theo tuyến đường bê-tông nhỏ. Mùa này, hai bên đường vào bản Rục nhiều loài hoa dại rực rỡ khoe sắc. Con đường vốn quanh co, dốc đứng nay trở nên mềm mại hơn, lãng mạn hơn. Ký ức về tộc người được phát hiện khá muộn trong cộng đồng dân tộc Việt Nam như đoạn phim quay chậm nhắc tôi nhớ về những ngày gian nan nhưng đong đầy ân tình của Bộ đội Biên phòng Quảng Bình những năm 50 của thế kỷ trước.

Theo hồ sơ của Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, giai đoạn 1958 - 1959 sau khi có thông tin "người nguyên thủy" xuất hiện ở miền tây Quảng Bình, Ðồn công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) Óc Sách cử một tổ công tác vào rừng kiểm tra sự việc. Tổ tuần tra phát hiện ra nhóm người lạ, nhưng khi thấy Bộ đội Biên phòng, họ bỏ chạy vào rừng. Giữa tháng 9-1959, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình chính thức phát hiện tung tích của những "người rừng". Bằng sự quyết tâm rất lớn của bộ đội, 34 người Rục (một tộc người của dân tộc Chứt) được đưa từ trong hang đá sâu hút giữa Trường Sơn về định cư tại xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa. Hành trình từ hang đá trở về hết sức gian nan, song vượt lên tất cả, giờ đây, đồng bào Rục đã chính thức từ bỏ lối sống du cư giữa đại ngàn, định cư tại một thung lũng giữa rừng Di sản Phong Nha - Kẻ Bàng…

Miên man trong dòng hồi tưởng, xe đưa chúng tôi dừng trước Ðồn Biên phòng Cà Xèng lúc nào không hay. Nếu ai đến lần đầu hẳn không bao giờ nghĩ có một ruộng lúa nước trên núi cao miền biên viễn. Ðiều đó cho thấy rằng, đào núi, đắp đập dẫn nước để làm ruộng ở bản Rục kỳ công đến mức nào mà chỉ có quyết tâm, trách nhiệm và tình cảm của Bộ đội Biên phòng với người Rục mới làm nên.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Mai Xuân Thu nhớ lại, những năm 2000, tỉnh đã chi tới 32 tỷ đồng cho dự án ổn định đời sống đồng bào Rục, trong đó có việc xẻ núi làm đường vào bản Ón và bản Mò O Ồ Ồ; làm nhà ở. Việc tìm nơi thử nghiệm trồng lúa nước đã được tính đến nhưng chưa làm được vì thiếu kinh phí, nhất là chưa biết giao cho cơ quan nào thực hiện. Phải tới khi Ðồn Biên phòng Cà Xèng được lệnh chuyển vị trí đóng quân từ bên nhánh đông đường Hồ Chí Minh vào ngay ở bản Rục thì chuyện cây lúa nước mới bắt đầu.

"Tác giả" và người trực tiếp chỉ đạo việc đào núi, lấp suối để làm ruộng lúa nước cho bà con người Rục chính là Ðại tá Nguyễn Văn Phúc, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình. Nhớ lại lần ông rủ tôi lên Thượng Hóa để thăm ruộng lúa người Rục. Vừa tới Ðồn, ông chưa vào thăm hỏi anh em cán bộ chiến sĩ ngay mà bỏ giày, lội xuống ruộng để xem bùn có nhão không, nước có đủ không, mạ gieo thế nào, như một cán bộ nông nghiệp tâm huyết với ruộng đồng. Cuối buổi ra về, ông dặn đi dặn lại anh em phải coi sóc ruộng lúa như là một nhiệm vụ chính trị, một mệnh lệnh xuất phát từ trái tim của người lính Biên phòng.

Ðại tá Nguyễn Văn Phúc chia sẻ, dự án xây dựng cánh đồng lúa nước Rục Làn là một quyết định đúng đắn, nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Bình. Bởi, để giúp đồng bào Rục vươn lên không chỉ bằng các chính sách hỗ trợ mà phải hướng dẫn cho người dân biết tự sản xuất để tạo lập đời sống.

Cánh đồng vàng giữa rừng Trường Sơn

Nắng sớm bắt đầu chan lên cánh đồng Rục Làn, làn sương mỏng trôi bồng bềnh rồi đậu lên từng vạt rừng già chung quanh. Rục Làn trong nắng mai bình yên đến lạ. Rục Làn trước đây là vùng đồi hoang hóa, cỏ cao quá đầu người. Sau nhiều lần khảo sát, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình quyết định biến nơi đây thành cánh đồng. Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng phải mất rất nhiều công sức để cải tạo đất, đào kênh dẫn nước, làm hàng rào bảo vệ… cho cánh đồng lúa nước hai vụ rộng gần 10 ha. Bên ruộng lúa, Bí thư Chi bộ bản Mò O Ồ Ồ Cao Tiến Thuỳnh chia sẻ, trước đây, người Rục chỉ biết làm rẫy chứ chưa bao giờ biết trồng lúa nước. Bộ đội Biên phòng làm xong ruộng, gieo giống, lúa lên tốt, mời bà con đến coi. Gặt xong lúa, phơi khô, thành gạo người dân ăn mới tin là ở bản mình trồng được lúa nước. Ðược bộ đội dạy cách làm, giờ đây người dân đã biết ngâm ủ giống, cách cầm liềm gặt rồi phơi lúa để có gạo ăn.

Sáng nay, ông Hồ Píu cùng người dân hai bản Ón và Mò O Ồ Ồ xuống ruộng gặt lúa. Dù tay cầm liềm chưa thành thạo, bông lúa còn rơi rụng nhưng ông vui lắm. Dừng tay, ông trò chuyện, năm nay vợ chồng ông bước sang tuổi 60, sáu lần sinh nở nhưng họ chỉ nuôi được một người con trai. "Hồi đó ở trong rừng, chưa có cán bộ y tế giúp đỡ cho nên trẻ sinh ra đau ốm chết nhiều. Sống nhờ con thú, cây đoác, cây măng trong rừng, khổ lắm. Ðến khi Nhà nước vận động ra định cư, được hỗ trợ nhà ở, chừ Bộ đội Biên phòng giúp trồng lúa nước. Tui được chia bốn ô, rồi Nhà nước còn hỗ trợ gạo để bảo vệ rừng nữa, không lo đói như trước" - ông Píu chia sẻ.

Cạnh thửa ruộng ông Píu là ruộng nhà anh Cao Xuân Long, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ. Hôm nay là ngày nghỉ, ba đứa con của Long cùng theo cha mẹ ra đồng gặt lúa. Nhìn mấy đứa trẻ vui đùa rồi tranh nhau vác lúa lên bờ trong lòng chúng tôi rộn lên niềm vui về sự ấm áp, thanh bình. Có thể chưa thật no đủ và nhiều khó khăn phía trước nhưng tương lai tươi sáng đang mở ra đối với thế hệ tiếp theo của người Rục. Cao Xuân Long cho biết, tối qua, nghe Bộ đội Biên phòng thông báo, sáng nay gặt lúa để tránh mưa lũ, anh dậy từ rất sớm đi một vòng quanh bản để huy động mọi người. Ai gặt xong sớm thì bộ đội tuốt lúa trước, đưa về nhà phơi sớm.

Khung cảnh gặt mùa ở bản Rục sáng nay vui như vào hội. Người già dùng liềm gặt, cánh trẻ thì vác lúa lên bờ, có nhóm dùng võng khiêng lúa để được nhiều hơn. Tiếng nói cười rộn vang vào vách đá. Trên bờ, các chiến sĩ Biên phòng kéo máy tuốt lúa cho người dân theo kiểu cuốn chiếu, gia đình nào xong thì đóng lúa vào bao, chở bằng xe máy về nhà. Ðại úy Bùi Văn Hải, Ðội trưởng Ðội vận động quần chúng, Ðồn Biên phòng Cà Xèng vừa chỉ đạo thu hoạch lúa nói với tôi trong ầm ầm tiếng máy tuốt: "Nhờ sự hướng dẫn của bộ đội, bây giờ bà con đã biết làm một khâu đơn giản như be bờ, ngâm ủ giống, gặt lúa, còn các khâu khó như làm đất, kiểm tra sâu bệnh… thì bộ đội hỗ trợ. Kể cả khi chở lúa về, bộ đội cũng phải đến từng nhà, hướng dẫn và kiểm tra việc hong phơi lúa, nếu không có người về bỏ cho lúa mọc mầm rồi lên báo với bộ đội sao lúa mọc trong nhà".

Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa Ðinh Thanh Văn chia sẻ, việc đưa cây lúa nước và cánh đồng Rục Làn đến với đồng bào Rục là một cuộc "cách mạng", giúp đồng bào xóa đi sự tự ti, ỷ lại, tiếp cận cách sản xuất mới để vươn lên trong cuộc sống. Hiện, bản người Rục có 73 hộ trồng lúa hai vụ. Năm nay thời tiết thuận lợi, cùng với việc giúp đỡ chăm sóc chu đáo của Bộ đội Biên phòng nên năng suất lúa đạt 4,5 đến 5 tấn/ha, cao nhất từ trước đến nay. Nhờ vậy, người dân đã chủ động được nguồn lương thực trong cả năm, không còn đứt bữa như trước. Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Cà Xèng, Thượng tá Trần Ðình Tứ, người gắn bó phần lớn đời binh nghiệp với miền biên cương phía tây của Tổ quốc, có cái nhìn thực tế hơn. Dù sản lượng lúa từ cánh đồng Rục Làn chưa nhiều để bảo đảm lương thực cho hơn 150 hộ nhưng quan trọng là hướng dẫn cho người Rục biết cách trồng lúa để tạo lập cuộc sống và vươn lên.

Gần 60 năm qua kể từ ngày bước ra từ hang đá, người Rục được Ðảng, Nhà nước quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ mọi mặt để phát triển, xóa đi mặc cảm lạc hậu và khó khăn. Hơn ai hết, người Rục cảm nhận được ân tình của cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Cà Xèng trên hành trình giúp họ hòa nhập cộng đồng, nhất là việc đưa cây lúa nước đến với dân bản.

Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38136102-mua-vang-tren-ban-ruc.html