Mùa vàng bên mái Giăng Màn

Hằng năm, khi tiết trời se lạnh, hoa lau nở trắng khắp núi rừng Trường Sơn, cũng là lúc cây lúa rẫy của đồng bào người Khùa, người Mày ở 2 xã biên giới Dân Hóa và Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình chín rộ, óng vàng bên mái Giăng Màn.

Vào mùa thu hoạch lúa rẫy, tất cả các thành viên trong gia đình đều phải lên rẫy để thu hoạch

Vào mùa thu hoạch lúa rẫy, tất cả các thành viên trong gia đình đều phải lên rẫy để thu hoạch

Tinh chất của trời đất
Phía Đông dưới chân dãy núi Giăng Màn cao chót vót, chia đôi biên giới Việt - Lào là những bản làng của người Khùa, người Mày. Dù thế giới đã bước vào thời đại công nghệ 4.0, nhưng với hai tộc người thiểu số này, họ vẫn giữ nguyên phương thức sản xuất “phát - đốt - cốt - trỉa” từ thủa hồng hoang. Và một mùa lúa rẫy nữa lại về, khắp các bản làng đang nhộn nhịp thu hoạch.
Nhìn gia đình 4 người của anh Hồ Xinh đứng chênh vênh bên vách núi, cẩn thận dùng tay tuốt từng hạt lúa cho vào gùi, những kẻ “ngoại đạo” như chúng tôi không khỏi thắc mắc. Hỏi sao không dùng liềm gặt, gánh về nhà rồi dùng máy tuốt cho nhanh? Anh Xinh nói như đinh đóng cột: “Không thể được”.

Theo anh Xinh, lúa rẫy là nguồn lương thực chính từ hàng ngàn năm nay của đồng bào nơi đây. Mỗi vụ mùa lúa rẫy kéo dài khoảng nửa năm từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch. Để chuẩn bị cho một mùa lúa rẫy, thường lệ cứ ra Tết Nguyên đán, là người dân lại lên núi chọn cho mình những khoảnh rừng ít đá sỏi nhất, bắt đầu dùng rựa để phát hoang dây leo, bụi rậm. Chờ những thứ chặt phát xuống khô khan thì châm lửa đốt.

Khi những khoảnh rừng thành hình hài của nương rẫy, họ bắt đầu gieo giống. Lúa rẫy là một giống cây bản địa không nơi nào có, nên mỗi nhà phải tự cất giữ giống cho mình để duy trì mùa sau. Vào mùa gieo hạt, hai người đi trước, dùng cây vót nhọn thọc xuống đất, một người theo sau nhón từng hạt lúa cho vào lỗ, rồi lấy chân lấp đất lại.

Trồng lúa rẫy không cần cày xới, không cần tưới tiêu… tất cả nhờ vào những giọt sương đêm và những cơn mưa rừng để hạt nảy mầm, sinh trưởng cho đến ngày thu hoạch. Theo quan niệm của người Khùa, người Mày, cây lúa rẫy sống được là nhờ hấp thu tinh chất của trời đất, có linh hồn của thần lúa, của ông bà, tổ tiên trú ngụ trong đó. “Lúa rẫy phải dùng tay tuốt vì nếu dùng dao hay liềm cắt rồi về dùng máy tuốt hay đập lấy hạt thì sẽ làm đau thân lúa, đau hạt lúa, linh hồn của thần lúa, của cha ông cũng sẽ bị đau nên mùa sau sẽ không còn cho hạt nữa” - anh Xinh giải thích.

Ở mỗi rẫy lúa đều có một cái chòi làm từ cây lá ven rừng. Cái chòi này không phải dùng để canh giữ mà là để nghỉ ngơi mỗi lần vào thăm rẫy và làm nơi chứa lúa sau mỗi vụ thu hoạch. Ngồi bên đống lúa có đến hàng tạ trong cái chòi nhỏ của mình, chị Hồ Thị Bông hồ hởi khoe “Năm nay nhà mình phát 2 rẫy lúa. Vụ ni được mùa to. Mình bắt đầu tuốt những bông lúa chín từ ba ngày trước, được 10 gùi rồi. Trên rẫy còn nhiều lúa lắm, năm nay cả nhà mình no cái bụng rồi”.
Xuyên qua những rẫy lúa cao đến khuất đầu người đã ngả màu vàng óng, những bông lúa trĩu hạt, no tròn đong đưa theo gió nối liền nhau bên sườn núi, chúng tôi tìm đến bản Cha Cáp. Nhà ông Hồ Mai đang tổ chức lễ cúng cơm mới. Ông mời chúng tôi dùng bữa cơm lúa mới cùng với bát canh măng rừng nấu theo cách truyền thống của người Khùa. Hạt cơm của lúa rẫy có lớp vỏ bọc màu thẫm, lớn gấp đôi hạt cơm lúa nước nhưng lại vừa bùi, vừa béo, vừa thơm. “Gạo của dân bản làm ra chỉ để dùng không bán. Người dưới xuôi lên tìm mua nhiều lắm, họ nói gạo sạch nên đắt gấp mấy lần gạo lúa nước cũng mua nhưng không ai bán. Người nào mà quý lắm thì chỉ tặng vài cân thôi” - ông Mai nói.

Cho lúa rẫy vào bao để mang về

Có một nền văn minh lúa rẫyTheo các bậc cao niên, đối với đồng bào người Khùa, người Mày, cây lúa rẫy không chỉ đơn thuần là một cây lương thực chủ lực để duy trì cuộc sống, mà nó còn ẩn chứa một nền văn minh cũng không thua kém gì nền văn minh lúa nước ở đồng bằng. Lúa rẫy cũng có lịch thời vụ, cũng có cách thức canh tác riêng và các lễ hội cầu cho mưa thuận gió hòa, biết ơn trời đất…Lịch sản xuất lúa rẫy của đồng bào người Khùa, người Mày lặp đi lặp lại theo một chu kỳ như hình thức của lịch nông nghiệp. Cứ vào tháng 5 họ bắt đầu gieo hạt và đến đầu tháng 10 là thu hoạch. Để cây lúa phát triển tốt, các tộc người bản địa biết luân phiên 3 năm phát một lần rẫy. Theo họ, đất mới bao giờ cũng có chất dinh dưỡng nhiều hơn. Đặc biệt, tàn tro của dây leo, bụi rậm rất hợp với cây lúa rẫy. Tuy nhiên, hiện nay việc phá rừng làm nương rẫy đã bị hạn chế, người dân chỉ được phép phát rẫy ở những vùng đất mà kiểm lâm và chính quyền địa phương cho phép.

Từ xa xưa, lao động sản xuất đảm bảo cuộc sống chủ yếu của người Khùa, người Mày dựa vào việc phát rẫy, làm nương. Một mùa rẫy, được họ ghi nhớ như một năm. Đây là nguồn gốc mà đồng bào người Khùa, người Mày thường tính tuổi của mình dựa vào số mùa lúa rẫy.
Già làng Hồ Xăng (80 tuổi) ở bản Cha Cáp, xã Trọng Hóa cho biết, mỗi mùa lúa rẫy, đồng bào người Khùa, người Mày có ba lần cúng Giàng: Lần một là lúc bà con bắt đầu phát rẫy; lần hai tổ chức vào lúc gieo giống và lần ba vào lúc thu hoạch. Cả ba lễ cúng này đều được cộng đồng tổ chức, già làng là người chủ lễ. Mục đích của lễ cúng là để tạ ơn Giàng, các vị thần linh và cầu xin thần linh ban cho mùa màng tốt tươi, con chim, con chuột không phá hoại cây lúa của dân bản.
Theo già làng Hồ Xăng, trồng cây lúa rẫy rất đỗi gian truân và cũng chẳng thể đem lại nguồn lương thực đủ nuôi sống gia đình, nhưng đến nay người Khùa, người Mày vẫn làm lúa rẫy. Đó không chỉ là công việc duy trì một hình thức sản xuất có từ lâu đời của tổ tiên để lại, mà còn là cách mà đồng bào giữ gìn, trân quý một nét văn hóa nông nghiệp, một nền văn minh lúa rẫy riêng có của mình.

Ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết: Năm nay bà con người Khùa, Mày ở 18 bản trong toàn xã sản xuất được khoảng 70 ha lúa rẫy. Nhờ mưa nhiều nên lúa rẫy của bà con được mùa, năng suất ước đạt gần 30 tạ/ha, cá biệt có nhiều rẫy lúa đạt 35 tạ/ha.

Hoàng Nam

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/mua-vang-ben-mai-giang-man-1346691.tpo