Mùa vải cỏ

Đàn chim lại về đây, tung đôi cánh tự do trên bầu trời ngập tràn nắng vàng và mây trắng. Buổi trưa, đám trẻ chúng tôi lại thổi kèn lá chuối báo hiệu cho nhau ra gốc vải chơi trò cô dâu, chú rể.

Và ngõ làng thân thuộc chợt trở nên nhộn nhịp hơn khi một đứa phát hiện ra chùm vải chín đung đưa đầy mời gọi.

Nhắc đến vải, người ta thường nghĩ ngay tới Thanh Hà, Lục Ngạn, Đông Triều. Quê tôi không phải là vùng đất nổi tiếng về cây vải. Nhưng đối với lũ trẻ chúng tôi, giống vải cỏ trái nhỏ, hạt to mọc dọc hai bên ngõ luôn mang đến một niềm háo hức đợi chờ mỗi khi tiếng chim xôn xao gọi mùa hạ tới. Chán trốn tìm hay chọi dế, chúng tôi ngồi dưới những tán vải chơi đồ hàng, dùng lá làm tiền, hái trái non bé xíu xiu làm một món trang sức xa xỉ. Tụi con gái đã không giỏi trèo cây lại còn ưa nũng nịu. Đôi khi, chúng đỏng đảnh đòi tụi con trai leo tít lên ngọn cao tìm cho bằng được một chùm hoa vải mơ vàng còn sót lại để kết thành từng chiếc vương miện lung linh đem đội lên tóc rối điệu đà. Phải công nhận rằng, đứa con gái nào dẫu da đen nhẻm mà được đội cái vương miện hoa vải thần kỳ ấy vào trông cũng rạng ngời như một nàng công chúa đi lạc từ miền cổ tích ngày xưa, ngày xửa. Nếu tụi con trai làm trái “mệnh lệnh” hoặc bói chẳng ra hoa, thể nào cũng có đứa xụng xịu dỗi hờn: “Đã thế thì tao không thèm làm cô dâu, để mày không được làm chú rể!”.

Minh họa: Quế Anh.

Tầm giữa hè là vào mùa vải chín. Lúc này, tán vải đã trở thành mái nhà xanh của chúng tôi. Từng chùm vải trĩu trịt hồng tươi cứ đung đưa trong gió như thách thức. Tụi con trai như những chú khỉ thoăn thoắt trèo từ cành này, vươn sang cành khác hái trái “cống nạp” cho bọn con gái. Chẳng hiểu sao cứ đến mùa vải chín là chúng lại dịu dàng, nết na quá thể. Không ngọt lịm như vải thiều, vị chủ đạo của vải cỏ quê tôi là vị chua. Ăn xong rồi mới thấy chút ngòn ngọt vấn vít nơi đầu lưỡi. Ấy vậy mà cứ tranh nhau ăn rất ngon lành. Có đứa ăn nhanh đến mức cắn trúng trái bị sâu mà không hề hay biết. Lại có đứa lỡ mồm nuốt phải hạt vải trơn tru. Cả đám xúm lại lo lắng rằng sau một giấc ngủ dài, sáng mai thể nào một mầm vải non sẽ mọc lên trên đầu đứa bạn. Nó cứ ôm cổ khóc lóc làm chúng tôi cũng vô cùng hoảng sợ. Rồi chúng tôi càng an ủi, nó lại càng gào khóc to hơn làm mẹ tôi đang vá áo trong nhà cũng phải chạy ra xem có chuyện gì.

Ngày hôm sau, khi đứa bạn lấp ló xuất hiện, cả đám chạy ùa lại, việc đầu tiên là tò mò sờ lên tóc nó xem thử mầm vải đã mọc trên đầu nó hay chưa? Mọi thứ chẳng có gì thay đổi. Thế là chúng tôi lại hồn nhiên leo trèo vít cành hái trái. Luôn muốn chứng tỏ mình là thủ lĩnh trong nhóm, bao giờ tôi cũng cố vươn đến những cành xa để hái bằng được mấy chùm trái căng mọng nhất ném xuống cho bọn con gái đang nghiêng đầu thắc thỏm chờ mong. Có hôm, vì mải mê “chinh phục” một chùm vải, tôi bị đàn ong vò vẽ từ cái tổ lớn trên cành chót lao ra đốt khắp người. Phen ấy, tôi lên cơn sốt rét giữa mùa hè nóng nực. Kể từ đó, bố mẹ cấm tôi bén mảng ra gốc vải vào ban trưa. Bao lần nghe tiếng kèn lá chuối vang lên tò tí te, lòng tôi lại nôn nao đến khó chịu. Nhưng sợ bị mẹ đánh đòn, tôi chỉ dám thập thò nhìn qua cửa sổ đầy tiếc nuối. Thi thoảng, lũ bạn lại lén lút mang từng chùm vải chín lựng vào “tiếp viện” cho tôi. Như chú chim bị nhốt trong lồng, tôi muốn sải cánh bay thỏa thích…

Kết thúc mùa vải, từ những hạt nhỏ chúng tôi vứt lăn lóc ven đường, mầm vải non mọc lên lấm tấm. Tôi nhổ một cây về trồng bên giếng khơi. Năm tháng trôi đi, cành vải sum suê tỏa tròn bóng mát. Mỗi lần tôi về quê, nhìn tôi gầy nhẳng đi vì việc học, mẹ thường nói đùa: “Con gắng ăn nhiều để lớn nhanh cho bằng cây vải”.

Tản văn của PHAN ĐỨC LỘC

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mua-vai-co-543819