Múa trống đôi - nét văn hóa của người Chăm H'roi

Múa trống đôi là một nét văn hóa độc đáo trong đời sống, sinh hoạt văn hóa của người Chăm H'roi. Thông qua âm thanh, nhịp điệu, tiết tấu những điệu trống, họ có thể trao gửi tâm tư, tình cảm, khát vọng và kết nối cộng đồng, quá khứ, hiện tại, tương lai.

Trống đôi, hay còn được gọi là Chigưl là nhạc cụ thuộc họ màng rung có từ lâu đời của người Chăm H’roi ở huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định; huyện Đồng Xuân, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Gọi là trống đôi vì trống luôn được diễn tấu theo cặp gồm trống đực và trống cái. Loại nhạc cụ này được dùng khá phổ biến trong đời sống văn hóa của người Chăm H’roi.

Múa trống đôi được người Chăm H’roi sử dụng khá phổ biến trong các lễ hội

Múa trống đôi được người Chăm H’roi sử dụng khá phổ biến trong các lễ hội

Trong những lễ hội quan trọng như: Lễ cưới, lễ mừng sức khỏe…, trống đôi là nhạc cụ đi liền với dàn cồng ba và chiêng năm được chủ thể văn hóa diễn tấu. Nghi thức này là sự khẩn cầu thần linh, gửi gắm lòng biết ơn và những khát vọng về cuộc sống ấm no, bình an và khỏe mạnh. Âm vang của tiếng trống còn là sự kết nối cộng đồng, hóa giải những khúc mắc, bất hòa. Mặt khác, trống đôi còn thường được đem ra thi tài giữa các trai làng với nhau như là môn thể thao nghệ thuật hay vui văn nghệ.

Trống đôi thường được đem ra thi tài giữa các trai làng với nhau

Sự sáng tạo đặc biệt của người Chăm H’roi khi diễn tấu trống trước hết là việc tạo ra âm thanh từ cách dùng 4 đầu ngón tay, bàn tay để vê, vuốt trên bề mặt trống, tạo ra các âm sắc và tiết tấu phức tạp chứ không bằng dụng cụ dùi hay đùi trống. Giai điệu của trống đôi là tập hợp những chuỗi tiết tấu ngẫu hứng, không giới hạn. Bằng trống đôi, người diễn tấu có thể truyền cho nhau những ký hiệu biểu cảm của âm thanh từ nhịp trống như những lời tâm tình, trò chuyện. Do đó, nghệ thuật múa trống đôi đòi hỏi phải là một cặp diễn tấu ăn ý và hiểu ý nhau, tiết tấu, nhịp điệu và âm thanh được tạo ra phải nhịp nhàng, uyển chuyển, tung hứng cho nhau. Trống này ngừng, trống kia đánh, trống này chậm rãi, trống kia đánh dồn dập… như một cuộc đối thoại của hai người bạn. Múa trống đôi cũng có nghĩa là trò chuyện, tâm tình cùng nhau. Nghe hai người đánh trống đôi, người ta có thể cảm nhận được tình cảm vui, buồn hay nhớ nhung, giận hờn, trách móc…

Các động tác múa ăn ý, nhịp nhàng

Múa trống đôi không dễ, khi trình diễn cặp nhạc cụ này, người ta còn thực hiện các động tác múa rất độc đáo. Người diễn tấu đứng đối diện nhau, trống được đeo nằm ngang trước bụng. Trong khi chân nhún nhảy theo nhịp, hai tay người chơi trống vỗ vào mặt trống liên hồi, hai người múa trống đôi cùng nhau phải tạo sự ăn ý, nhịp nhàng. Người diễn tấu ngoài sự khéo léo, khả năng thẩm âm tốt, cần phải có sức khỏe và sự dẻo dai, bền bỉ để tạo nên những âm thanh mạnh mẽ, tiết tấu linh hoạt.

Khánh Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mua-trong-doi-net-van-hoa-cua-nguoi-cham-hroi-132823.html