'Mưa trên phố Huế' - bài hát hay nhất về Huế

Theo tôi, đây là bài hát hay nhất liên quan đến thành phố cố đô. Những chất liệu hò mái nhì, mái đẩy được tác giả xử lý vô cùng nhuần nhuyễn mà không dễ người sáng tác nào cũng có thể đạt được...

Trước hết, tôi phải có lời xin lỗi ngay, nhất là với những tác giả cũng có ca khúc hay về Huế. Nhiều lắm. Cũng như Hà Nội, Huế là mảnh đất thứ hai có nhiều bài hát hay mà không nơi nào trên đất nước ta có được. Những “Nhớ về quê mẹ” (Vân Đông), “Huế - Tình yêu của tôi” (Trương Tuyết Mai), “Huế thương” (An Thuyên), “Sông Hương quê mình” (Văn An)… và rất nhiều bài hay khác của các tác giả sống ở miền Nam trước ngày thống nhất đất nước, không thể kể hết. Nhưng theo ý riêng tôi, “Mưa trên phố Huế” của Minh Kỳ là hay nhất, rõ chất Huế nhất.

Sau ngày 30-4-1975, tôi có dịp vào công tác ở Huế và sống ở cố đô 2 tuần. Đó là lần đầu tiên tôi được đặt chân tới “xứ mơ màng, xứ thơ”. Từ xưa, Huế vẫn hiện ra trong tôi những gì mỹ lệ, thơ mộng nhất với sông Hương phẳng lặng bên núi Ngự Bình, với những cô gái dịu dàng vận áo tím, đội nón bài thơ. Lần ấy, tôi đã tận mắt mục kích vẻ đẹp kiều diễm nên thơ của Huế mà trước đó không câu thơ, áng văn nào lột tả hết được. Nhưng có một thứ tôi chưa được biết về Huế: Mưa. Chao ôi! Mưa ở Huế mới đặc biệt làm sao, chẳng giống ở bất cứ nơi nào. Nó không ào ào, xối xả và chớp nhoáng khẩn trương mà cứ dầm dề miên man, có khi cả tuần, cả tháng.

Cố nhạc sỹ Minh Kỳ.

Cố nhạc sỹ Minh Kỳ.

Ở Huế 2 tuần, tôi nhớ Hà Nội da diết, bèn nảy ý nghĩ sáng tác một bài hát về Huế, nói đến cái mưa ở đây, để qua đó gửi gắm nỗi niềm về một đôi mắt ở xứ Bắc. Một chiều mưa khiến tôi không thể ra khỏi khách sạn. Thế là tôi mơ màng tìm tứ nhạc. Đang loay hoay với những nốt nhạc đầu tiên thì bỗng ở phòng bên vang lên một bài hát đậm chất Huế. Tôi chăm chú lắng nghe: “Chiều nay mưa trên phố Huế, kiếp giang hồ không bến đợi mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài cho lòng nhớ ai...”.

Ngay câu nhạc đầu tiên đã cuốn hút và gây cho tôi ấn tượng đặc biệt. Tôi lại lưu ý đến chi tiết: Người nhạc sĩ nào đó đã nói đến cái “kiếp giang hồ”. Thế là tôi mạnh dạn sang ngỏ lời nghe nhờ bài hát ở phòng bên. Chủ nhân chiếc máy cát-xét nói với tôi bằng giọng Nam Bộ (anh ta là khách Sài Gòn ra Huế công tác): “Anh ở ngoài Bắc chắc không biết bài này. Đó là bài “Mưa trên phố Huế” của Minh Kỳ, một nhạc sĩ sống ở trong này. Tụi tôi rất khoái bài này, hầu như không ai không biết...”.

Tôi nghe đi nghe lại bài hát tới cả chục lần vẫn không chán. Và thế là tôi quyết định buông bút không sáng tác về Huế nữa, nhất là lại viết về mưa, vì bài hát quá đặc sắc. Tôi tự nhủ mình có cố gắng cũng không thể viết được bài hay hơn về mưa Huế. Tôi thầm bái phục tác giả Minh Kỳ - người mà trước đó tôi chưa hề nghe tên.

Bài hát nghe lần đầu đã thấy rất hay, càng nghe càng thích thú hơn. Thường thì cái gì khiến ta háo hức phút đầu, về sau dễ chóng nhạt, “Mưa trên phố Huế” đã không rơi vào thông lệ đó. Nhắm mắt lại mà nghe, giai điệu bài hát gây cho ta cảm giác mưa liên miên, vô hồi, không to, nặng hạt nhưng rả rích, giăng mắc mọi không gian, không chừa ra một chỗ nào và mưa như tấm màn chụp lên người ta. Ta cảm thấy sốt ruột đến não nề trước cái mưa ở Huế, mưa như chưa bao giờ được mưa.

Thiên nhiên cố tình giam hãm con người trong những căn nhà để nhìn qua cửa sổ mà ngao ngán! Nhưng sao lại liên quan gì đến cái “kiếp giang hồ” đây? Hóa ra bài hát tả cơn mưa nơi cố đô thông qua cái nhìn của một cô gái giang hồ. Mạch liên tưởng khiến tôi nhớ đến bài thơ “Tiếng hát sông Hương” của cố nhà thơ Tố Hữu, một bài thơ nổi tiếng mà bất cứ ai yêu thơ cũng không thể không biết:

“Trăng lên trăng đứng trăng tàn
Đời em ôm chiếc thuyền nan xuôi dòng
Thuyền em rách nát,
Mà em chưa chồng...”

Những cô gái giang hồ trên sông Hương từng vào thơ của Tố Hữu, rồi lại vào nhạc của Minh Kỳ. Cũng hóa ra cuộc đời các cô ủ ê, não nề, quẩn quanh, tù đọng như những trận mưa dai dẳng trên cố đô vậy. Nhưng để ý nghe kỹ, ta thấy nhạc sĩ không có ý miêu tả bằng lời lẽ cụ thể những điều trên mà còn tỏ ra trìu mến, đồng cảm với những kỷ niệm tâm hồn rất đẹp của họ: “Chiều mưa trên kinh đô Huế. Tiếng mưa còn vương kỷ niệm, ngày quen nhau dưới chân Thiên Mụ anh còn nhớ không?”. Kỷ niệm êm đềm quyện trong mưa nơi cố đô, khiến cô thấy cô đơn: “Ngày xưa mưa rơi thì sao, bây chừ nghe mưa lại buồn, vì tiếng mưa trong lòng làm mình cô đơn”.

Bài hát được viết ở thể 3 đoạn (Dạng ABÁ) tạo nên cảm giác luẩn quẩn ngưng đọng những ngày tháng cô đơn của con người. Những mô-típ giai điệu và tiết tấu được nhạc sĩ triệt để mô phỏng, tái hiện đã đóng vào cảm nhận người nghe ấn tượng hết sức hàm súc, đậm đà.

Theo tôi, đây là bài hát hay nhất liên quan đến thành phố cố đô. Những chất liệu hò mái nhì, mái đẩy được tác giả xử lý vô cùng nhuần nhuyễn mà không dễ người sáng tác nào cũng có thể đạt được. Cũng có người nói rằng bài này có phần “mô-nô-tôn” (đơn điệu) vì không có điểm nhấn, không có chỗ nào gọi là “cao trào”. Đó là một đòi hỏi máy móc, kém thuyết phục. Hẳn là Minh Kỳ biết rõ những điều đó. Nhưng tạo nên một giai điệu có vẻ phẳng lặng, miên man lại chính là sự cố ý của tác giả nhằm biểu hiện cái mưa rả rích, dầm dề, gây nên sự sốt ruột cho con người - cái mưa chỉ Huế mới có. Đó chính là thành công đặc biệt của tác giả. Vấn đề là người nghe không thấy nhàm chán. Ngược lại, nghe mãi vẫn thích bởi giai điệu rất đậm hình tượng, ngọt ngào và sinh động với ca từ giản dị, dễ hiểu mà rất thơ.

Liên quan đến bài hát này, tôi nhớ mãi một chuyện: Đó là khoảng năm 1992, tôi mới chuyển về đứng đầu một cơ quan văn hóa ở Hà Nội. Trong một hội diễn văn nghệ quần chúng của Thủ đô, có một nữ diễn viên hát “Mưa trên phố Huế”.

Giọng em rất hay, truyền cảm, không thua kém nhiều ca sỹ chuyên nghiệp. Tôi cho điểm 10/10. Nhưng các giám khảo khác chỉ cho đến 8. Cuối cùng em chỉ được Huy chương Bạc mặc dù hát hay nhất Hội diễn. Lý do là vì các vị đã cho rằng em không tuân thủ quy định của Ban tổ chức, thậm chí còn nói em hát “nhạc vàng” ở miền Nam trước đây. Có vị còn không cho điểm để hỏi lại Ban tổ chức về trường hợp “đặc biệt” này.

Hồi đó – và hình như bây giờ cũng vẫn còn như vậy – các kỳ Hội diễn văn nghệ, đặc biệt là ca nhạc luôn có một quy định thành văn: “Khuyến khích diễn viên hát những sáng tác về Tổ quốc, Đảng, Bác Hồ”. Tôi nói với các vị giám khảo là khuyến khích các đề tài trên, không có nghĩa là loại bỏ các bài khác và dù khuyến khích đề tài cũng vẫn phải thượng tôn tính nghệ thuật. Vả lại bài “Mưa trên phố Huế” nằm trong danh mục được phép hát ở mọi nơi. Hồi đó, tuy đã bước sang thời kỳ đổi mới được mấy năm nhưng định kiến ở thời duy ý chí cũ vẫn còn nặng nề.

Bây giờ thì “Mưa trên phố Huế” đã trở nên quá quen biết đối với công chúng khắp cả nước. Không ca sỹ hát dòng dân gian nào lại không tìm đến bài này.

Lần đầu tôi vào Huế dịp ấy là khoảng tháng 7-1975. Quá thích thú bài hát này, tôi định bụng đến khi vào Sài Gòn phải tìm cách gặp bằng được tác giả mình rất ngưỡng mộ này. Nhưng tôi chưa kịp thực hiện được thì chỉ sau đó không lâu, nghe tin Minh Kỳ đã qua đời. Lúc này ông mới ở tuổi 45, còn quá trẻ khi sức sáng tạo đang ở vào thời kỳ sung mãn nhất.

Bài hát quá quen thuộc, nhưng tác giả thì không mấy người ở phía Bắc đã biết rõ. Minh Kỳ có tên khai sinh là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, sinh năm 1930 tại Nha Trang, nhưng quê ở Huế. Ông là cháu 5 đời của vua Minh Mạng, có vai vế ngang với Bảo Đại. Năm 1952, ở tuổi 22, ông đã lấy vợ rồi liên tiếp sinh ra 9 đứa con. Năm 1959, ông đưa vợ con từ Nha Trang vào sinh sống tại Sài Gòn, lập các ban nhạc, sáng tác và biểu diễn trên các sân khấu. Có những năm tháng ông phụ trách Ban Âm nhạc của cảnh sát Sài Gòn nên sau ngày 30-4, phải đi cải tạo tập trung ở Biên Hòa. Tại đây, vào ngày 31-8-1975, một tai bay vạ gió đến khiến ông không qua khỏi tai nạn.

Ngoài ca khúc “Mưa trên phố Huế”, Minh Kỳ còn là tác giả của nhiều bài nổi tiếng khác được công chúng vô cùng hâm mộ như “Thương về xứ Huế”, “Xuân đã về”, “Người em Vĩ Dạ”, “Đà Lạt hoàng hôn”, “Nhớ Nha Trang”…

Giờ đây, có dịp đến Huế, nếu vào bất cứ tiệm cà phê hay khách sạn nào, bạn sẽ luôn được nghe “Mưa trên phố Huế”. Nếu giữa những ngày mưa, bạn sẽ lại càng cảm nhận được hết sự thú vị của bài hát này.

Nguyễn Đình San

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/mua-tren-pho-hue-bai-hat-hay-nhat-ve-hue-597879/