Mưa to ở nhiều nơi giúp Đồng bằng sông Cửu Long giải nhiệt

Mưa không chỉ giải nhiệt oi bức sau nhiều ngày nắng nóng, còn giúp giảm nhẹ tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang gay gắt ở khu vực này.

Mưa lớn ở thành phố Long Xuyên (An Giang) ngày 13/4. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Mưa lớn ở thành phố Long Xuyên (An Giang) ngày 13/4. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Từ sáng 13/4, tại nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long bất ngờ xuất hiện mưa to. Mưa không chỉ giải nhiệt oi bức sau nhiều ngày nắng nóng, còn giúp giảm nhẹ tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang gay gắt ở khu vực này.

Tại thành phố Cần Thơ, khoảng gần 9 giờ ngày 13/4, trận mưa rào đầu tiên xuất sau nhiều tháng trời nắng nóng và khô hạn đã làm cho nhiều người dân phấn khởi và ví như "cơn mưa vàng giải hạn."

Mưa to, nặng hạt đã làm cho nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố thuộc quận Ninh Kiều bị ngập cục bộ. Đến chiều 13/4, tuy mưa đã ngớt nhưng vẫn còn rả rích, chưa tạnh hẳn.

Theo Đài Khí tượng thủy văn thành phố Cần Thơ, lượng mưa đo được tại quận Ninh Kiều vào lúc 11 giờ ngày 13/4 là hơn 43 mm, có thể xem là mưa to. Bên cạnh đó, nhiều quận, huyện trên địa bàn Cần Thơ cũng có mưa, như Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Cờ Đỏ.

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn thành phố Cần Thơ cho biết, cơn mưa tại Cần Thơ là mưa trái mùa do vẫn đang trong thời điểm cuối mùa khô. Nguyên nhân là do đang có một nhiễu động thời tiết tồn tại trên khu vực Nam Bộ. Đợt mưa này được dự báo kéo dài 3-4 ngày, đến 16/4. Do mưa vào thời điểm sau nhiều ngày nắng nóng nên cần đề phòng giông, sét, lốc xoáy cục bộ.

Cũng theo ông Hải, mùa mưa năm 2020 sẽ trễ hơn trung bình nhiều năm một chút, bắt đầu vào giữa tháng 5 tới. Đặc biệt, sẽ có mưa nhiều trên diện rộng trong khoảng 10 ngày giữa tháng 5.

Trong khi đó, tại các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang…, cũng có mưa kéo dài từ 30 phút đến vài giờ. Mưa phủ rộng khắp nhiều tỉnh, thành phố giúp cho hàng trăm ngàn hecta cây ăn trái, rau màu, thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long không còn bị khô hạn, thiếu nước.

Ông Tăng Thương, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu cho biết, mưa xuất hiện tại khu vực này vào lúc hơn 10 giờ ngày 13/4, kéo dài khoảng 1 tiếng thì dứt. Cũng như nhiều địa phương khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu không có mưa từ nhiều tháng qua. Cơn mưa đã giúp bổ sung thêm nguồn nước, tưới mát cho cây trồng, đồng thời làm thời tiết dịu mát, dễ chịu hơn.

Theo bản tin phát lúc 15 giờ 30 ngày 13/4 của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, hình ảnh mây trên vệ tinh cho thấy mây đối lưu đang phát triển trên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, nhiều nơi có mưa vừa đến mưa to.

Do ảnh hưởng của hội tụ gió trên cao tồn tại trên khu vực nên trong đêm 13, ngày 14/4, các tỉnh Nam Bộ tiếp tục có mưa rào và dông, có nơi mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Về tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đang gay gắt tại Đồng bằng sông Cửu Long, theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, đến ngày 15/4, ranh mặn 4‰ xâm nhập sâu 95-100km trên sông Vàm Cỏ; 50-55 km trên sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, sông Cổ Chiên. Trong khi đó, trên sông Hàm Luông là 70-75 km; sông Hậu 45-50km…giảm 5-10 km so với tháng 3/2020.

Tại khu vực cửa sông Cửu Long, trong tháng 4, có khả năng ảnh hưởng nguồn nước điều tiết gia tăng từ thượng nguồn nên từ sau ngày 15/4, mặn xâm nhập giảm nhanh, các hệ thống thủy lợi có khả năng lấy được nước ngọt để rửa mặn, tiêu thoát môi trường để chuẩn bị vụ kế tiếp.

Trao đổi với phóng viên TTXVN qua điện thoại, Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ cho biết, ở thượng nguồn sông Mê Kông thuộc Lào, Thái Lan, Campuchia đều đã có mưa trong những ngày trước.

Tại Việt Nam, từ đầu tháng 4/2020, thủy triều trên các con sông ở miền Tây đã bắt đầu giảm dần kéo theo độ mặn giảm theo, cộng thêm các cơn mưa xuất hiện nên hạn mặn có thể sớm chấm dứt.

Đối với lượng nước do các cơn mưa mang lại cho Đồng bằng sông Cửu Long, ông Vinh khuyến nghị, nếu có điều kiện, nông dân nên trữ lại trong các kênh rạch, ao mương, có thể giúp giải quyết phần nào tình trạng hạn mặn.

Từ 11-14 giờ ngày 13/4, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đón nhận "cơn mưa vàng" khá lớn xua tan cái nóng đỉnh điểm của mùa khô hạn.

Cơn mưa đầu mùa này xua tan thời tiết nóng bức gay gắt, mang đến bầu không khí mát mẻ dễ chịu; đồng thời bổ sung nguồn nước cho kênh rạch đã bị cạn kiệt, trơ đáy ở vùng U Minh Thượng; tưới mát ruộng đồng, hoa màu, vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, hàng chục nghìn ha lúa Hè Thu gieo sạ sớm của tỉnh Kiên Giang có thêm nguồn nước tưới tiêu giữa cơn đại hạn. Rừng tràm, rừng gỗ lớn trên một số lâm phần giảm áp lực, giảm nguy cơ xảy ra cháy…

Từ đầu mùa khô đến nay, diện tích lúa Đông Xuân 2019-2020 bị ảnh hưởng do hạn mặn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang là khoảng 4.220ha, trong đó hơn 1.550ha thiệt hại dưới 30%, trên 1.800ha thiệt hại 30-70%, còn lại thiệt hại 70-100%; hơn 1.000ha tôm nuôi bị thiệt hại do sốc môi trường và dịch bệnh. Sụp lún, sạt lở đất do hạn mặn đã xảy ra trên một số tuyến đường giao thông, lộ nông thôn ở vùng đệm U Minh Thượng…

Tỉnh Kiên Giang chỉ đạo ngành chức năng theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để thông tin cho nhân dân biết, chủ động sản xuất, nhất là xuống giống vụ Hè Thu; hướng dẫn nông dân nuôi tôm các biện pháp kỹ thuật ứng phó với mưa đầu mùa trong sản xuất nhằm hạn chế sốc môi trường, can thiệp giảm các yếu tố biến động đột ngột, gây hại tôm nuôi, bổ sung khoáng chất, vi lượng vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra./.

Thanh Liêm-Lê Huy Hải (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/mua-to-o-nhieu-noi-giup-dong-bang-song-cuu-long-giai-nhiet/634276.vnp