Mua thực phẩm trực tuyến 'cứu sống' dân Trung Quốc

Nhu cầu đối với dịch vụ đặt mua thực phẩm trực tuyến tại Trung Quốc đã tăng cao kể từ khi chính phủ nước này yêu cầu người dân ở trong nhà, một trong số các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra.

Một chuyến giao hàng của hãng JD. Ảnh: AP

Một chuyến giao hàng của hãng JD. Ảnh: AP

Thương mại điện tử là một trong số ít ngành phát triển mạnh sau khi Bắc Kinh bắt đầu thực hiện các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 hồi cuối tháng 1-2020, bao gồm đóng cửa các nhà máy, nhà hàng, rạp chiếu phim, văn phòng và cửa hàng trên toàn quốc. Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực khôi phục hoạt động kinh tế nhưng cũng khuyến cáo người lao động làm việc tại nhà nếu tính chất công việc cho phép. Một số thành phố lớn đã áp dụng các biện pháp kiểm soát, chỉ cho phép một thành viên trong gia đình ra ngoài mỗi ngày. Điều này tạo ra cơ hội làm ăn cho lĩnh vực giải trí và mua sắm trực tuyến.

Công ty thương mại điện tử JD.com và các đối thủ như Pinduoduo, Missfresh, Hema thuộc tập đoàn Alibaba đang cạnh tranh quyết liệt nhằm đáp ứng sự bùng nổ các đơn đặt hàng trực tuyến. Được biết, các tài xế của hãng JD đã giao 71.500 tấn gạo, bột mì và các loại ngũ cốc khác trong tháng rồi, tăng gấp 20 lần so với cùng kỳ năm 2019, cùng với 27 triệu lít dầu ăn và 50.000 tấn thịt, trứng, rau và các sản phẩm tươi sống khác. Trong khi đó, Pinduoduo cho biết số đơn hàng đặt mua táo, dâu tây và trái cây tươi khác cũng đã tăng tới 120% trong tháng 1.

JD hiện có đội ngũ tài xế và nhân viên kho hàng lên tới 180.000 người, nhưng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, hãng đang tuyển dụng thêm 20.000 lao động. Ngoài ra, Dada Group, một dịch vụ giao hàng mà JD góp vốn đầu tư, cũng tuyển thêm 15.000 nhân viên. Trung bình một tài xế giao 150-190 món hàng/ngày. Phần lớn các nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc đều có hệ thống thanh toán trực tuyến riêng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng trong những thời điểm khủng hoảng như thế này.

Phía Chính phủ Trung Quốc cũng thiết lập “Điểm phân phối không tiếp xúc” tại nhiều thành phố để người mua có thể nhận hàng mà không cần tiếp xúc trực tiếp với shipper.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/mua-thuc-pham-truc-tuyen-cuu-song-dan-trung-quoc-a118428.html