Mua thực phẩm trên mạng: Khi người bán phủi tay...

Ai cũng thừa nhận việc mua thực phẩm trên mạng tiện lợi, nhưng chất lượng của các sản phẩm đó như thế nào thì không ai khẳng định được.

Chị Nguyễn Thị Giang (35 tuổi, ngụ Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội) thường xuyên mua hàng qua mạng, kể cả với việc đi chợ hàng ngày mua thực phẩm cho gia đình chị Giang cũng lựa chọn việc hình thức online để thực hiện. Sành sỏi là vậy, nhưng chị Giang cũng nhiều lần gặp phải tính huống dở khóc, dở cười.

"Hơn một tháng trước, mình có đặt mấy cân hạt điều để mang đi biếu tặng. Tìm hiểu thì được biết một cửa hàng bán qua mạng có uy tín ở khu vực Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội, lấy trực tiếp từ người thân trong Bình Thuận chuyển ra. Khi nhận hàng, do là túi hút chân không nên chỉ quan sát bên ngoài, màu đẹp, hạt đều. Nhưng khi mang đi biếu tặng, ngồi đó ăn chính món quà của mình mà không giấu nổi mặt" - chị Giang kể.

Nhiều người gặp phải tình huống dở khóc, dở cười vì mua thực phẩm online.

Chị Giang miêu tả: "Hạt thì đắng, hạt thì hôi, khét... ăn một gói mà phải nhằn ra nhổ đi quá nửa. Khi gọi lại cho cửa hàng thì nhân viên ở đó lại cho rằng lỗi là do khách hàng không kiểm tra kỹ trước khi nhận. Mà hàng đóng túi hút chân không, mang đi biếu thì kiểm tra kiểu gì?".

Trong tình cảnh tương tự, chị Phạm Thu Nga (30 tuổi, quê Hưng Yên) cũng chia sẻ câu chuyện của mình khi mua phải sản phẩm nhập ngoại nhưng bị tẩy xóa date.

"Tôi đặt hai gói kẹo và một chai rượu ngoại, giá gần 5 triệu đồng nhưng sau khi nhận hàng mới phát hiện ra là hàng đã bị tẩy xóa date" - chị Nga nhớ lại.

Đem nghi ngờ đến nói chuyện với nơi mình đặt hàng, chị Nga nhận được gáo nước lạnh khi quản lý nói rằng "đây là sự cố ngoài mong muốn" nên yêu cầu chị Nga phải chịu một nửa hóa đơn.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều tài khoản mạng xã hội lập ra để kinh doanh thực phẩm nhưng chỉ sau khi bán được một số hàng nhất định là lại xóa tài khoản, và khi người mua hàng biết được mình mua phải hàng giả quay lại tìm người bán thì đã không còn thấy thông tin gì nữa.

Việc lừa đảo thông qua việc bán hàng online diễn ra một cách thương xuyên, nhiều người tiêu dùng rất bức xúc về tình trạng này nhưng vẫn không có cách nào để giải quyết được, vì trên thực tế, đến các quy định của pháp luật còn chưa đầy đủ, cũng như thiệt hại khi mua hàng qua mạng online rất nhỏ, vì người mua thường cũng không tin tưởng để mua những món hàng có giá trị qua mạng online.

Khi mua hàng qua mạng online thì người chịu rủi ro chỉ có người tiêu dùng vì họ không được kiểm tra trực tiếp chất lượng của sản phẩm, chỉ nhìn hình ảnh qua mạng, và theo thông tin mà người bán cung cấp, nhiều khi mua hàng về mới biết hàng không đúng với thực tế, thậm chí là một món hàng khác hoàn toàn với những gì mà người bán đã rao bán. Nhưng khi khiếu nại với người bán thì họ thường sẽ trả lời là do lỗi chụp hình, hay hàng rẻ, khuyến mại nên chỉ được như vậy thôi…. Người tiêu dùng cũng chỉ biết ngậm ngùi và không mua hàng của người bán đó nữa.

Các chuyên gia cho rằng, trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển mua bán qua mạng internet là điều không thể ngăn cấm, người tiêu dùng cần phải tỉnh táo để lựa chọn những cửa hàng uy tín, mặt hàng chất lượng. Cụ thể không nên lựa chọn những cửa hàng mới, không quen biết với người bán, hàng không rõ nguồn gốc.

Dưới góc độ quản lý, hình thức bán thực phẩm qua mạng phát triển nhiều năm nay nhưng chưa có một chế tài nào để thanh, kiểm tra cũng như xử lý các vi phạm liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Dù mang lại nhiều tiện ích, song mua thực phẩm trên mạng online cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Bởi, hầu hết các cửa hàng kinh doanh, chế biến thực phẩm sẵn trên mạng online là các cơ sở tự phát, theo hộ gia đình không có giấy phép kinh doanh. Các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như sự kiểm định định kỳ của các cơ quan chức năng.

Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, qua kiểm tra thực tế một số địa chỉ kinh doanh thực phẩm sạch nhỏ lẻ trên địa bàn, cơ quan chức năng phát hiện nhiều trường hợp không có chứng từ chứng minh nguồn gốc, cũng như chất lượng hàng hóa chưa bảo đảm được tiêu chí sạch, an toàn thực phẩm.

Vì vậy, người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm sạch ở những địa chỉ tin cậy, sản phẩm có xuất xứ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, tránh rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” mà không biết kêu ai.

Ngọc Mai

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/suc-khoe/mua-thuc-pham-tren-mang-khi-nguoi-ban-phui-tay-3360496/