Mùa thu tháng Tám, cảm nhận về một thế hệ sinh viên cầm súng

Sau 50 năm, dòng hồi tưởng của người chiến sỹ - nhà báo lão thành vẫn trào lên đầu ngọn bút. TBTCVN trân trọng giới thiệu những dòng hồi ức của một 'người trong cuộc', một lính sinh viên trong đoàn quân ra trận đúng ngày này 50 năm về trước…

Đây là những ký ức của chàng sinh viên tuổi hai mươi, nhưng lại là cảm nhận chung của cả một lứa sinh viên trai trẻ đầy hoài bão, đã gác lại ước mơ, gác lại mối tình đầu chớm nở để lên đường, đi vào nơi ác liệt nhất của chiến trường, vì một tình yêu lớn lao mang tên: Tổ quốc.

Đây là những ký ức của chàng sinh viên tuổi hai mươi, nhưng lại là cảm nhận chung của cả một lứa sinh viên trai trẻ đầy hoài bão, đã gác lại ước mơ, gác lại mối tình đầu chớm nở để lên đường, đi vào nơi ác liệt nhất của chiến trường, vì một tình yêu lớn lao mang tên: Tổ quốc.

… Đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng tôi vẫn không quên cái buổi sáng ngày 24/8/1970 ấy! Từ sân vận động Nguyễn Văn Trỗi của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 ở Cầu Giấy, chúng tôi chính thức chia tay thầy cô và bè bạn “xếp bút nghiên ra trận”. Cùng với đông đảo sinh viên các trường đại học nhập ngũ cùng ngày, chúng tôi trở thành những chiến sĩ mới của Sư đoàn bộ binh 325B. Đặc biệt, tôi cũng không quên cái đêm chúng tôi rời Mỹ Đình để ra ga Hàng Cỏ lên tàu vào Nam.

Tác giả ngày đầu nhập ngũ

Đó là một đêm mưa rào. Đơn vị báo động hành quân bí mật, bất ngờ như thế mà đoàn quân chúng tôi khoác áo mưa hành quân bộ trong đêm khi qua cổng Trường Đại học Sư phạm ở Cầu Giấy đã thấy đông đảo bạn bè đứng chờ sẵn ở cổng trường vẫy tiễn trong sự xúc động nghẹn ngào! Nhiều bạn gái đã không cầm được nước mắt, có bạn đã bật khóc thành tiếng vì không biết có còn dịp gặp lại nhau nữa hay không…? Không biết trong các ngôi nhà mặt phố đêm ấy có ai nhìn thấy và còn nhớ hình ảnh đoàn quân đeo ba lô con cóc choàng áo mưa trông như những con lạc đà có bướu trên lưng, lầm lũi đội mưa đi dưới ánh đèn đường đỏ quạch qua các phố Cầu Giấy, La Thành, Khâm Thiên rồi đến ga Hàng Cỏ?

Khi đã yên vị trên tàu, không ai bảo ai, chúng tôi đều xé giấy trong sổ tay viết vội mấy dòng báo tin về cho gia đình. Lúc tàu chuyển bánh ra khỏi ga đến đoạn có nhà dân sát ngay bên đường sắt, những lá thư trắng như những cánh bướm được tới tấp thả qua ô cửa toa tàu xuống bên đường. Chúng tôi hy vọng khi trời sáng có người nhặt được những lá thư ấy sẽ gửi giúp về nhà theo địa chỉ ghi trên phong bì…

Hình ảnh cuộc chia tay bịn rịn ngày này 50 năm trước

Kết thúc thời gian huấn luyện bộ binh, theo sự phân công điều động của cấp trên, chúng tôi như những cánh chim đã “ra giàng” được biên chế về các đơn vị trong toàn quân để bổ sung lực lượng chiến đấu trên khắp các chiến trường suốt từ Bắc vào Nam và trên đất bạn Lào! Và hầu hết đều có mặt tham gia đến trận chiến đấu cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước!

Có thể nói, dù ở chiến trường nào thì những người lính sinh viên chúng tôi cũng thể hiện là những chiến binh kiên cường, thông minh, quả cảm, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc mãi mãi trường tồn! Đúng như những câu thơ trong bài thơ “Về một thế hệ xếp bút nghiên” của một đồng đội đã viết khá cô đọng về những người lính sinh viên ngày ấy:

Những quầng lửa cứ dồn dập bùng lên

Đất nước hai đầu lửa cháy

Chúng tôi lên đường đi về miền xa ấy

Tạm biệt giảng đường những ánh mắt trong veo

Chẳng có gì mang theo

Chỉ cuốn sổ tay và chiếc khăn bạn bè trao tặng

Trang nhật ký là hành trang cuộc đời cứ dày theo năm tháng

Cứ dày theo nỗi nhớ đến nao lòng…

Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không

Những anh lính từ giảng đường thành chiến sỹ tên lửa

Những “pháo đài bay” thành pháo hoa cháy đỏ

Tháng Chạp 1972 lịch sử oai hùng

Quảng Trị chát chúa đạn bom

Ta và địch giành nhau từng tấc đất

Lớp chúng tôi lại vượt sông, Thành cổ không thể mất

Thạch Hãn ơi… sông đỏ máu anh hùng

81 ngày đêm bom dội, đạn rung

Không viên gạch nào còn lành lặn

Những chàng sinh viên mới quen cầm súng

Chỉ một đêm đã hóa vĩnh hằng…

Kể từ ngày nhập ngũ đến hôm nay vừa đúng nửa thế kỷ chúng tôi tạm biệt giảng đường, tạm biệt thầy cô giáo và bạn bè lên đường chiến đấu. Trải qua thời gian và biến động của đời sống xã hội, những năm qua không phải trường nào cũng nhớ đến những sinh viên của trường mình đã “xếp bút nghiên ra trận”. Nhưng từ trong sâu thẳm ký ức, mỗi chúng tôi vẫn luôn nhớ về mái trường nơi chúng tôi đã có những năm tháng là sinh viên và chúng tôi vẫn tự hào khi tự giới thiệu mình là “lính sinh viên” của trường ấy. Bởi trong thực tế, chúng tôi đã trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử truyền thống của các trường đại học.

Hôm nay, nhớ lại ngày rời giảng đường đại học 50 năm trước để lên đường chiến đấu, bên cạnh lẽ đương nhiên khi đất nước có chiến tranh, cầm súng đánh giặc giữ nước là bổn phận và cũng là vì danh dự của một thế hệ, một lớp người, thì với tất cả lòng khiêm tốn, chúng tôi vẫn có thể nói rằng: Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chưa bao giờ có lớp sinh viên nào chịu gian lao, vất vả, hy sinh nhưng cũng rất tự hào như chúng tôi - những người lính sinh viên thời chống Mỹ, vì chúng tôi là nhân chứng lịch sử, đã đóng góp một phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Chúng tôi có quyền tự hào lắm chứ, bởi lúc sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Tổ quốc ghi công lớp lớp thầy giáo, sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và đóng góp xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc. Tinh thần yêu nước mãi mãi là ngọn lửa soi sáng các thế hệ thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước trở thành quốc gia giàu mạnh, hòa bình và hạnh phúc”./.

Theo số liệu thống kê, từ năm 1970 đến năm 1972, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở miền Bắc đã lên đường nhập ngũ, hình thành nên một thế hệ sinh viên “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”. Trong đó, lứa sinh viên nhập ngũ năm 1970 là đợt nhập ngũ đầu tiên của đông đảo sinh viên các trường đại học sau khi Nhà nước có lệnh Tổng động viên do nhu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam trở nên cấp bách.

Nguyễn Hữu Mão (Nguyên Tổng thư ký Tòa soạn Thời báo TCVN)

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2020-08-21/mua-thu-thang-tam-cam-nhan-ve-mot-the-he-sinh-vien-cam-sung-91282.aspx