Mùa thu cách mạng thành công

Mùa thu này, Hà Nội kỷ niệm 73 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, nhân thời khắc lịch sử này chúng ta lại cùng nhớ tới Nhà văn - Thiếu tướng Trần Văn Phác, một chiến sĩ cách mạng mang trong mình khát vọng giải phóng dân tộc và ông là một trong số những con người làm nên mùa thu cách mạng thành công năm 1945.

Người chiến sĩ ấy

Thiếu tướng Trần Văn Phác còn có tên gọi thân mật là Tám Trần khi ông tham gia hoạt động tại chiến trường Nam Bộ được đồng bào, đồng chí miền Nam dành tặng. Cái tên Tám Trần gắn với ông hơn 10 năm chiến đấu gian khổ bên cạnh những nhân vật lịch sử nổi tiếng Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Nguyễn Thị Định, Hoàng Văn Thái... Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình ông Tám Trần đã được giao rất nhiều trọng trách, ông nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân…

Cuộc đời cách mạng của ông Tám Trần có nhiều kỷ niệm nhưng lúc sinh thời, ông nói, ông vẫn nhớ nhất là kỷ niệm về ngày khởi nghĩa 19-8-1945. Ngày đó, chàng thanh niên Trần Văn Phác mới 19 tuổi đã được cử làm đội trưởng đội tự vệ chiến đấu, giành chính quyền ở huyện lỵ Yên Mỹ (Hưng Yên). Trong cuốn hồi ký của mình, ông đã viết về kỷ niệm sâu sắc đó: “Tôi dẫn đầu đội tự vệ tiến lên áp sát cổng đồn. Anh em thay nhau gọi loa một chập, nhưng vẫn thấy bên trong im ắng. Chúng tôi liền bắn mấy phát súng cảnh cáo, rồi quần chúng reo hò ào lên, phá cổng, phá đồn rất mãnh liệt. Tới lúc đó, bọn lính khố xanh mới chịu mở cổng xin hàng. Thế là ở quê tôi, cách mạng đã giành được chính quyền về tay nhân dân mà không phải đổ máu”.

Nhân đà chiến thắng, theo chỉ đạo của Tổng bộ Việt minh, đội tự vệ của Trần Văn Phác nhanh chóng hành quân về tham gia khởi nghĩa ở Hà Nội, trở thành một đơn vị trong Chi đội Giải phóng quân do đồng chí Vương Thừa Vũ và Nguyễn Quyết chỉ huy. Vì thế ngày 19-8-1945 cũng được coi như ngày nhập ngũ của Trần Văn Phác.

“Tôi vẫn còn nhớ như in những tháng ngày sục sôi cách mạng đó, cùng các đồng chí, đồng bào, góp công giành lại chính quyền về tay nhân dân sẽ là những kỷ niệm không bao giờ quên, mùa thu năm đó (1945) sẽ mãi là mùa thu sâu đậm nhất trong cuộc sống và chiến đấu của tôi”, vị Tướng-nhà văn Tám Trần hồi tưởng lại. Ngày 2-9-1945, đơn vị của Trần Văn Phác lại vinh dự được giao nhiệm vụ bảo vệ lễ đài, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới. Sau ngày 2-9, vì viết chữ đẹp nên Trần Văn Phác thường được giao làm bích báo. Có lẽ vì thế nên sang năm 1946, khi đang là chính trị viên đại đội, Văn Phác được đồng chí Văn Tiến Dũng giới thiệu về làm PV, biên tập viên của báo “Khu Hai kháng chiến”. Từ đó về sau, qua nhiều chặng đường cách mạng, ông gắn bó khá chặt chẽ với nghề viết văn, viết báo. Năm 1957, ông được cử làm Chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ Quân đội; một thời gian sau thì chuyển sang làm Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân. Làm văn, làm báo nên ngày 19-8 năm nào cũng đầy kỷ niệm với ông. Đó là những kỷ niệm đi chỉ đạo tuyên truyền và trực tiếp cầm bút viết về ngày khai sinh nước Việt Nam độc lập.

Trong nhiều tác phẩm của mình, nhà văn Tám Trần đã từng khẳng định, “khác với nhiều cuộc cách mạng trước đây, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, do Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động tổ chức và lãnh đạo.

Nhiệm vụ cách mạng của Đảng là đánh đuổi đế quốc xâm lược, đánh đổ chế độ phong kiến tay sai, giành lại hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc; xây dựng Nhà nước của dân, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho toàn dân. Nhiệm vụ cách mạng của Đảng phù hợp với nguyện vọng và lòng mong đợi của nhân dân nên Đảng được đông đảo các tầng lớp trên khắp mọi miền đất nước hết lòng ủng hộ, giúp đỡ và tin theo. Đảng ta đã tiến hành thành công cuộc Tổng khởi nghĩa vũ trang toàn dân trên khắp mọi miền đất nước với nỗ lực, tinh thần và quyết tâm rất cao của quân và dân trên cả nước “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải cương quyết giành cho được độc lập”.

Vợ chồng nhà văn Trần Văn Phác thời trẻ. Ảnh gia đình cung cấp

Tác phẩm để lại cho đời

Sau này, nhớ về những ngày đầu tham gia cách mạng, ông Tám Trần đã viết tác phẩm “Những ngày đầu ở Hà Nội”, nhắc lại cột mốc lịch sử của dân tộc bằng những câu chuyện rất xúc động về tấm lòng của nhân dân với cách mạng. Ngày 19-8 đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo văn học, báo chí trong suốt nghiệp cầm bút của ông.

Vị Tướng, nhà văn Tám Trần đã từng nói rằng vào tháng 8-1945, toàn dân tộc Việt Nam, triệu người như một, dưới sự tổ chức, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhất tề đứng dậy, phá tan xiềng xích nô lệ, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, xác lập chính quyền dân chủ nhân dân trên phạm vi toàn quốc. Tự hào biết bao, lần đầu tiên trong thời đại mới, một dân tộc nhỏ đã tự giải phóng mình khỏi ách đế quốc thực dân; đất nước ta, từ một nước thuộc địa, trở thành một nước độc lập; nhân dân ta, từ thân phận nô lệ, thành người dân độc lập, tự do, làm chủ đất nước. Với lý tưởng sục sôi thời trai trẻ của mình, ông Trần Văn Phác đã góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho thắng lợi chung của dân tộc, một thắng lợi đánh dấu sự chuyển mình trong lịch sử nước nhà.

Ngày nhà văn Tám Trần còn sống, vào mỗi độ thu về ông vẫn cùng những đồng đội, đồng chí một thời sống, chiến đấu và cùng nhau công tác ôn lại kỷ niệm về cuộc cách mạng thần thánh của dân tộc. Dẫu bao cuộc đổi thay, nhưng ông Tám Trần vẫn vậy, vẫn giữ nguyên tính cách của một người chiến sĩ cộng sản năm nào, vẫn tràn đầy nhiệt huyết như khi cùng các đồng đội trong đội tự vệ chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ đô Hà Nội.

Đúng như những người đồng đội của ông đã nhận xét về một người lính – nhà văn Tám Trần, “Ông là mẫu mực của người cán bộ chính trị trong quân đội, là một người lính Cụ Hồ với tính cách giản dị, nhu thuận, hòa hiếu và đối xử với ai cũng nhẹ nhàng, thân ái với nụ cười hiền từ”. Ngày 29-8-2012 (ngày 13-7 năm Quý Tỵ), cũng là ngày ông Tám Trần đi về thế giới người hiền. Nói theo cách của một số ít những người bạn “còn lại” của ông thì “người chiến sĩ ngày nào đã cùng dân tộc đứng lên làm cuộc cách mạng thành công đã sống trọn 67 mùa thu cùng sự trưởng thành đi lên của dân tộc”.

Theo Thiếu tướng Trần Việt Thắng, con trai nhà văn Trần Văn Phác cho biết: “Tôi luôn tự hào về những gì cha mình cùng đồng đội của ông đã làm, với tôi ông luôn là tấm gương sáng để noi theo. Giờ đây mỗi khi cả nước kỷ niệm dịp Cách mạng Tháng Tám và ngày Quốc khánh, thì trong niềm vui chung đó cũng là thời điểm gia đình chúng tôi tưởng nhớ tới người cha của mình…”.

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/mua-thu-cach-mang-thanh-cong-121404.html