Mùa thi nói chuyện chọn trường: Việc của con sao cha mẹ tự quyết

Mùa thi nói chuyện chọn trường: Việc của con sao cha mẹ tự quyết Mấy hôm nay, thầy giáo thấy cô học trò cưng của mình không tập trung nghe giảng. Điều tra thầy mới hiểu được em vừa phải nộp hồ sơ đăng kí vào một trường mình không hề thích theo ý của gia đình.

Sự buồn bã, chán nản của em làm thầy thực sự lo lắng bởi mùa thi đã đến rất gần rồi. Nếu cứ tình trạng này chẳng hiểu em sẽ thi cử ra sao?

Tự con chọn trường thi, không phải cứ thích là được

Cánh cửa đại học mở ra rất nhiều hướng đi cho các học sinh cuối cấp PTTH. Bước ra khỏi trường đại học, các sinh viên sẽ có thể trở thành những kiến trúc sư, nhà báo, giáo viên... Nhưng lựa chọn trường nào, ngành nào lại là vấn đề không đơn giản với các em.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Có tới 60% học sinh lớp 12 khi được hỏi ai là người chọn trường cho các em thi, các em hay cha mẹ? phần lớn các em đều trả lời: "Cha mẹ". Có tới 80% cha mẹ khi được hỏi: “Con họ có được tự chọn trường mà mình thích hay không?” đều trả lời: “ không phải thích là được!”. Học sinh thích trường này nhưng lại nộp đơn thi trường khác là rất phổ biến.

Nhiều em lúc đầu cương quyết bảo vệ quan điểm của mình nhưng trước sự phân tích của gia đình, bố mẹ về điều kiện khách quan, chủ quan...cuối cùng cũng chấp nhận phương án tối ưu mà bố mẹ đưa ra. Còn các bậc cha mẹ đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Họ là người hiểu con mình, hiểu tình hình xã hội, vì thế phải "tư vấn" cho con, thậm chí là cưỡng chế con phải thi theo ý cha mẹ. Làm như thế cũng vì tương lai của con.

An Huy (Yên Bái) đặc biệt thích làm nhà báo. Theo Huy, nghề này được đi nhiều, tiếp xúc nhiều có cơ hội mở mang hiểu biết. Nhưng bố mẹ em lại phản đối kịch liệt vì cho rằng đó là nghề nguy hiểm. Theo bố mẹ em, chỉ cần đăng kí thi trường Đại học dân lập ở tỉnh rồi bố sẽ cố gắng xin cho làm văn phòng ở cơ quan bố.

Nguyệt Ánh (Thái Bình) tỏ ra rất tiếc khi em muốn thi Đại học nông nghiệp nhưng bị bố mẹ gạt phắt đi và bắt thi vào Đại học y. Ông bà muốn gia đình có một bác sỹ để mỗi khi gặp vấn đề gì về sức khỏe, không phải cầu cạnh, quỵ lụy ai…

Bao nhiêu ước mơ, hoài bão, đến ngày nộp hồ sơ cũng tan biến. Rõ ràng, các em không phải là người đưa ra quyết định cuối cùng cho tương lai của mình. Nhiều học sinh đã phản đổi cha mẹ bằng cách giả ốm không đi học rồi bỏ ăn...nhưng cuối cùng, chính bản thân các em lại sốt ruột vì sắp đến giai đoạn nước rút rồi nên đành phải thỏa hiệp với bố mẹ.

Sai lầm của cha mẹ khi cố chọn trường cho con

Quan điểm “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” trong thi cử là sai lầm không nhỏ của các bậc làm cha mẹ thời nay.

Một trong những sai lầm phổ biến nhất của các bậc phụ huynh là chọn nghề cho con theo mơ ước, nguyện vọng của chính bản thân mình. Cha mẹ luôn muốn định hướng con đến cánh cửa mình cho là tốt nhất mà bỏ qua câu hỏi quan trọng mang yếu tố quyết định: “Liệu con mình có thực sự phù hợp với sự lựa chọn đó?”. Đây là tâm lý gửi gắm ước mơ khi cha mẹ không có cơ hội thực hiện hoặc cha mẹ tự lấy kinh nghiệm sống của mình để phân tích rồi đưa ra những ngành nghề mà họ nghĩ là tốt nhất cho con.

Ảnh minh họa

Cũng có không ít bậc phụ huynh luôn tạo ra áp lực buộc con phải đỗ bằng được những trường đại học danh tiếng, những ngành học đang là xu hướng có tỷ lệ đầu ra cao, được nhiều công ty săn đuổi sau khi tốt nghiệp, lương cao... mà không tìm hiểu năng lực thực sự và sở thích của con.

Bắt con nộp hồ sơ thi vào trường mà sau này bố mẹ có thể lo được đầu ra cũng là tâm lý phổ biến của cha mẹ thời nay. Những học sinh phải nộp hồ sơ theo kiểu này là những học sinh mà gia đình các em có người thân làm ở bộ này, bộ nọ. Hay ít ra cũng là thủ trưởng các cơ quan đầu ngành của huyện, tỉnh. Có lẽ đây là “sai lầm thuyết phục” nhất của cha mẹ bởi đâu phải sinh viên nào cũng có thể tự tìm được việc làm cho mình. Nhưng ép con theo kiểu này, cha mẹ tự hạn chế khả năng và niềm đam mê của con. Tạo cho con lối sống, cách nghĩ dựa dẫm hoặc quan điểm làm việc "trung bình chủ nghĩa” vì đã có người che chở, nâng đỡ.

Lại có những phụ huynh mắc phải sai lầm khi chọn ngành nghề không phù hợp với tính cách của con: chọn ngành kinh doanh khi con là người hướng nội, rụt rè; chọn ngành công nghệ thông tin khi con là người nhạy cảm, thích văn chương. Thậm chí, có cha mẹ còn áp dụng nguyên tắc bù trừ với hy vọng cân bằng tính cách của con. Với những suy nghĩ một chiều, cảm tính, không ít cha mẹ đã tạo nên những áp lực khiến con trẻ rơi vào tâm lý căng thẳng, chán nản khi phải đối diện với một quyết định lớn trong cuộc đời.

Các bậc làm cha mẹ nên biết

Đôi khi sức học của con cái có hạn nhưng cha mẹ lại hướng chọn trường đòi hỏi khả năng học tập, nghiên cứu cao mà ít người có thể theo được. Chúng sẽ cảm thấy áp lực khi thi cử và mất tự tin vào bản thân. Dù may mắn trúng tuyển vào ngành đã chọn nhưng do sự đòi hỏi cao của ngành học, bản thân chúng cũng khó đủ năng lực để theo học, hoặc có cũng rất khó khăn, vất vả. Điều đó dễ dẫn đến tâm lý chán nản, sa ngã.

Ảnh minh họa

Đó là chưa kể, học trong một ngôi trường ngay từ lúc đầu con không hứng thú, học trong tâm trạng bị ép buộc thì kết quả học tập khó mà cao được.

Vì thế, trước hết cha mẹ cần tìm hiểu hứng thú, nguyện vọng, nhu cầu, khả năng của con mình. Phân tích cụ thể để thấy việc định hướng chọn trường có sự tham gia của gia đình là đúng đắn. Nếu cha mẹ nhận thấy con mình chọn trường theo sở thích cảm tính thì chỉ rõ những thuận lợi, khó khăn để giúp các em có sự lựa chọn phù hợp nhất.

Cha mẹ tuyệt đối không áp đặt theo cách lựa chọn của riêng mình, không được ép con cái học ngành nghề theo ý muốn của cha mẹ mà nên đồng hành cùng các em để bàn bạc đưa ra quyết định. Việc lựa chọn nghề nghiệp phải do chính các em quyết định, cha mẹ chỉ làm nhiệm vụ nhà hướng nghiệp. Cha mẹ cũng cần hiểu rõ: hạnh phúc là khi người ta được làm việc, cống hiến bằng tất cả ước mơ và hoài bão chứ không phải là một sự ổn định theo kiểu sắp đặt.

Cha mẹ là người hiểu rõ con cái mình nhất, biết năng lực con như thế nào, cái gì không thích hợp, tính tình cũng như sức chịu đựng của chúng ra sao? Vì thế, cha mẹ cần là người dẫn đường sáng suốt cho con trước cánh cửa đại học. Đừng để vì một quyết định của người lớn mà trẻ phải sống cả đời trong sự nuối tiếc.

Tuệ Thu

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/mua-thi-noi-chuyen-chon-truong-viec-cua-con-sao-cha-me-tu-quyet-d170390.html