Mùa thị bên sông

Làng tôi nằm ở bờ tả con sông Cầu, bên kia là làng Tiếu. Cách một con sông thôi nhưng đã là làng khác, tỉnh khác. Cô tôi lấy chồng bên ấy, năm nào mấy chị em chúng tôi cũng được sang đó chơi vài bận, như một cái lệ không hiểu tự bao giờ.

Làng Tiếu không rộng nhưng có nhiều vườn tược, bãi bờ. Nhà cô tôi ở giữa làng, bên cạnh là cái nghè, ngay cạnh nghè là một cây thị cổ thụ. Trẻ con đứa nào chả thích thị, không hẳn vì đã thuộc làu làu truyện "Tấm Cám" hay ấn tượng với hình ảnh một cô gái xinh đẹp, đảm đang chui ra từ đó, mà có lẽ cái màu vàng ươm như nắng, cái dáng tròn dẹt xinh xinh, đặc biệt mùi hương thanh tao mà vấn vít của thứ quả thơm thảo đã khiến những đứa trẻ "phải lòng".

Tháng tám, tiết trời hanh hao, điểm những chiều gió to giằng giật như muốn bão rồi mưa, ào ào, cuồng nộ. Chúng tôi ngồi quây quần trong gian bếp ấm sực nhà cô; các anh chị đang tất bật nướng nốt những mẻ đậu cuối ngày. Qua cái ô cửa tròn tròn nhiều lỗ trên tường, chúng tôi ngó ra bên ngoài bãi cỏ, đố nhau đếm xem có bao nhiêu hạt mưa đang trút xuống hối hả. Tối mưa nên ăn cơm sớm, không đi chợ được nên sẽ có món bã đậu xào đặc biệt. Vị bã đậu chát bí nhưng xào lên quyện với vị hành thơm lạ lùng và ăn cơm rất hợp. Nhưng điều mong chờ nhất là sau một giấc ngủ, sáng mai ra, dưới gốc thị, cơ man nào là quả rụng: Quả to, quả nhỏ, quả chín, quả xanh, quả tròn, quả méo la liệt trên mặt đất lẫn với lá, cành... Đứa nào đứa nấy háo hức nhặt cho đầy túi. Về đến nhà, bỏ ra khoe, cô tôi cười ngất: Trời ơi, nhặt làm gì mấy quả non xanh ấy (là vì có mấy quả to đã bị các anh chị lớn nhanh tay nhặt trước hoặc có quả đã nát, trầy ra thứ thịt vàng nhạt rất thương).

Minh họa: KHOA AN

Minh họa: KHOA AN

Chiều đó, cô đi đâu về, chiếc nón bưng trên tay, gọi chúng tôi đang ồn ào chơi ở ngoài cổng vào sân. Khi cô hạ chiếc nón xuống, những quả thị vàng tươi như những mặt trăng nhỏ chen chúc, mùi hương ngào ngạt bay lên, không hẹn mà cả lũ cùng hít hà, gương mặt bừng lên rạng rỡ. Cô nhẹ nhàng chia cho mỗi đứa một quả, thị mới trảy tươi mòng mọng, có quả còn nguyên một túm lá trên đầu. Cầm quả thị bằng cả hai tay, tôi đưa lên mũi, cảm giác như chạm vào bầu má phinh phính của em bé nhà bên. “Thị nhà Mão đấy! Nhà nó có cây thị to, sai quả lắm, quả vừa tròn vừa thơm. Bảo mua về cho mấy đứa cháu bên quê ngoại sang chơi mà trả tiền thế nào nó cũng không cầm. Nhất quyết là em cho các cháu lấy thảo”, cô vừa rũ cái nón bạc màu, hơi méo cho sạch vừa ngâm nga kể. Tôi không biết “nhà Mão” mà cô tôi kể ở đâu và cây thị ấy có giống cây thị bên nghè không, nhưng tôi hình dung người trảy những trái thị này phải rất từ tốn và thận trọng, nhẹ nhàng. Và chúng tôi cũng ấp iu quả thị của mình như một báu vật-một báu vật dân dã mà mỗi năm chỉ được sở hữu một lần và không phải lần nào cũng may mắn có được ngay sau khi nó rời cây mẹ. Rồi cũng tâm niệm như lời của bà lão trong truyện cổ “chỉ để ngửi chứ không ăn”.

Đêm ấy, mùi hương dịu ngọt theo chúng tôi vào giấc ngủ. Rất nhiều đêm sau cũng thế. Là hương thị hay hương mùa thu? Những tháng ngày tự nhiên trong trẻo, thơm tho như cổ tích. Đi chơi trong xóm, xuống bãi hay lang thang ra tận bờ sông, chúng tôi cũng mang theo quả thị của mình. Bọn con trai hàng xóm đút vào túi áo, mấy đứa con gái cầm trên tay, bọc vào lá dâu hay treo toòng teng vào những cái túi tự tết còn thô kệch.

Rồi khi những quả thị chín nhũn, tiếc rẻ bỏ đi. Chả đứa nào ăn phần thịt, chỉ lấy hạt mài cho nhẵn bóng, lấy tăm chọc vào đầu như những que kem.

Sau này, không còn những chuyến sang chơi nhà cô nữa. Lâu lắm cũng không bắt gặp cây thị ở đâu. Nhưng không hiểu sao, khi gió bắt đầu se se tháng tám, tôi lại chạnh lòng và nhớ tha thiết mùa thị bên kia sông.

Tản văn của NHẤT MẠT HƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mua-thi-ben-song-636603