Mùa thi 2018: Học ngành gì để có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp?

Chọn ngành luôn là nỗi lo lớn của mỗi học sinh vào mỗi mùa thi. Đến hẹn lại lên, mùa thi năm 2018 sắp bắt đầu, các bạn học sinh nên cân nhắc, tham khảo trước khi chọn cho mình một ngành học phù hợp.

Theo ông Đỗ Văn Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng cục Giáo dục Dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, 2018 sẽ là năm đột phá của chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Tổng cục Dạy nghề đã ban hành quy chế tuyển sinh mở, tạo điều kiện tốt cho cả các trường và người học.

Nhiều cơ hội việc làm

Vấn đề được nhiều học sinh và phụ huynh quan tâm nhất hiện nay là những nhóm ngành, nghề nào sẽ có vị trí ổn định trong tương lai.

Giải đáp thắc mắc này, ông Đỗ Văn Giang cho biết, nghề hàn, cắt gọt kim loại, cấp thoát nước, nghề điện, dịch vụ chăm sóc gia đình đang là những ngành nghề thiếu nguồn nhân lực, cả trong nước lẫn xuất khẩu lao động.

Đồng thời, các ngành nghề này đều được đào tạo tại trường nghề địa phương. Sau khi kết thúc chương trình, học viên có thể hành nghề tốt ngay tại địa bàn của mình.

 Học sinh quan tâm những nghề cần nguồn nhân lực lớn tại ngày hội tuyển dụng. Ảnh: Mai Nguyễn/Zing

Học sinh quan tâm những nghề cần nguồn nhân lực lớn tại ngày hội tuyển dụng. Ảnh: Mai Nguyễn/Zing

Ngoài các ngành kể trên, điều dưỡng cũng đang là ngành có tiềm năng việc làm lớn. Các nước lớn như Nhật Bản và Đức rất cần nguồn nhân lực trong ngành điều dưỡng của Việt Nam. Đây là thị trường việc làm rất lớn cho các sinh viên theo học nghề điều dưỡng hoặc chăm sóc sức khỏe gia đình.

Ông Giang khẳng định cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường rất lớn. Với hơn 500 nghề thuộc hệ cao đẳng và hơn 800 ngành nghề trung cấp, học sinh có thể chọn lựa ngành nghề phù hợp khả năng và sở thích. Điều quan trọng là học viên có trau dồi kỹ năng, đáp ứng được vị trí mà đơn vị tuyển dụng đang yêu cầu hay không.

Học tài chính ngân hàng, sư phạm liệu có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp?

Đọc được một thông tin về tỷ lệ thất nghiệp, Nguyễn Văn Lợi, học sinh (HS) Trường THPT Hàm Thuận Bắc quan tâm tới ngành tài chính ngân hàng, đã lo lắng đặt vấn đề: “Thông tin đó cho biết ngành tài chính ngân hàng đứng thứ 3 trong tốp 10 ngành dễ thất nghiệp, vậy có nên học ngành này? Tốt nghiệp em sẽ làm việc ở đâu”.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Quang, Ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, đưa ra những lý giải: “Trên thực tế, các ngân hàng, các tổ chức tài chính, tín dụng, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đang rất thiếu nhân viên và chuyên gia trong lĩnh vực này. Cơ hội việc làm vẫn mở ra rất rộng lớn. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước VN cho biết giai đoạn 2016 - 2025 thiếu đến 10.000 nhân lực. Tuy nhiên, yêu cầu tuyển dụng rất khắt khe, ứng viên phải đáp ứng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, ngoại ngữ và tin học. Nếu có đầy đủ các yếu tố trên, các em không bao giờ lo thất nghiệp”.

Trong khi đó, một nữ sinh có nguyện vọng sau này trở thành cô giáo, lại thắc mắc: “Em cũng đọc được thông tin hiện đang dư 35.000 giáo viên phổ thông, hàng ngàn sinh viên đang theo học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM liệu có bị dư thừa hay không? Em có nên đăng ký học sư phạm?”.

Học sinh Trường THPT Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) trao đổi với các chuyên gia sau buổi tư vấn. Ảnh: Đào Ngọc Thạch/Thanh niên

Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đưa ra lời khuyên: “Việc làm phụ thuộc vào nhu cầu xã hội, nhưng chúng ta có đáp ứng được nhu cầu đó không? Trên thực tế không chỉ ngành sư phạm, mà nhiều ngành nghề khác cũng cần người có đủ năng lực, kiến thức và kỹ năng. Ai không đáp ứng thì sẽ bị thất nghiệp. Riêng về sư phạm, giáo viên bậc tiểu học và mầm non vẫn rất thiếu. Từ năm 2019, Bộ GD-ĐT sẽ áp dụng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, sẽ xuất hiện một số môn học mới. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng thay đổi để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới này, đào tạo theo chuẩn giáo viên mà Bộ đưa ra”.

Thông tin thêm về cơ hội việc làm của nhóm ngành nông lâm, thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết, có không ít ngành mà nhà tuyển dụng rất cần nhưng khó tìm được người để làm việc như bác sĩ thú y, chăn nuôi, trồng trọt, quản lý trang trại, lâm sinh… Tương tự trong những năm gần đây, sự biến đổi khí hậu gây ra nhiều sự cố môi trường như nắng nóng, hạn hán nên nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực tài nguyên môi trường cũng rất lớn.

Cơ hội nào cho nữ?

Thích học ngành công nghệ thông tin nhưng HS Nguyễn Thu Thủy lại lo mình là nữ sẽ gặp nhiều khó khăn trong công việc. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nhìn nhận: “Hiện nay, các ngành nghề không còn giới hạn nam hay nữ. Ví dụ nhiều người cho rằng những ngành cơ khí, xây dựng là đặc thù dành cho nam. Nhưng trong đó có nhiều mảng, chuyên môn mà nữ rất phù hợp như thiết kế, có thể làm việc trong văn phòng, làm trên máy tính. Ngành công nghệ thông tin nam và nữ đều có thể học và làm việc. Quan trọng em có đam mê và có năng lực hay không”.

Nguyễn Quốc Huy, HS lớp 12A2, đặt một câu hỏi nhận được sự cổ vũ của toàn thể HS và các chuyên gia tư vấn: “HS sau khi tốt nghiệp THPT đều mong muốn vào ĐH, CĐ để có việc làm tốt. Nhưng nhiều người cho rằng nước ta đang ở tình trạng thừa thầy thiếu thợ, sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp rất nhiều, một số người khuyên em đi học nghề, vậy tụi em nên lựa chọn như thế nào?”.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cung cấp thông tin: “Đối với bậc CĐ, học sâu vào thực hành, còn ĐH dạy phương pháp, kỹ năng nghiên cứu. Nếu trở thành người thợ có trình độ ĐH, có kỹ năng thì các doanh nghiệp tuyển dụng ngay. Thất nghiệp có rất nhiều lý do chứ không phải bậc học quyết định. Trong quá trình học các em phải chịu khó trải nghiệm, rèn luyện, học hỏi thêm. Học ĐH hay CĐ còn phụ thuộc vào năng lực của từng người”.

Minh Trần (t/h)

Huyền Bùi

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/mua-thi-2018-hoc-nganh-gi-de-co-viec-lam-ngay-sau-khi-tot-nghiep-d139804.html