Mua thêm loạt tàu chiến mới, Indonesia trở thành siêu cường hải quân Đông Nam Á

Nếu đưa thêm 8 khinh hạm mua từ Italy vào biên chế, hạm đội tàu chiến của Hải quân Indonesia sẽ tăng lên hơn 40 chiếc.

Theo đánh giá thường niên của Global Firepower, Indonesia là quốc gia sở hữu lực lượng hải quân mạnh nhất Đông Nam Á và đứng thứ 14 thế giới với 109 tàu chiến các loại.

Việc Indonesia phát triển mạnh lực lượng hải quân có thể thấy là do yếu tố địa lý, khi quốc gia này sở hữu tới 13.487 hòn đảo. Với đặc điểm địa lý như vậy, họ phải có hải quân mạnh, đông, hiện đại nhằm bảo vệ bờ biển, vùng đặc quyền kinh tế.

Các mẫu tàu chiến của Indonesia chủ yếu đến từ Hà Lan, Đức, Mỹ và Hàn Quốc. Những năm gần đây Jakasta cũng chú trọng vào việc “thay máu” cho lực lượng hải quân bằng các hợp đồng mua sắm và cả đóng mới các mẫu tàu chiến hiện đại từ phương Tây.

Với mục tiêu trên, Indonesia mới đây đã đặt mua thêm 8 khinh hạm hiện đại từ từ Italy. Nếu số tàu chiến này được đưa vào biên chế, hạm đội tàu chiến của Hải quân Indonesia sẽ tăng lên hơn 40 chiếc, trong đó có 14 khinh hạm, 25 tàu hộ vệ và 4 tàu ngầm diesel-điện.

Quy mô hạm đội của Hải quân Indonesia không ngừng tăng lên từng năm khi họ liên tiếp vào trang bị các lớp tàu chiến mới. (Ảnh: Militer Meter)

Quy mô hạm đội của Hải quân Indonesia không ngừng tăng lên từng năm khi họ liên tiếp vào trang bị các lớp tàu chiến mới. (Ảnh: Militer Meter)

Trước đó, ngày 10/6, tập đoàn công nghiệp hàng hải Fincantieri (Italy) và Bộ Quốc phòng Indonesia đã ký hợp đồng cung cấp 6 khinh hạm lớp FREMM, 2 tàu khinh hạm lớp Maestrale đã qua sử dụng cho Jakarta. Thỏa thuận này đã bao gồm cả hỗ trợ hậu cần liên quan.

Fincantieri sẽ là nhà thầu chính cho toàn bộ cho thỏa thuận trên, điều này đồng nghĩa với các tàu FREMM của Indonesia sẽ được đóng mới tại Italy. Phía Fincantieri cũng để ngõ khả năng hợp tác tập đoàn công nghiệp đóng tàu PT PAL của Indonesia trong tương lai.

Được biết, hai tàu Maestrale được Indonesia mua lại từ Fincantieri hiện đang phục vụ trong Hải quân Italy nhưng sắp bị loại biên. Các tàu này cũng sẽ được hiện đại hóa trước khi bàn giao cho Jakarta.

Trước hợp đồng FREMM của Indonesia, trong tháng 5, Hải quân Mỹ cũng công bố hợp đồng mua tàu FREMM thứ hai với giá trị ước tính gần 554 triệu USD. Như vậy, với hợp đồng mua 6 chiếc FREMM, Indonesia sẽ phải chi ra hơn 3,4 tỷ USD cho thương vụ này, đó là chưa kể 2 chiếc Maestrale được hiện đại hóa.

Với 8 khinh hạm mới, Indonesia giữ vững vị trí cường quốc hải quân "số một" Đông Nam Á trong 10 năm tới.

Về Maestrale đây là lớp khinh hạm hạng nhẹ được Fincantieri đóng vào những năm 1980 cho Hải quân Italy. Tám chiếc được chế tạo và chiếc cuối cùng của lớp được đưa vào hoạt động vào năm 1985.

Khinh hạm F573 "Scirocco" thuộc lớp Maestrale của Hải quân Italy. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Italy)

Các tàu lớp Maestrale chủ yếu được thiết kế cho tác chiến chống tàu ngầm (ASW), tuy nhiên chúng lại có khả năng tác chiến linh hoạt nên thường hoạt động như một khinh hạm đa năng. Bốn chiếc vẫn còn phục vụ trong Hải quân Italy nhưng sẽ được thay thế bằng lớp Bergamini, biến thể FREMM của Italy.

Maestrale có lượng giãn nước tối đa hơn 3.000 tấn, tốc độ hải trình có thể lên đến 32 hải lý/giờ. Tầm hoạt động hiệu quả của lớp tàu này đạt 6.000 hải lý.

Hệ thống vũ khí trên tàu Maestrale khá đa dạng với các tên lửa chống hạm TESEO Mk-2, tên lửa phòng không trên hạm Aspide, hải pháo Otobreda 127mm và hai hệ thống phóng ngư lôi 324mm và 533mm. Ngoài ra, Maestrale cũng có thể mang theo hai trực thăng hải quân.

Tuy nhiên, khi được nâng cấp, Indonesia có thể sẽ thay thế các hệ thống tên lửa trên Maestrale bởi chúng hầu hết đều đã lỗi thời và không phù hợp với môi trường chiến tranh hiện đại.

Còn FREMM là một trong những lớp khinh hạm đa năng hiện đại nhất của châu Âu hiện nay, với 18 chiếc đang hoạt động trong hải quân của 5 nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia FREMM lại có một cấu hình chiến đấu khác.

Cấu hình vũ khí trên khinh hạm FREMM của Hải quân Italy. Ảnh: Naval Analyses.

Với tổng lượng giãn nước tối đa 6.000 tấn, khinh hạm lớp FREMM có khả năng đạt tốc độ tới 27 hải lý/giờ, tầm hoạt động của lớp tàu này đạt 6.000 hải lý.

Trang bị hỏa lực cơ bản của khinh hạm lớp FREMM là ngư lôi MU-90, tên lửa chống hạm MM-40 Exocet Block 3, tên lửa phòng không MBDA Aster và hải pháo 76 mm.

Cùng với đó, khinh hạm lớp FREMM còn có thể mang theo trực thăng hải quân đa nhiệm NHI NH90 NFH. Điểm nhấn của FREMM là hệ thống radar điều khiển tích hợp có tính năng tương tự như hệ thống Aegis trên chiến hạm Mỹ.

Trà Khánh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/mua-them-loat-tau-chien-moi-indonesia-tro-thanh-sieu-cuong-hai-quan-dong-nam-a-ar618418.html