Mùa săn giun đất

14 giờ, trời nắng như thiêu vậy mà hàng chục thanh niên thôn Gò Hí đổ ra bãi Cồn Sóng (P.Cẩm Thanh, TP Hội An, Quảng Nam) săn giun (trùn) đất.

Săn giun đất giữa lòng sông

Đầu giờ chiều, thủy triều bắt đầu rút, lộ ra một bờ cát dài nằm ngay giữa lòng sông. Cậu bé Huỳnh Phước Diện một tay cầm xẻng, tay còn lại xách xô to, đội mũ sùm sụp chạy ra bãi. Lúc này, cả bãi ai cũng lăm lăm xẻng trên tay, dùng sức lực ấn xuống những bờ cát bằng phẳng. Thật nhanh sau đó, họ rút lên từ những hố sâu những chú giun đất dài ngoằng chừng 20-30 cm, bóng lưỡng, đang ngoe ngoẩy rồi vứt nhanh vào chiếc xô để cạnh, tiếp tục cuộc săn tìm giun.

Nơi nào có nhô lên những ụ cát nhỏ bằng hạt đậu, trên ấy có một lỗ tí xíu bằng mũi kim là nơi có giun. Xúc khoảng 4 xẻng cát thì đầu hoặc đuôi giun lòi ra. Phải thật nhanh tay túm ngay giun kéo ra khỏi hang. Còn sơ sẩy một chút là lập tức chú giun trườn nhanh xuống đất, mất hút, coi như công cốc.

“Ra ngoài bãi lớn, giun nhiều và to gấp đôi lận. Khi nào cũng vậy, bắt hết trong bãi nhỏ, mới ra bãi lớn. Có ngày, em kiếm hơn 2 kg lận đó. Mà em là lính mới, chứ nhiều anh còn bắt giỏi hơn”, một cậu bé tên Vinh nói. Tôi mượn nhờ Diện chiếc xẻng, thử đào vài hang giun bắt thử nhưng bất thành. Cậu bé lớp 7 này cười xòa trước nỗ lực của tôi và già dặn lý giải: “Đó là lý do tại sao chị thấy cả bãi này không hề có ai là nữ đi bắt giun đất cả. Thứ nhất, phụ nữ sức yếu ớt, không đủ sức hớt đất. Thứ hai, không đủ lanh lẹ để bắt!”. Quả thật, hơn mấy chục người đi săn giun đất đông kín trên bãi nhỏ, bãi lớn, không có ai là phụ nữ cả.

Một tháng đổ 4 chỉ vàng

Theo thông tin từ trang web của Bộ Y tế, giun đất có tác dụng thanh nhiệt, lưu thông hệ kinh lạc, chặn cơn đau kinh giật, chặn cơn hen suyễn, lợi niệu… Giun đất phơi khô, tạo thành màu vàng nhạt, không hề có bùn đất trong bụng. Có mùi giống mùi mực, cá khô; khi nướng lên ăn cũng dai và thơm như mực, cá khô nướng, nhưng vị tanh thì nhiều hơn. Được biết, giun đất được thu mua về với dạng khô, sau đó nghiền thành bột, chế biến thành các loại biệt dược để chữa hen suyễn, các bệnh về thận…

Chị Võ Thị Hai, thôn Gò Hí kể, nghề săn giun có ở vùng này từ cách đây khoảng chục năm, có một tốp người khá đông ở Tam Kỳ (Quảng Nam) đến ở nhờ người dân trong vùng để săn giun đất. Từ đó người trong vùng học lóm nghề và dần dần trở thành những tay săn giun cự phách. Cứ đến tháng 4 âm lịch là vào mùa giun đất. Đây là mùa giun phát triển mạnh mẽ nhất và kéo dài trong vòng 6-7 tháng/năm. Song bãi Cồn Sóng, chỉ lộ ra vào khoảng 10 ngày trong tháng khi thủy triều rút, đó là những ngày quanh rằm và mùng 1 âm lịch. Lúc ấy thanh niên trong làng bắt tay vào săn giun đất.

Giun bắt về đều được rửa sạch mang phơi khô chừng một nắng, rồi kêu người đến bán. “Em với anh trai mỗi ngày ra bãi từ 2 giờ chiều đến lúc trời tối là kiếm được 1 xô đầy. Đem phơi thì cũng được chừng 1-2 kg”, cậu bé tên Thắng tôi gặp ở bãi khoe. Có nhà 3 người cùng đi săn giun, thu được chừng 3-4 kg loại khô. Giá giun thu mua ngày càng tăng. Ban đầu chỉ hơn 100.000 đồng/kg, sau lên 150.000 đồng, rồi 200.000 đồng. Thời điểm này, giun đã có giá 270.000 đồng/kg khô, được thương lái trên Hội An xuống mua. Có bao nhiêu, người ta mua bấy nhiêu. “Anh kia trong làng đi săn 10 ngày, kiếm được chục triệu, đổ 4 chỉ vàng như chơi. Làm chi ở vùng nông thôn ni mà ra 10 triệu đồng/tháng”, Vinh làm một phép tính thật nhanh.

Như Vinh, từ một thợ sơn nước đi làm ăn tứ xứ, cuối cùng về quê săn giun đất và coi đó là một nghề vừa có tiền, vừa nhàn hạ. 20 ngày khác trong tháng, họ đi làm thêm các nghề khác như trồng trọt, chăn nuôi, quây tôm, bắt cá... Còn với những cậu học sinh như Diện, Thắng... thì có việc làm vào mùa hè, vừa phụ cha mẹ vừa kiếm tiền học phí, mua sách vở cho năm học mới.

Diệu Hiền

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/gioi-tre/mua-san-giun-dat-345321.html