Mua sắm phần mềm có bản quyền: Nhiều nhà thầu ủng hộ đấu thầu tập trung

Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc mua sắm, sử dụng phần mềm có bản quyền khi mua sắm máy tính và hoạt động bảo trì phần mềm, hệ thống thông tin. Rất nhiều nhà thầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cung cấp thiết bị máy vi tính đang quan tâm đến những nội dung này, nhất là phương thức mua sắm tập trung các phần mềm có bản quyền.

Bản quyền phần mềm hệ điều hành và phần mềm soạn thảo văn bản có thể được mua sắm đồng thời khi mua sắm máy tính. Ảnh: Lê Tiên

Bản quyền phần mềm hệ điều hành và phần mềm soạn thảo văn bản có thể được mua sắm đồng thời khi mua sắm máy tính. Ảnh: Lê Tiên

Mua sắm tập trung nhiều cấp độ

Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất quy định, bản quyền phần mềm hệ điều hành và phần mềm soạn thảo văn bản có thể được mua sắm đồng thời khi mua sắm máy tính (máy vi tính để bàn, xách tay hoặc thiết bị điện tử tương đương) theo quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị. Đơn giá của máy tính theo quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị không bao gồm chi phí mua sắm bản quyền phần mềm.

Trường hợp máy tính chưa được cài đặt các phần mềm có bản quyền, các cơ quan, đơn vị lựa chọn sử dụng phần mềm mã nguồn mở tương đương phần mềm có bản quyền hoặc tổ chức mua sắm phần mềm có bản quyền.

Theo Dự thảo, việc mua sắm phần mềm có bản quyền được thực hiện theo một trong các phương thức sau: Tổ chức mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với phần mềm có bản quyền mà tất cả các cơ quan, đơn vị cùng có nhu cầu sử dụng; tổ chức mua sắm cho nhiều cơ quan, đơn vị; tổ chức mua sắm tập trung trong phạm vi của bộ, cơ quan trung ương, địa phương; tổ chức mua sắm phân tán tại đơn vị dự toán các cấp để phục vụ công việc thường xuyên, công tác chỉ đạo, điều hành.

Trong 4 phương thức mua sắm trên, có 3 phương thức mua sắm tập trung theo các cấp độ khác nhau. Theo đại diện Ban soạn thảo, quy định như trên phù hợp với quy định hiện hành về mua sắm tài sản công, đồng thời vẫn tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động trong việc tổ chức mua sắm phần mềm có bản quyền dựa trên khả năng và nhu cầu thực tế của từng cơ quan, đơn vị.

Hiệu quả kinh tế về lâu dài

Trước nguy cơ mất an toàn thông tin ngày càng gia tăng, Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị sử dụng phần mềm có bản quyền.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Báo Đấu thầu, rất nhiều hồ sơ mời thầu (HSMT) các gói thầu mua sắm máy vi tính (cả máy tính để bàn lẫn xách tay) chưa có quy định rõ ràng, thậm chí là bỏ trống về bản quyền phần mềm.

Trong khi đó, bàn về Dự thảo Quyết định, một số chủ đầu tư lo ngại về việc nếu tính cả chi phí bản quyền phần mềm, dự toán các gói thầu sẽ tăng với tỷ lệ khoảng 10 đến 30%, gây áp lực lón đến ngân sách nhà nước. Do đó, cần “có lựa chọn cho từng đối tượng sử dụng yêu cầu phần mềm nào để cung cấp chứ không thể áp dụng đại trà, gây lãng phí. Ví dụ như, mua máy tính cho học sinh sẽ không cần dùng nhiều phần mềm như cho các nhân viên sở, ngành”, một chủ đầu tư đề xuất.

Phản biện quan điểm này, nhiều nhà thầu lại cho rằng, về lâu dài, việc quy định rõ bản quyền các phần mềm khi xây dựng HSMT sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. “Thứ nhất, dùng phần mềm lậu gặp nhiều rủi ro như: nguy cơ mất cắp dữ liệu, bị hãng sản xuất phần mềm kiện. Thứ hai, quy định bản quyền phần mềm trong HSMT sẽ giúp các nhà thầu nâng cao nhận thức khi cung cấp hàng hóa, từ đó tạo nên sự cạnh tranh giữa các phần mềm cùng ứng dụng để người dùng có thêm lựa chọn. Bên cạnh đó, nếu tổ chức mua sắm tập trung phần mềm có bản quyền càng có lợi cho ngân sách nhà nước vì sẽ có cơ hội giảm giá lớn từ hãng do đơn hàng giá trị cao”, một nhà thầu chuyên cung cấp máy vi tính tại TP.HCM cho biết.

Hải An

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/dau-thau/mua-sam-phan-mem-co-ban-quyen-nhieu-nha-thau-ung-ho-dau-thau-tap-trung-122435.html