Mùa sách Tết

Hai mùa Tết gần đây, những cuốn sách viết về Tết ra mắt ngày càng nhiều, làm nên một 'mùa sách Tết' khá nhộn nhịp. Năm nay, hầu hết các cuốn sách đều được chăm chút từ nội dung đến hình thức, độc giả có nhiều sự lựa chọn.

Sách “Ăn Tết chơi Tết miền Tây” của Trần Minh Thương.

Sách “Ăn Tết chơi Tết miền Tây” của Trần Minh Thương.

Cuốn sách “Ăn Tết chơi Tết miền Tây” do NXB Văn hóa - Văn nghệ vừa giới thiệu khiến khán giả rất thích thú. Tác giả cuốn sách là Trần Minh Thương, một thầy giáo ở Ngã Năm, Sóc Trăng, mê khảo cứu văn hóa mà Báo Cần Thơ từng giới thiệu. Là dân miền Tây “chính hiệu” nên Trần Minh Thương kể chuyện ăn Tết, chơi Tết ở quê mình thật chân chất, thú vị. Trong lời nói đầu, anh viết: “Mênh mang sông nước Hậu Giang / Tết quê đọng lại chứa chan mấy dòng! Đã từ rất lâu, cứ vào dịp Tết đến xuân về, người dân miền Tây Nam bộ lại bắt đầu những công việc với họ chưa bao giờ là cũ, là hết thú vị mà luôn tràn đầy sự háo hức, vui tươi…”. Anh dẫn người đọc về với miền Tây, xem bà con lặt lá mai, tỉa hàng rào, sửa nhà cửa để ăn Tết. Rồi trên bàn thờ ngày cúng Tất niên, hay mâm cúng ông bà ngày mùng Một, cúng Hành Binh, Hành Khiển ngày mùng Ba, Tết nhà, Tết vườn, Tết giếng, Tết trâu, cúng Ông Chuồng, Bà Chuồng, cúng ghe, cúng khai trương, xuất hành… Đọc tới đâu lại bùi ngùi nhớ Tết quê mình tới đó.

Tác giả Phạm Công Luận lại chọn một chủ đề cũng không kém phần hấp dẫn là báo Xuân xưa qua quyển “Tùy bút - Hồi ký - Giai thoại trên báo Xuân Sài Gòn xưa” (NXB Văn hóa - Văn nghệ, Phương Nam Book phát hành). Tác giả Phạm Công Luận cho biết: Đây là tuyển tập những bài tùy bút, hồi ký ngắn, giai thoại, chuyện kể của nhiều tác giả là ký giả, nhà văn... trong hơn nửa thế kỷ trước cộng tác hay làm cho tòa soạn các báo ở Sài Gòn. Sách tập hợp những bài viết trích từ gần 40 tờ báo Xuân của thập niên 1950 cho đến 1975, kể lại những câu chuyện có thật xảy ra từ thập niên 1920, 1930 mà người kể được nghe thuật lại hoặc chính mình trải qua. Đó là chuyện nhà báo Trần Tấn Quốc (người sáng lập Giải Thanh Tâm trong lĩnh vực cải lương) bị quấy phá và hăm dọa ở nhà in; chuyện “cái nghèo” của nhà báo Thứ Khanh nổi tiếng… Ở lĩnh vực sân khấu, sách tập hợp bài viết trong báo Xuân xưa kể thời hoàng kim của cải lương với các bài viết của người trong cuộc như nghệ sĩ Bảy Nhiêu, nghệ sĩ Năm Châu, soạn giả Duy Lân, nghệ sĩ Kim Cương… Nếu độc giả muốn biết chuyện trọng tài bóng đá miền Nam Việt Nam Trương Văn Ký làm huấn luyện viên cho đoàn bóng đá miền Nam Việt Nam (lúc đó gọi là bóng tròn) đi dự Đại hội Thể thao Châu Á tổ chức năm 1954 tại Philippines và được đề nghị làm trọng tài trận cầu giữa A Phú Hãn và Miến Điện (nghĩa là Afghanistan và Myanmar) thì đọc bài viết trong sách này sẽ rõ.

Sau thành công của “Sách Tết Kỷ Hợi 2019”, Đông A Book tiếp tục cho ra mắt cuốn “Sách Tết Canh Tý 2020”. Sách là tập hợp các tác phẩm văn - thơ - nhạc - họa chủ đề mùa Xuân và ngày Tết, do nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn, NXB Văn Học ấn hành. Kim Đồng cũng quan tâm tới thị trường sách Tết khi giới thiệu 3 ấn phẩm thú vị: “Kể chuyện Tết Nguyên Đán”, “Đúng là Tết”, “Nhâm nhi Tết”. Sách phù hợp với thiếu nhi qua những câu chuyện về thuần phong mỹ tục ngày Tết, những sự tích Việt Nam liên quan tới Tết như Táo Quân, cây nêu, mâm ngũ quả...

Các quyển sách đều được trang trí rất đẹp, bắt mắt trên giấy tốt và bán khá chạy; bởi với nhiều người, những câu chuyện Xuân trong sách thú vị và giàu kiến thức.

ĐĂNG HUỲNH

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/mua-sach-tet-a117101.html