Mua sách song ngữ nhưng chỉ học phần tiếng Việt

Nhìn lại mùa hè vừa qua, chợt chạnh lòng vì bao điều bất cập đã và đang xảy ra trong ngành giáo dục. Khi cơn bão điểm ảo ở vùng cao dần lắng xuống thì cơn sốt về sách giáo khoa (SGK) lại lan tràn khắp nơi, ở đủ các cấp học…

Phụ huynh chọn mua sách giáo khoa tại nhà sách - Ảnh: Phạm Hùng

Tuy nhiên, vấn đề là khi đã có SGK, việc sử dụng như thế nào mới quan trọng. Nếu theo cách nhìn đó, việc sử dụng SGK hiện nay đang rất lãng phí.

Khó ngờ được chuyện để mua đủ một bộ SGK cho con, phụ huynh phải săn lùng nhiều nhà sách lớn mỗi nơi vài cuốn nếu không muốn con em mình đầu năm bị nhắc nhở không có SGK, mà việc có sử dụng hay không và hiệu quả thế nào còn phải xem xét lại. Mâu thuẫn hơn nữa là sau khi vất vả thu gom, có những quyển hầu như các trường THPT không hề sử dụng mà thay vào đó là các quyển đề cương cho bài tập lẫn bài học được biên soạn chỉn chu về hình thức lẫn nội dung.

Lướt qua quyển đề cương môn hóa học của vài trường mới hiểu vì sao giáo viên và cả học sinh thích dạy - học trong đề cương vì rõ ràng phần lý thuyết cô đọng, dễ hiểu; phần bài tập theo từng chủ đề từ cơ bản đến nâng cao, rất thích hợp cho việc rèn luyện theo trình độ tiếp thu của học sinh. Đó chính là sự lãng phí không nhỏ khi mỗi năm có hàng triệu quyển sách bị bỏ quên… Thêm nữa, một số sách mới phát hành lại gắn liền bài tập vào bài học. Thế là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên sử dụng SGK cũ không còn cơ hội. Lại thêm một sự lãng phí không đáng có.

Ở THCS, năm học này các em phải sử dụng sách song ngữ. Điều này hợp lý với các trường quốc tế hay trường có lớp tăng cường tiếng Anh, còn việc áp dụng đại trà cần xem xét lại khi phải mua bộ sách đắt hơn nhiều mà khi sử dụng, cả giáo viên và học sinh đều chỉ hoàn toàn dựa vào thông tin được dịch ra tiếng Việt vì nhiều lý do… Đó cũng là lãng phí và vô lý.

Vũ Thị Mỹ Hạnh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/mua-sach-song-ngu-nhung-chi-hoc-phan-tieng-viet-1002190.html