Mua S-400 không phải là tất cả, phương Tây không phải lo 'mất' Thổ Nhĩ Kỳ vào tay Nga?

Đã có những ý kiến lo ngại về một cuộc chia ly giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây. Tuy nhiên, đó cũng không chắc sẽ là một sự đoàn tụ vĩnh viễn giữa Moscow và Ankara.

Nga-Thổ vẫn còn nhiều bất đồng mà phương Tây có thể khai thác.

Nga-Thổ vẫn còn nhiều bất đồng mà phương Tây có thể khai thác.

Khi Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ tranh cãi quanh thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga và hợp tác với Moscow ở Syria, đã có những câu hỏi về việc liệu Ankara và phương Tây có đang tiến tới một cuộc chia ly thực sự hay không.

Theo cây bút Galip Dalay từ tạp chí Foreign Policy, đúng là Thổ Nhĩ Kỳ đang trôi dạt khỏi phương Tây nhưng vẫn còn quá sớm để nói rằng nước này đã sẵn sàng hợp tác với Nga, đặc biệt là ở Trung Đông.

Thổ Nhĩ Kỳ đang tính toán lại chính sách đối ngoại và chính sách khu vực của mình tại thời điểm Trung Đông đang trải qua một sự biến đổi lớn. Nga dường như cũng đang làm như vậy.

Khi Moscow và Ankara tìm kiếm ảnh hưởng nhiều hơn trong khu vực, mối quan hệ của họ sẽ có lúc hợp tác và cũng sẽ có lúc rơi vào cạnh tranh.

Ví dụ, Moscow và Ankara từng trên bờ vực đối đầu quân sự vào cuối năm 2015 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay của Nga. Chưa đầy một năm sau, cả hai đã hàn gắn mối quan hệ và quyết định hợp tác ở Syria và một loạt các vấn đề khác nhau, bao gồm cả năng lượng quốc phòng và hạt nhân.

Tuy nhiên, mặc dù mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang bền chặt, phương Tây sẽ cần nhớ rằng tham vọng địa chính trị của hai nước phần lớn không hề tương thích với nhau, và sự hợp tác hôm nay không bao hàm sự hợp tác vào ngày mai, nhà phân tích Dalay nêu quan điểm.

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể được phân tích rõ thành 3 điểm nổi bật nhất:

Đầu tiên, với sự tham gia của quân đội Nga vào cuộc chiến ở Syria năm 2015 và quyết tâm giữ Tổng thống Bashar al-Assad nắm giữ quyền lực, sự hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là điều không thể tránh khỏi.

Sự gắn kết đó đã dao động theo thời gian, nhưng hai bên dường như đã ổn định hợp tác trong nửa cuối năm 2016. Đến lúc đó, Nga hầu như kiểm soát phía Bắc Syria phía Tây Euphrates.

Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải dựa vào sự đồng ý của Nga để thực hiện các hoạt động quân sự dọc biên giới, trước tiên là chống lại IS và sau đó là chống lại lực lượng người Kurd ở Syria.

Thứ hai, tình trạng mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ có tác động trực tiếp đến độ thân thiện trong mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga.

Khi Ankara và Washington gần gũi, Thổ Nhĩ Kỳ muốn xem xét lại mối quan hệ với Nga khi lợi ích địa chính trị của họ bị thu hẹp. Nhưng khi Thổ Nhĩ Kỳ thất vọng với phương Tây vì giờ đây Mỹ đang hỗ trợ lực lượng người Kurd ở Syria, họ tìm đến Nga như một đối tác có thể thông cảm.

Cuối cùng, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga có một khía cạnh cá nhân. Nhà lãnh đạo của cả hai nước đóng vai trò quyết định trong chính sách đối ngoại và họ đã thiết lập mối quan hệ cá nhân với nhau.

Họ là hai nhà lãnh đạo nắm quyền lực lâu năm và cả hai có chung một niềm hoài nghi về phương Tây.

Idlib là một trong những nơi Nga-Thổ bất hòa.

Về cơ bản, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây đã xuống dốc một cách sâu sắc. Và nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thực hiện thỏa thuận mua hệ thống S-400 và Mỹ ban hành lệnh trừng phạt nặng nề thì Ankara có thể phụ thuộc vào Nga nhiều hơn trong lĩnh vực quốc phòng.

Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng cách giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó có thể thu hẹp. Và những điều này sẽ đặt ra những hạn chế đối với sự hợp tác của hai nước, đặc biệt là ở Trung Đông.

Đầu tiên, kể từ thời Đế chế Ottoman, Thổ Nhĩ Kỳ luôn tìm cách chối bỏ sự hiện diện của Nga ở phía Nam hoặc ở phía Đông Địa Trung Hải. Nhưng đó chính xác lại là nơi Nga đang ngày càng hoạt động mạnh mẽ ngày nay, từ Syria đến Libya, Ai Cập và Algeria.

Khi ảnh hưởng của Nga tăng lên, tiếng nói của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực sẽ bị thu hẹp. Sự xuất hiện của Nga tại “sân nhà” Thổ Nhĩ Kỳ là điều không bình thường về mặt lịch sử và địa chính trị, vì vậy Ankara không muốn điều đó sẽ tồn tại mãi mãi.

Thứ hai, vấn đề Trung Đông giữa hai nước kể từ trước đến nay thường xuyên bất hòa. Từ Syria cho đến Ai Cập, từ Libya đến Palestine, Nga luôn có sự ủng hộ hoặc thiên hướng ưu tiên cho một bên đối lập với quan điểm của Ankara.

Hiện tại, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt đầu bất đồng về tương lai của Idlib. Nhiều vấn đề địa chính trị gai góc được đặt ra để đẩy hai quốc gia ra xa nhau.

Thứ ba, là một quốc gia xuất khẩu năng lượng, Nga muốn giữ giá năng lượng luôn ở mức cao. Đó là lý do tại sao nước này đang nhanh chóng phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn với các thành viên Ả Rập của OPEC, đặc biệt là Saudi Arabia.

Thông qua sự phối hợp chặt chẽ về giá cả và năng suất dầu, Nga và Saudi có chung mục đích giữ giá năng lượng tăng.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia nhập khẩu năng lượng lớn. Không ngạc nhiên khi Ankara thích giá năng lượng thấp, đặc biệt là tình trạng thâm hụt thương mại ngày càng cao do nhu cầu năng lượng của nước này không ngừng tăng trưởng.

Do lợi ích chủ yếu thường xuyên đối lập ở Trung Đông, hợp tác Nga và Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với những giới hạn thực sự.

Mặc dù hai nước có thể sẽ tiếp tục là đối tác của nhau và có thể xích lại gần nhau hơn khi Mỹ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ra xa, nhưng sẽ có nhiều cơ hội để phương Tây khai thác sự mâu thuẫn của cả hai.

Một trong những điều dễ nhất chính là sự khác biệt của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga về tương lai của Idlib. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây đều có lợi ích trong việc ngăn chặn một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn của Nga vào tỉnh này.

Không thể phủ nhận, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-phương Tây đã trải qua một sự thay đổi lớn trong những năm gần đây. Hiện trạng cũ sẽ không trở lại. Tuy nhiên, mối quan hệ đó cũng sẽ không bị phá vỡ, vì mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga cũng vốn dĩ rất lỏng lẻo.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/mua-s-400-khong-phai-la-tat-ca-phuong-tay-khong-phai-lo-mat-tho-nhi-ky-vao-tay-nga-a435897.html