Mùa Rơ dáo của người Cơ Tu

Trên các bản làng xa xôi của người Cơ Tu ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam như Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang, khi những cánh hoa zi lang nở trắng rừng báo một mùa đông, gió se se lạnh lại về, chúng ta lại bắt gặp những hình ảnh thân quen với những chiếc gùi nặng trĩu của bà con Cơ Tu đi từng đoàn từ nhà sàn này đến nhà sàn khác trong làng, hay từ làng này đến làng khác để làm "Rơ dáo" thăm hỏi nhau cuối năm.

Nói lý- hát lý cách ứng khẩu độc đáo trong Rơ dáo của người Cơ Tu.

Nói lý- hát lý cách ứng khẩu độc đáo trong Rơ dáo của người Cơ Tu.

Đối với đồng bào Cơ Tu, nét văn hóa "Rơ dáo" đã có từ lâu đời. Đây là nét văn hóa độc đáo, mang tính gắn kết cộng đồng, tính nhân văn rất cao. Cứ đến đầu đông, khi công việc thu hoạch lúa, ngô trên nương rẫy đã xong, thường bên họ hàng nhà gái chủ động thu xếp thời gian vào rừng kiếm củi, hoặc làm cơm, bắt cá, làm thịt gà, vịt những đồ vật đại diện cho phụ nữ Cơ Tu... để đi thăm nhà trai. Những đồ vật bên nhà gái sang thăm nhà trai thường là những gùi củi, gùi mía, chuối và nếu nhà có điều kiện thì mang tặng tấm tút, gùi cơm lam, bánh sừng trâu, cá suối, gà, vịt nướng và rượu tà đin, tà vạc, rượu sắn. Đáp lại tình cảm của nhà gái, nhà trai sẽ chuẩn bị chiếu, chén, bát, chùm chóe, hạt mã não, chiêng, thanh la... mổ heo, đón cơm và mời rượu vào buổi tối hôm đó tùy theo điều kiện của gia đình.

Phụ nữ gùi Rơ dáo thăm nhà trai.

Mục đích của tục đi "Rơ dáo" là qua một năm lao động, hai bên gia đình chưa có thời gian và điều kiện để thăm hỏi nhau, nay nhân dịp lúc mùa đông về, việc gia đình tạm xong, gia đình nhà gái chủ động tổ chức thăm hỏi nhà trai để chia sẻ, giúp đỡ, vun đắp hơn nữa truyền thống tốt đẹp cũng như tình cảm của hai bên gia đình.

Đêm về, bên mâm rượu tà đin thơm nồng, ánh lửa hồng, bếp sàn nhà trai đầy ắp tiếng nói cười của họ hàng, con cháu; họ nói lý- hát lý về cách dạy con cháu ngoan, hiền, hiếu thảo; nói lý-hát lý về cách làm nương rẫy, để năm sau cầu được mùa, bắt được nhiều thú rừng hay phá hại nương rẫy, bảo vệ tốt mùa màng, xây dựng làng xóm thái bình đẹp giàu, và đôi khi trong câu nói lý- hát lý ấy cũng hàm chứa nhiều triết lý nhân văn sâu xa rất ý nghĩa và thâm thúy, giải quyết một cách êm thỏa những khúc mắc, mâu thuẫn nếu không may hai bên gia đình, làng xóm mắc phải, từ đó xây dựng tình cảm giữa hai bên gia đình, xóm làng ngày càng tốt đẹp, bền chặt hơn.

PƠ LOONG PLÊNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_199266_mua-ro-dao-cua-nguoi-co-tu.aspx