Mua online nhưng thanh toán bằng... tiền mặt: Lỗ hổng niềm tin

Thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam đang có tốc độ phát triển rất nhanh do xu thế phát triển của công nghệ và đời sống hiện đại. Tuy nhiên, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm đa số trong loại hình thương mại này.

Thương mại điện tử là xu hướng phát triển rất tích cực ở Việt Nam. Ảnh: ST

Thương mại điện tử là xu hướng phát triển rất tích cực ở Việt Nam. Ảnh: ST

Ứng dụng điện tử nhưng lại tiêu tiền mặt

Chia sẻ về lượng thanh toán trực tuyến của khách hàng khi thực hiện mua sắm trực tuyến, ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc Đối ngoại cấp cao, đại diện Tiki miền Bắc cho hay, thanh toán trực tuyến trong tiêu dùng online vẫn chưa thực sự đạt được như kỳ vọng. Tiki có khoảng 4,5 đến 5 triệu đơn hàng một tháng thì số đơn hàng thanh toán online chỉ chiếm khoảng 40% tổng số đơn hàng, còn lại 60% là sử dụng tiền mặt. Đây là sự lệch pha rất lớn, vì tại các quốc gia trong khu vực như Indonesia và Malaysia, tỷ lệ thanh toán trực tuyến cho TMĐT đã chiếm khoảng 85%.

Hiện các DN TMĐT Việt Nam đều đã tích hợp với dịch vụ thanh toán trực tuyến như: thanh toán qua thẻ quốc tế, qua ví điện tử, chuyển khoản, quét mã QR, sử dụng thẻ tích điểm… Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện cơ quan này đã cấp phép cho 37 tổ chức trung gian thanh toán, tính đến cuối quý 1/2020, số ví điện tử đã mở, kích hoạt sử dụng đạt gần 13 triệu ví với tổng số dư gần 1.400 tỷ đồng. Số đơn vị chấp nhận thanh toán ví cũng ngày càng tăng, góp phần tích cực phổ cập tài chính tại Việt Nam.

Thống kê của Nielsen Việt Nam cho thấy, 30% người tiêu dùng Việt Nam có một tài khoản với một tổ chức tài chính. Tuy nhiên, chỉ 4,1% người tiêu dùng có thẻ tín dụng, 3,5% có tài khoản thanh toán di động (mobile money) và chỉ 21% người tiêu dùng sử dụng thanh toán trực tuyến để trả các hóa đơn trực tuyến. Hơn nữa, cũng theo thống kê của Nielsen, về hình thức thanh toán trên TMĐT, 37% người dùng sử dụng thẻ tín dụng, 17% sử dụng tiền mặt, 30% chuyển khoản qua ngân hàng, 11% sử dụng ví điện tử, còn lại 6% là các hình thức thanh toán khác.

Các chuyên gia đánh giá, những tỷ lệ trên chưa tương xứng với tiềm năng và sự phát triển của TMĐT. Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số (Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương) cho biết, thị trường TMĐT Việt Nam liên tục tăng trưởng trong 5 năm qua với tốc độ tăng trung bình trên 25%/năm. Năm 2019, doanh thu TMĐT B2C tại Việt Nam vào khoảng 10,8 tỷ USD, đạt tỷ trọng 4,9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên cả nước. Lượng người Việt tham gia mua sắm trực tuyến vào khoảng gần 45 triệu người, tăng trưởng mạnh qua từng năm.

“Tuy nhiên, trong các giao dịch dịch trực tuyến, việc sử dụng các công cụ thanh toán điện tử vẫn chưa thể thay thế cho hình thức COD (trả tiền mặt khi nhận hàng). Số liệu từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, năm 2019 còn tới 86% người mua hàng vẫn sử dụng thanh toán tiền mặt khi giao hàng. Tỷ lệ này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của TMĐT, nếu không được giải quyết thì khi thị trường hoặc nguồn vốn đầu tư thay đổi, DN và cả thị trường sẽ không mở rộng được”, ông Lê Đức Anh nêu rõ.

Sợ bị "hớ" nên "nắm đằng chuôi"

Thời gian gần đây, nhiều cơ sở kinh doanh bằng hình thức trực tuyến đã bị lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ hàng nghìn sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái… Tuy nhiên, việc kiểm soát để quản lý, xử phạt lại không dễ dàng do các giao dịch trên mạng thường không có hóa đơn, chứng từ. Đây là những “lỗ hổng” còn tồn tại ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của TMĐT, và cả thanh toán trực tuyến. Ông Hoàng Quốc Quyền cho rằng, nguyên nhân là do người tiêu dùng chưa có niềm tin với các giao dịch trực tuyến.

Bởi thực tế cho thấy, chính vì những vụ việc hàng giả, hàng nhái, hàng nhận về không giống như trên hình ảnh trưng bày khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại, trả tiền trước bằng hình thức thanh toán trực tuyến sẽ bị mua “hớ”, mất tiền oan, nên cứ phải “nắm đằng chuôi”, thấy hàng, kiểm tra hàng mới trả bằng tiền mặt. Trong khi đó, xét về mặt kinh tế, lợi ích của thanh toán trực tuyến trong mua sắm trực tuyến tại các sàn TMĐT uy tín là giúp tăng quá trình lưu thông tiền và hàng, hạn chế rủi ro so với thanh toán tiền mặt, minh bạch trong quản lý, an toàn bảo mật thông tin và linh hoạt trong việc thanh toán...

Về vấn đề này, ông Lê Đức Anh cho biết, trong kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đang xây dựng “Nền tảng tín nhiệm” đối với thương mại. Trong đó, nền tảng sẽ đánh giá các chủ thể kinh doanh, thậm chí là các cá nhân sau đó cấp giấy chứng nhận để công bố rộng rãi đến người tiêu dùng. Nền tảng này đề cập đến các hình thức thanh toán đảm bảo, giao hàng, ứng dụng chứng từ điện tử, xử lý tranh chấp khiếu nại… Còn theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), để giải quyết được vấn đề lòng tin cần phải xây dựng tính an toàn trong thanh toán không tiền mặt và tạo xu hướng tiêu dùng tích cực. Các ngân hàng, công ty tài chính đã và đang áp dụng rất nhiều biện pháp bảo mật, chống đột nhập khai thác thông tin khách hàng.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Quốc Quyền cho rằng, Chính phủ cần kiên quyết kiểm tra xử lý những sàn TMĐT bán hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc, có chế tài và biện pháp mạnh mẽ, thậm chí rút giấy phép để tạo niềm tin cho người mua sắm và thanh toán online. Ngoài ra, các ngân hàng, cổng thanh toán, nhà mạng cũng cần tạo điều kiện và có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân khi thanh toán online cùng với các sàn TMĐT…

Minh Chi

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/mua-online-nhung-thanh-toan-bang-tien-mat-lo-hong-niem-tin-132375-132375.html