Mùa nước nổi ở làng nghề đan lưới – lú Thơm Rơm

Những ngày này, tại Làng nghề đan lưới – lú Thơm Rơm thuộc phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ rất nhộn nhịp.

Người dân làng lưới Thơm Rơm tất bật sản xuất hàng phục vụ nhu cầu đánh bắt thủy sản trong mùa lũ. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Người dân làng lưới Thơm Rơm tất bật sản xuất hàng phục vụ nhu cầu đánh bắt thủy sản trong mùa lũ. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Mùa nước nổi năm nay tại Đồng bằng sông Cửu Long về sớm và được dự báo mực nước có thể cao hơn những năm trước. Những ngày này, tại Làng nghề đan lưới – lú Thơm Rơm thuộc phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ rất nhộn nhịp. Đây là thời điểm các hộ dân làm lưới chạy hết công suất để sản xuất hàng giao cho khách, phục vụ nhu cầu đánh bắt thủy sản trong mùa lũ.

Làng lưới Thơm Rơm có tên đầy đủ là Làng nghề đan lưới - lú Thơm Rơm, được UBND thành phố Cần Thơ công nhận làng nghề vào năm 2012 với khoảng 40 hộ sản xuất chính.

Ông Phạm Phước Tới, chủ cơ sở sản xuất lưới – lú ở gần dốc cầu Thơm Rơm cho biết, khoảng một tuần nay, lượng khách hàng của ông tăng hơn khoảng 30% so với mọi năm do người dân làm nghề đánh bắt thủy sản mùa lũ muốn tranh thủ khai thác ngay khi có nước đổ về. Dù nhu cầu tăng cao nhưng giá các mặt hàng vẫn ổn định, không tăng.

Từ đầu tháng 8, ông Tới phải thuê thêm nhân công để kịp sản xuất hàng bán cho khách. Người đàn ông 60 tuổi với gần 40 năm kinh nghiệm đan lưới cho biết, mấy ngày gần đây các loại lưới, lú bắt cá hút hàng, làm tới đâu bán hết tới đó.

“Cả nhà tôi và hơn 30 nhân công làm liên tục mới đủ hàng giao. Những cơ sở khác họ phải trữ hàng trước chứ đến giờ mới làm là không kịp”, ông Tới nói trong khi hai tay và hai chân vẫn liên tục điều khiển chiếc máy đan lưới.

Các tiệm lưới ở Thơm Rơm sản xuất quanh năm nhưng cao điểm của mùa kinh doanh là trong các tháng mùa nước nổi, từ khoảng tháng 7 đến tháng 10 Âm lịch hàng năm.

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh ngư cụ phải thuê thêm nhân công và làm việc cả ban đêm để chuẩn bị nguồn hàng sẵn sàng phục vụ nhu cầu tăng cao của thị trường.

Thu nhập từ nghề đan lưới từ 100.000 đồng - 300.000 đồng/người/ngày. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Bà Nguyễn Thị Hương, chủ tiệm lưới Thọ Hương, đối diện cơ sở của ông Tới cho biết, tiệm của bà sản xuất đủ các loại ngư cụ dùng đánh bắt thủy sản như lú, lưới, dớn…với đủ kích cỡ. Nghề làm lưới phụ thuộc vào con nước, năm nào nước lớn thì lời nhiều, nước nhỏ thì lời ít.

Trong những năm gần đây, do mở rộng thị trường và đa dạng các loại ngư cụ nên hầu như quanh năm, lúc nào tại làng lưới Thơm Rơm hoạt động mua bán vẫn diễn ra liên tục, dù mùa nước nổi mới là cao điểm đánh bắt các loại cá theo dòng nước đổ về ở miền Tây.

So với năm năm trước, hiện giá bán nhiều loại ngư cụ vẫn khá ổn định, tạo thuận lợi cho người dân hành nghề đánh bắt thủy sản mùa lũ.

Cụ thể, giá lưới mùng đang ở mức 60.000 - 80.000 đồng/kg; lưới bén loại thường 55.000 - 200.000 đồng/tay (chiều dài 80m - 100m).

Một số loại lưới cao cấp có giá 250.000 - 500.000 đồng/tay; lú giá 270.000 - 400.000 đồng/cái; chài nhỏ khoảng 280.000 - 400.000 đồng/cái, chài lớn 500.000 - 800.000 đồng/cái, dớn 35.000 - 200.000 đồng/cái…

Theo nhiều tiệm lưới, năm nay giá thuê nhân công và một số nguyên liệu phục vụ sản xuất ngư cụ tăng gần 10% so với năm trước nhưng nhiều cơ sở vẫn giữ ổn định giá bán sản phẩm để giữ chân khách hàng và mong tăng lợi nhuận từ việc tăng số lượng hàng sản xuất và bán ra.

Ngoài sản xuất các loại ngư cụ đánh bắt cá nước ngọt, những năm gần đây, nhu cầu đặt hàng các loại lú, rập và ngư cụ phục vụ đánh bắt cá biển cũng tăng cao.

Nhiều cơ sở phải thuê thêm lao động thời vụ và lao động đến nhận nguyên liệu lưới về gia công thành sản phẩm hoàn chỉnh giao lại cho cơ sở mới đáp ứng kịp các đơn hàng.

Theo UBND phường Tân Hưng, ngoài gần 40 hộ sản xuất chính, Làng nghề đan lưới Thơm Rơm còn có khoảng 200 hộ tham gia gia công, tập trung ở khu vực Tân Lợi 1 và khu Tân Lợi 2, phường Tân Hưng.

Làng nghề góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 700 lao động chuyên nghiệp và khoảng 500 lao động thời vụ với thu nhập bình quân mỗi lao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/ngày, góp phần đáng kể trong việc giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thuận, chủ tiệm lưới Hữu Tý, một trong những tiệm lưới lớn nhất ở Thơm Rơm cho hay, hiện cơ sở của chị có hơn 200 lao động làm việc thường xuyên với thu nhập từ 100.000 – 300.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, nhiều người nhận về làm gia công tại nhà, nhận tiền công theo sản phẩm.

Tại tiệm này, tiền công làm một chiếc lú (dụng cụ bẫy cá phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long) là 58.000 đồng, trung bình mỗi ngày một người có thể làm được 2 cái.

“Ai làm giỏi thì một ngày có thể kiếm được hơn 300.000 đồng, bình thường là hơn 100.000 đồng, tùy theo năng suất của mỗi người”, chủ tiệm lưới Hữu Tý cho biết.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hưng Nguyễn Chí Hiếu, việc được UBND thành phố Cần Thơ công nhận làng nghề năm 2012 tạo cơ sở pháp lý cho Làng nghề đan lưới – lú Thơm Rơm hoạt động.

Thời gian qua, hoạt động của làng nghề tương đối ổn định, mỗi cơ sở thu hút 100 – 200 lao động.

Ngoài ra, những hộ gia đình nhận mặt hàng lưới lú về gia công cho những cơ sở này cũng tạo công ăn việc làm cho lao động ở địa phương trong thời gian nhàn rỗi.

Những năm gần đây, sản phẩm của làng lưới Thơm Rơm được tiêu thụ quanh năm dù mùa lũ mới là thời điểm nhu cầu về các loại dụng cụ này tăng cao nhất.

Hiện các mặt hàng ngư cụ của nơi này đã có mặt khắp các tỉnh miền Tây và xuất khẩu sang Campuchia với doanh thu của làng nghề ước đạt từ 40 - 45 tỷ đồng một năm.

Các mặt hàng lưới – lú của làng nghề đan lưới Thơm Rơm được phường Tân Hưng chọn tham gia chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm, làm cơ sở để làng nghề phát triển bền vững thời gian tới./.

Thanh Liêm/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/mua-nuoc-noi-o-lang-nghe-dan-luoi-lu-thom-rom/93671.html