Mùa nóng, nói chuyện phòng cháy… (Kỳ cuối: Nguy cơ cháy nổ tại nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh)

Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

Ngày 21-6, lực lượng PCCC đã dập tắt vụ cháy tại tiệm sửa chữa thiết bị văn phòng tại số 151 Đống Đa (Q. Hải Châu, Đà Nẵng). Thông tin ban đầu, lửa bùng phát ở phía trước, nơi chứa nhiều thiết bị máy móc, giấy, xe máy, sau đó lan ra toàn bộ căn nhà. Rất may, 7 người trong nhà ông Nguyễn Văn Tả đã kịp thời thoát nạn bằng lối thoát hiểm phía sau. Chất đầy hàng hóa kinh doanh, xe máy ngay lối thoát nạn, khi vụ cháy xảy ra, mới thấy việc thoát nạn, chữa cháy sẽ hết sức khó khăn.

Chữa cháy tại số nhà 151 Đống Đa.

Chữa cháy tại số nhà 151 Đống Đa.

Theo Thiếu tá Lê Văn Tân- Đội trưởng đội PCCC&CNCH CAQ Hải Châu, do ngọn lửa phát triển nhanh, toàn bộ mái nhà bằng tôn bị uốn cong, đổ sập bao trùm lên bề mặt khiến công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Lửa cháy lan sang ngôi nhà phía sau. Tường của 2 ngôi nhà bên cạnh bị nứt toác, hư hại nghiêm trọng. Các chiến sĩ chữa cháy phải chia làm 4 mũi lăng từ 4 phía để phun nước chữa cháy. Đến khoảng 4 giờ cùng ngày, đám cháy mới được khống chế hoàn toàn. Lực lượng chữa cháy tiếp tục sử dụng máy cắt thủy lực để cắt tôn, giải phóng hiện trường để tiếp tục phun nước, đề phòng lửa cháy lại.

Đây là lần thứ 2 tiệm sửa chữa thiết bị này bị cháy. Trước đó, vào tháng 10-2016, căn nhà cũng bị cháy trong đêm khiến tài sản bị thiêu rụi hoàn toàn. Ngôi nhà này, có nhiều dụng cụ dễ cháy, sắp xếp ngổn ngang che chắn lối thoát nạn. Đã nhiều lần lực lượng chức năng cảnh báo về nguy cơ cháy, nổ nhưng chủ nhà lại lờ đi.

Điều dễ nhận thấy qua vụ cháy này là những căn nhà có chức năng kết hợp giữa nhà ở và kinh doanh, hàng hóa chất đầy lối thoát hiểm, phía bên ngoài, biển quảng cáo bưng bít mặt tiền căn nhà. Dù có trang bị bình chữa cháy xách tay thì công tác chữa cháy ban đầu sẽ hết sức khó khăn. Do ngọn lửa gặp các chất dễ cháy nhanh chóng lan ra toàn bộ lối ra vào khiến cho người trong nhà bị mắc kẹt. Nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ gây chết người từ những căn nhà kết hợp giữa ở và kinh doanh liên tiếp được cảnh báo, tuy nhiên do ý thức PCCC kém, người dân vẫn rất chủ quan và thờ ơ trong công tác này.

Việc để các xe máy, xe đạp điện… tại lối ra vào tầng 1 là thói quen của rất nhiều người dân. Tuy nhiên, do nhà dân có cấu trúc nhà ống, chưa thiết kế lối thoát hiểm phụ nên nguy cơ xảy ra cháy là rất cao nhất là vào ban đêm. Khói lửa sẽ theo lối cầu thang lên các tầng khiến nạn nhân không thoát ra được. Còn nhớ trong năm 2017, một vụ cháy xảy ra tại số 48, đường Nguyễn Tư Giản (Q. Sơn Trà) khiến 3 người chết. Nguyên nhân ban đầu xuất phát do chập điện chiếc xe đạp tại tầng 1. Giá như ngôi nhà có một lối thoát hiểm phụ và có trang bị bình chữa cháy thì hậu quả đã không nặng nề như vậy. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ từng nói, nhà dân có nguy cơ cháy rất nhiều nên việc trang bị bình chữa cháy là hết sức cần thiết giúp họ có thể xử lý sự cố khi có cháy, nổ xảy ra. Tuy nhiên cần hướng dẫn cụ thể bà con nhân dân cách đặt bình chữa cháy tại nơi dễ thấy, dễ lấy để đám cháy phát sinh có thể sử dụng được ngay.

Theo thống của Cảnh sát PCCC, trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn TP Đà Nẵng xảy ra hơn 50 vụ cháy, thiệt hại hơn 5 tỷ đồng. Trong đó, có rất nhiều vụ cháy xảy ra tại các hộ gia đình có kết hợp kinh doanh sản xuất tại nơi ở. Để hạn chế thấp nhất các vụ hỏa hoạn xảy ra, Đội Cảnh sát PCCC và CHCN CAQ Hải Châu khuyến cáo các chủ hộ kinh doanh cần phải nâng cao nhận thức và tuân thủ quy định về an toàn PCCC. Trong quá trình sắp xếp, trưng bày hàng hóa để kinh doanh cần chú trọng lối thoát hiểm, không tự ý cơi nới hoặc làm sai lệch thiết kế, công năng của ngôi nhà bất chấp các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ. Có như vậy mới hạn chế thấp nhất các vụ hỏa hoạn tại khu dân cư gây hậu quả khôn lường. Bên cạnh đó, Đội cũng đã phát các cẩm nang PCCC cho các chủ hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn quận. Theo Trung úy Vũ Minh Nhân, cán bộ đội PCCC&CNCH CAQ Hải Châu, cẩm nang này bao gồm các kiến thức cơ bản về công tác phòng chống cháy, nổ nhất là tại hộ gia đình. Vì thực tế những buổi tuyên truyền chỉ có một người đại diện trong gia đình đến nghe và truyền đạt lại nhưng cẩm nang này sẽ giúp cho mọi người trong gia đình cùng xem. Qua đó lan tỏa thông điệp cộng đồng cùng chung tay phòng cháy chữa cháy.

"Phi thương bất phú", đa phần những người có nhà mặt tiền thường tận dụng kinh doanh hoặc cho thuê. Cái lợi thu nhập khiến việc cơi nới buôn bán là khó tránh khỏi. Nhưng nhiều hộ kinh doanh vẫn còn thờ ơ trong công tác PCCC nên khi xảy ra sự cố, thiệt hại tính mạng, tài sản là không tránh khỏi. Đã đến lúc, người dân phải nhận thức đúng đắn hơn về công tác PCCC, đừng để mất bò mới lo làm chuồng.

Việt Thành

>> Mùa nóng, nói chuyện phòng cháy... (Kỳ 1: Những "quả bom nổ chậm" trong khu dân cư)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_227061_mua-nong-noi-chuyen-phong-chay-ky-cuoi-nguy-co-chay-no-tai-nha-o-ket-hop-san-xuat-kinh-doanh-.aspx