Mưa nhân tạo: Giải pháp mới giúp làm sạch không khí tại Ấn Độ?

New Delhi, Thủ đô của Ấn Độ, có thể là thành phố đầu tiên sẽ áp dụng công nghệ mưa nhân tạo để làm sạch không khí, India Times ngày 6/11 đưa tin.

Dẫn lời ông Prashant Gargawa, Thư ký Ban kiểm soát ô nhiễm Trung ương (CPCB) Ấn Độ, India Times cho biết, hiện CPCB và các nhà nghiên cứu đến từ Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) đang nghiên cứu khả năng này, trên cơ sở dữ liệu từ Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) và sự hỗ trợ của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ để tạo ra các đám mây nhân tạo.

Mưa nhân tạo sẽ hỗ trợ cải thiện chất lượng không khí của thủ đô”, ông Gargawa nói.

Mưa nhân tạo sẽ hỗ trợ cải thiện chất lượng không khí. Hình minh họa

Đồng thời, Thư ký CPCB cho biết sẽ sử dụng máy bay để phát tán trong các đám mây những chất đặc biệt gây mưa; đồng thời tiết lộ kế hoạch này sẽ bắt đầu sau ngày 10/11.

Trong khi đó, Sputnik cùng ngày cho hay, theo thông tin có được từ CPCB chi nhánh Delhi, nồng độ hạt mịn trong không khí ở khu vực đô thị đo được ngày 5/11 đạt mức 644 micron, cao gấp 25 lần so với mức độ đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 1 triệu người tử vong vì khói độc mỗi năm ở Ấn Độ, trong khi New Delhi tiếp tục giữ vị trí đầu tiên trong danh sách các thành phố có môi trường kém nhất thế giới.

Các chuyên gia cho biết, mức độ ô nhiễm gia tăng tại New Delhi gắn liền với lượng khói tỏa ra từ những đám cháy xảy ra ở vùng nông thôn thuộc bang Haryana và Punjab, nơi những người nông dân thường đốt rạ sau khi thu hoạch.

Thống kê hàng năm, vào khoảng thời gian này, 16 triệu người dân thủ đô Ấn Độ phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí và mắc các bệnh do khói gây ra.

Bạch Dương

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/the-gioi/chuyen-la/mua-nhan-tao-giai-phap-moi-giup-lam-sach-khong-khi-tai-an-do-275118.html